Chi hàng nghìn tỷ đồng có giúp Hà Nội hết úng ngập?

Hà Phương |

Đại diện Công ty MTV Thoát nước Hà Nội và Sở Xây dựng vừa qua đã thông tin về tình hình thực hiện các dự án thoát nước trên địa bàn thành phố. Với những lộ trình cụ thể, liệu Thủ đô sẽ thoát cảnh ngập sau mỗi cơn mưa lớn, nhất là vào những mùa mưa.

Xóa nhiều điểm “đen” úng ngập

Về dự án thoát nước mưa, chống ngập toàn thành phố, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, mùa mưa năm nay thành phố còn tồn tại 15 trọng điểm úng ngập trên các phố khi xảy ra mưa lớn (với lượng mưa 50mm-100mm/2 giờ).

Khoảng 2 tháng nữa, tức là tháng 8 sẽ xóa bỏ 3 điểm úng ngập: Giải Phóng - đoạn trước bến xe phía Nam; Phan Văn Trường; Nguyễn Chính.

Đến cuối năm nay, xoá 8 điểm bao gồm: Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Minh Khai đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Hoa Bằng, chùa Bút Tháp, Ngọc Lâm.

"Với 4 điểm ngập úng cố hữu khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hoả, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát đơn vị đang nghiên cứu giải quyết bằng hầm điều tiết nhân tạo", ông Võ Tiến Hùng cho biết.

Giải pháp xây hầm mà Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng rất khả thi khi đề xuất với Thành phố là khi mưa ngập sẽ đưa nước về hầm sau đó sẽ điều tiết bằng hạ nguồn nước hoặc bơm tự động, lượng nước sau đó sẽ dùng để tưới cây hoặc dùng cho cứu hỏa.

Đơn vị cấp thoát nước này cũng cho biết, qua khảo sát khu vực Đường Thành và Phùng Hưng nếu lượng mưa 50mm/h sẽ bị ngập.

Hồ điều tiết sẽ đáp ứng lượng mưa 70mm/h, với phương án này thì hồ ngầm hoàn toàn đáp ứng việc chứa nước và thoát nước. Hầm sẽ có dung tích khoảng 2.000m3 và sử dụng công nghệ của Nhật Bản.

Với giá vật tư, vật liệu chưa nội địa hóa, TGĐ công ty MTV Thoát nước HN dự tính kinh phí xây dựng vào khoảng 25 tỷ đồng, nếu nội địa hóa được thì giá thành sẽ rẻ hơn.

Một phương án song song cho vùng đô thị hóa cao như Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, ông Nguyễn Thanh Bình, PGĐ BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, lưu vực thoát nước mưa tả sông Nhuệ có diện tích khoảng 9.800 ha bao gồm 6 tiểu lưu vực.

Hiện nay, hệ thống thoát nước mưa ở những khu vực này chủ yếu là kênh, mương tưới tiêu nông nghiệp cũ, chưa có công trình đầu mối thoát nước và không đáp ứng được yêu cầu thoát nước của khu vực, dẫn đến tình trạng úng ngập nghiêm trọng.

Đơn vị triển khai dự án hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Dự án có 4 hạng mục đầu tư gồm cải tạo xây dựng mới 4 trạm bơm tổng công suất 35,5 m3/giây; cải tạo, xây mới 9 hồ với tổng diện tích 127ha; cải tạo xây mới trên 13km kênh hở; cải tạo xây dựng mới trên 14km cống trục chính với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng.

Cập nhật úng ngập lên điện thoại

Hà Nội vừa lắp đặt 16 camera giám sát tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình... nhằm kiểm soát các điểm có nguy cơ xảy ra ngập úng.

Theo ban Chỉ huy phòng chống thiên tai TP Hà Nội cho biết, với những camera vừa được lắp đặt sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát điểm và từng bước xây dựng hệ thống mô phỏng các điểm thường xuyên xảy ra ngập nhằm đưa ra giải pháp xử lý giảm thiểu ngập úng.

Ông Bùi Ngọc Uyên, cán bộ Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Hệ thống camera giúp chúng tôi theo dõi tình hình ở hiện trường kể cả trong đêm tối vì hệ thống được sử dụng công nghệ hồng ngoại”.

Khi chưa có hệ thống camera giám sát, toàn hộ hệ thống giám sát tại các vị trí chống ngập chỉ điều hành trên hệ thống bộ đàm cho nên việc điều hành không được trực quan.

Được biết, dữ liệu thu thập từ camera còn được tích hợp lên một ứng dụng miễn phí HSDC MAPS trên điện thoại giúp người dùng có thể cập nhật được tình trạng ngập úng khi mưa.

Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới gồm 72 xe hút, xe stec, máy bơm chìm, máy phát điện, tổ xe bơm di động, xe bơm di động, tổ máy bơm di động từ, 100 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu... để sẵn sàng xử lý khi tình trạng ngập úng xảy ra.

Đăc biệt, đối với các điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra ngập úng các đơn vị liên quan sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên khi có các trận mưa có cường độ 50mm trong vòng 2 giờ để có giải pháp tiêu thoát kịp thời, giải quyết xử lý nhanh để giảm thời gian và chiều sâu úng ngập còn tồn tại.

Hiện nay, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày.

Các khu vực khác như: Khu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

Các khu vực đô thị mới vẫn còn tình trạng ngập cục bộ khi có mưa lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.

Hơn nữa, một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều ha vẫn đang trong quá trình xây dựng, thi công.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay từ nay đến cuối năm 2018, đơn vị này sẽ giải quyết dứt điểm 3 điểm ngập nặng của thành phố là phố Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy), Bến xe phía Nam (Giáp Bát) và phố Nguyễn Chính (quận Hoàng Mai). Đưa tổng số 18 điểm ngập nặng xuống chỉ còn 12 điểm.

Lộ trình sau đó, tiếp tục sẽ có 8 điểm ngập nặng được lần lượt xử lý dứt điểm, gồm: đường Đội Cấn (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Tôn Thất Tùng, Trường Chinh (quận Đống Đa); Phạm Văn Đồng, Hoa Bằng (quận Cầu Giấy); Ngọc Lâm (quận Long Biên); đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại