Tại SEA Games 29, Timor Leste thậm chí không giành nổi chiếc HCB nào mà chỉ 3 lần có HCĐ. Khá hơn chút, Brunei có 5 HCB, 9 HCĐ và xếp thứ 9 là Lào, 2 HCV, 3 HCB cùng 21 HCĐ. Trong nhóm "tứ tiểu gia" SEA Games, Campuchia khá hơn cả với 3 HCV, 2 HCB và 12 HCĐ.
So với SEA Games 2015, Campuchia vẫn đứng thứ 8 nhưng có sự vượt trội về huy chương. Tại Singapore 2 năm trước, họ chỉ giành được 1 HCV, 5 HCB và 9 HCĐ.
Ngược về SEA Games 2013, Campuchia khi đó có tận 8 HCV, 11 HCB và 28 HCĐ nhưng rõ ràng, mọi sự tiến bộ trong các giai đoạn đều được đánh giá cao, chứ không phải bị vùi dập vì quá khứ đã cách khá xa. Cụ thể, Thủ tướng Campuchia, Hun Sen đã nhanh chóng lên facebook để ca ngợi các VĐV nước nhà.
"Tôi chúc mừng Nhà vô địch quyền Anh Khun Dima đã giành được HCV sau khi thắng võ sĩ Thái Lan. Còn cô Sorn Seavmey (Taekwondo) đã thắng VĐV Philippines để lên ngôi vô địch. Đó là niềm tự hào của đất nước Campuchia và tôi chúc các VĐV khác cũng thành công tại SEA Games 29".
Võ sĩ quyền Anh Khun Dima mang về một HCV cho Campuchia ở SEA Games 29.
Báo giới Campuchia gọi thành tích của họ đạt được tại SEA Games năm nay là "Golden finish" theo một cách rất viên mãn. Họ không quá nặng nề vào việc khai thác các lùm xùm, tiêu cực ở SEA Games dù vẫn có vài trang đưa các tin tức đơn lẻ về tranh cãi tại Malaysia.
Trên tất cả, giá trị của Thể thao vẫn là thúc đẩy con người tiến về phía trước. Tất nhiên khi tính công bằng trong thể thao không được đảm bảo, người ta cần tìm lại thước đo chính xác. Nhưng đôi khi những tranh cãi thái quá có thể đẩy một kì Đại hội đi theo chiều hướng khác, như các SEA Games nhiều năm qua đã bị gọi là "ao làng".
Nữ võ sĩ Sorn Seavmey (áo trắng) nhận HCV tại SEA Games 29.
Trong mắt những người coi SEA Games là "ao làng", liệu họ có còn thật sự trân trọng các thành tích mà những VĐV đạt được?
Thử hỏi, trong tổng số 404 bộ huy chương đã trao ở SEA Games 29, có bao nhiêu huy chương gây tranh cãi? Nhưng sức lan tỏa của truyền thông và cộng đồng mạng dễ đánh đồng các huy chương với nhau, khiến giá trị thành tích mà các VĐV bỏ mồ hôi và cả máu phần nào bị ảnh hưởng.
Campuchia chẳng có nhiều huy chương như các quốc gia ĐNÁ thuộc top 7 nhưng họ có niềm tự hào chẳng kém bất cứ đâu.
Vào năm 2023, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games thứ 32. Kỳ vọng đấy sẽ là một kì SEA Games mà các VĐV ĐNÁ được thi tài một cách công bằng nhất, ở những môn chơi phổ biến nhất, chứ không phải chỉ là thế mạnh của một vài cái tên nào đó hòng độc chiếm huy chương theo số lượng.