Chỉ mất 60 giây, nam sinh lập kỷ lục chưa từng có ở Olympia, nhờ “vé vớt” mà lọt chung kết

Lam Giang |

Kỷ lục của Nguyễn Hoàng Khánh khiến nhiều người dự đoán, anh chàng sẽ là một đối thủ đáng gờm trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21.

Chưa đến 10 ngày nữa, chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 sẽ diễn ra. 1 trong 4 nhà leo núi của trận chung kết năm nay là Nguyễn Hoàng Khánh (học sinh lớp 12A1, trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh), nhất quý I. 

CHỈ MẤT 60 GIÂY ĐỂ LẬP KỶ LỤC CHƯA TỪNG CÓ

Nhìn bên ngoài, Hoàng Khánh là một chàng trai hiền lành, điềm tĩnh. Thế nhưng, nam sinh này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi lập kỷ lục mới của Đường lên đỉnh Olympia với thành tích trả lời qua 17 câu hỏi trong vòng 60 giây ở phần thi Khởi động (trả lời đúng 11 câu).

Vì vậy, Hoàng Khánh được mọi người gọi với biệt danh "vua tốc độ". Hoàng Khánh chia sẻ, cậu có khả năng đọc rất nhanh, đọc hết 1 trang giấy chỉ mất 7-8 giây.

Chỉ mất 60 giây, nam sinh lập kỷ lục chưa từng có ở Olympia, nhờ “vé vớt” mà lọt chung kết - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Khánh gây ấn tượng với vẻ ngoài hiền lành và điềm tĩnh.

Những ai từng theo dõi các trận thi đấu của Hoàng Khánh đều phải công nhận, anh chàng là một người rất bản lĩnh. Còn nhớ ở cuộc thi tháng 1, quý I, Hoàng Khánh đã có màn rượt đuổi gay cấn cùng thí sinh Quang Huy.

Hoàng Khánh bước vào phần thi Về đích khi đang ở vị trí thứ 3, kém người dẫn đầu 70 điểm. Khi MC Diệp Chi hỏi Hoàng Khánh chọn gói câu hỏi nào, chàng trai này đã trả lời: "Em không muốn sau cuộc thi này mình phải hối tiếc bất cứ điều gì" và chọn gói 3 câu hỏi có tổng là 80 điểm. Hoàng Khánh đưa ra 2 câu trả lời đúng, trong đó có 1 câu sử dụng ngôi sao hy vọng. Điều này giúp nam sinh Quảng Ninh vươn lên tạm dẫn đầu đoàn leo núi. 

Sau đó, Quang Huy tiếp tục bứt phá để giành vòng nguyệt quế trận thi tháng. Song vì là người có số điểm nhì cao nhất, Hoàng Khánh vẫn có mặt ở trận thi quý I. Được cứu nhờ "vé vớt" nhưng trong cuộc thi quý, "vua tốc độ" không có đối thủ. Anh chàng về nhất với 375 điểm, bỏ xa các bạn thí sinh còn lại, mang cầu truyền hình về cho trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh một cách đầy thuyết phục.

Chỉ mất 60 giây, nam sinh lập kỷ lục chưa từng có ở Olympia, nhờ “vé vớt” mà lọt chung kết - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng Khánh giành vòng nguyệt quế của cuộc thi quý I.

ĐẶT MỤC TIÊU GIÀNH CHỨC VÔ ĐỊCH

Hoàng Khánh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề Nhà giáo. Bà ngoại và mẹ của Khánh đều là cô giáo dạy Văn. Bà ngoại rất thích cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nên đã định hướng, động viên cháu trai tham gia cuộc thi này ngay từ khi còn bé.

Theo nhận xét của mẹ Hoàng Khánh, từ nhỏ anh chàng đã có hứng thú với sách, biết đọc sách trước khi vào lớp 1. Hoàng Khánh cũng thích đọc, sưu tầm và nhận quà là sách vào tất cả các dịp đặc biệt. Nam sinh này luôn là người tự giác trong việc học tập, ham học và ham đọc. Ở nhà Khánh có những giá sách cao, đầy kín nhưng vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. 

Trong suốt những năm tháng bắt đầu đi học cho đến hiện tại, bố mẹ không hề tạo áp lực gì cho Hoàng Khánh trong việc học tập mà chỉ định hướng, tạo điều kiện để con thỏa mãn đam mê, phát triển khả năng. 

Ở trường, Hoàng Khánh cũng được thầy cô nhận xét là có nhiều tố chất đặc biệt như: Tư duy nhanh nhạy, trí nhớ tốt và ham học hỏi. Khi Hoàng Khánh bày tỏ khát khao muốn tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thầy cô, bạn bè đều tạo điều kiện và ủng hộ, cổ vũ Khánh hết sức. 

Chỉ mất 60 giây, nam sinh lập kỷ lục chưa từng có ở Olympia, nhờ “vé vớt” mà lọt chung kết - Ảnh 3.

Thời gian qua, Hoàng Khánh đang tích cực trau dồi, ôn luyện để chuẩn bị thật tốt cho trận chung kết năm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp các thí sinh “giật điểm” ở các phần thi. Do đó, Hoàng Khánh được đánh giá là một trong những đối thủ đáng gờm của các nhà leo núi trong trận chung kết năm nay. 

Hoàng Khánh tiết lộ, vấn đề mấu chốt khi tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là tự học, vì đây là một cuộc thi yêu cầu kiến thức tổng hợp. Những kiến thức mà Hoàng Khánh có được ngoài tiếp thu ở trường, lớp, từ thầy cô thì một phần rất lớn là do đọc sách và tự tìm hiểu qua internet. Trong suốt thời gian qua, Hoàng Khánh luôn cố gắng vừa hoàn thành chương trình học trên lớp, vừa trau dồi, ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho trận chung kết năm.

Việc tỉnh Quảng Ninh từng có 2 Quán quân Olympia giúp Hoàng Khánh cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Và bản thân Khánh cũng đặt mục tiêu sẽ giành chức Vô địch năm nay. 

Chúc chàng trai Hoàng Khánh sẽ thi đấu thật bình tĩnh, đạt thành tích như mong đợi!

Do diễn biến của dịch Covid-19 nên phải đến ngày 14/11 tới đây, cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 mới có thể diễn ra. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp tại trường quay S14 Đài Truyền hình Việt Nam, cùng 4 điểm cầu tại các địa phương nơi có thí sinh tham dự chung kết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại