Ngày 12/9, tại chương trình Người kể chuyện đời, nghệ sĩ cải lương Chí Tâm đã chỉa sẻ về cơ duyên đến với nghề hát của ông.
Ông nói: "Tôi sinh ở Vĩnh Long. Nhà tôi may mắn ở gần kế một rạp hát nên tôi được nghe ké các đoàn hát vọng sang. Lúc đó, tôi mới 6 tuổi đã được nghe cô Thanh Thành, Năm Nghĩa, Tư Sang, Phùng Há, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu… Ba tôi cũng biết đờn vọng cổ nên tôi được học ké từ ba.
Ba tôi mê vọng cổ nên lân la làm quen nghệ sĩ từ các đoàn hát rồi mời về nhà ăn cơm. Nhờ đó nên tôi có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ từ sớm. Sau này tôi đi hát từ sớm, được góp mặt trong nhiều đĩa. Mọi người hay gọi tôi là em bé Chí Tâm.
Nghệ sĩ Chí Tâm tại chương trình
Sau đó, tôi đóng vai con quạ trong vở Ăn khế trả vàng. Tiếp đó, tôi tham gia vở Công chúa Thủy Tề, rồi tới vai Na Tra".
Trong sự nghiệp của mình, tên tuổi nghệ sĩ Chí Tâm gắn liền với vở cải lương Lan và Điệp. Về vở diễn này, ông tâm sự: "Vở tuồng Lan và Điệp nguyên gốc lấy từ truyện Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thế hệ đầu tiên là bác Năm Nghĩa đóng vai Điệp, cô Tư Sang đóng vai Lan. Thế hệ thứ hai là nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Thanh Nga.
Tới thế hệ là thế hệ của chúng tôi. Lúc đó, tôi đang cộng tác với đoàn Kim Chung, chung với Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ, NSND Lệ Thủy, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu… Các anh em nghệ sĩ chúng tôi đều được hãng đĩa để ý tới để mời lên thu âm. Chúng tôi thu vở tuồng này đến nay cũng ngót 50 năm rồi nhưng vẫn được khán giả yêu thích nghe đi nghe lại.
Để có được vở tuồng làm nên tên tuổi cho mình, tôi phải cảm ơn Tổ nghiệp, cảm ơn hai soạn giả là Loan Thảo và Hoàng Việt đã chắp bút. Soạn giả Loan Thảo nổi tiếng hơn nhưng soạn giả Hoàng Việt cũng đứng sau cánh gà để hỗ trợ chúng tôi.
Hồi đó chúng tôi thu âm cầu kỳ lắm. Ví dụ, hôm đó chúng tôi thu âm 5 mặt đĩa thì hai ông soạn giả ngồi dưới quán cà phê tiếp tục viết phân cảnh 6, 7, 8… đưa cho người đánh máy. Người đánh máy đánh xong mới đưa lên phòng thu cho nghệ sĩ đọc. Nếu không kịp thì nghệ sĩ nghỉ giải lao, ăn uống, tán gẫu, đợi kịch bản tới tay.
Hồi ấy, chúng tôi thu âm trực tiếp với dàn nhạc sống. Phòng thu chia làm 3 gian, một gian nghệ sĩ thu, gian hai của nhạc công và gian thứ ba là kỹ thuật thu âm.
Tuy nhiên, ngày đó, vở này chỉ thu đĩa chứ chưa từng diễn trên sân khấu. Khán giả không xem hình, chỉ nghe nghệ sĩ hát thôi cũng đủ xúc động".
Nam nghệ sĩ cũng nghẹn lòng khi nhắc về kỷ niệm với cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ:
Chí Tâm và Thanh Kim Huệ
"Khi ấy, tôi khoảng 21 tuổi, còn Thanh Kim Huệ khoảng 18 tuổi. Nhắc tới đây, tôi muốn dành một phút tưởng niệm hương hồn cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, người đã thổi vai Lan trở nên sống động, làm cho khán giả cả nước yêu mến.
Cách đây vài năm, khi Thanh Kim Huệ chưa mất, tôi đã diễn lại vở này cùng Thanh Kim Huệ trên sân khấu. Tất nhiên, trong thời gian không có tôi, Thanh Kim Huệ hoàn toàn có thể diễn Lan và Điệp với những kép khác như NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn… Nhưng điều khiến tôi nhói lòng nhất là Thanh Kim Huệ bảo: Em chỉ đợi anh để hát vai Điệp với em, bao nhiêu người mời nhưng em từ chối hết.
Thanh Kim Huệ còn bày tỏ rằng, khi thấy tôi diễn Lan và Điệp với những cô đào khác, Huệ buồn trong lòng, nhưng không nói ra.
Ban đầu khi người ta mời Thanh Kim Huệ đóng lại Lan và Điệp với tôi, cô ấy còn ngần ngại, nhưng rồi vẫn đồng ý vì tính tới lúc đó là 45 năm rồi chúng tôi mới có cơ hội đứng chung sân khấu với nhau".