Điểm nóng không được rung chuông báo động
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Bill Clinton điều các nhóm tàu sân bay đến Đài Loan vào năm 1996.
Trong một cuộc họp đầu tháng 11 với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì cảnh báo rằng Đài Bắc là vấn đề "quan trọng và nhạy cảm nhất" của Bắc Kinh thời điểm này.
Trong một cuộc họp báo 2 ngày sau đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ca ngợi mối quan hệ, tuy không chính thức, nhưng gần gũi giữa Mỹ và Đài Loan. Ông Pompeo còn khẳng định rằng chính sách của Washington với Đài Bắc là không đổi, đồng thời lo lắng về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc "hạn chế không gian quốc tế của Đài Loan".
Đài Loan đang bị đẩy vào thế kìm kẹp khi Bắc Kinh và Washington dần tỏ ra "hiếu chiến" trong nhiều vấn đề như thương mại, Biển Đông.
Đáng nói là kể cả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì Washington và Bắc Kinh đều khẳng định không theo đuổi chiến tranh Lạnh hay chính sách ngăn chặn nhau, khiến việc rung chuông báo động về khả năng đụng độ Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan như bị bỏ qua.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu lầm về đối thủ
Từ thực tế đang diễn ra có thể khẳng định, chỉ cần sự tính toán sai lầm của một hay nhiều bên từ 3 phía thì đều có thể trở thành xúc tác cho đối đầu tăng cao.
Nhận định về vấn đề này, Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng cả Đài Loan, Trung Quốc hay Mỹ đều chẳng nhận được lợi ích gì khi tham gia vào một cuộc đối đầu.
Vì vậy khả năng này sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp "những chính sách sai lầm được thực hiện bởi tất cả các bên", bà Glaser nói
Tuy nhiên, đến nay, nhiều sai lầm đã có thể nhận diện.
Về phía Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sai lầm khi từ đầu chỉ xem cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào như một sự dọa nạt và chỉ hiểu được sự cứng rắn của Washington khi mà mức thuế quan đã tăng lên gấp đôi.
Trong bài phát biểu tháng 10 tại Viện Hudson ở Washington, ông Pence đã cho thấy cách chính quyền Trump nhìn nhận Trung Quốc như là một tác nhân gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh và cả việc can thiệp chính trị.
Phó Tổng thống Mỹ đã lên án việc Bắc Kinh thúc đẩy các quốc gia Mỹ Latinh cắt đứt quan hệ với Đài Loan, cùng lúc đó khuyến cáo các công ty Mỹ không gọi hòn đảo này là "tỉnh của Trung Quốc" trên website của họ.
Hay hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Trump cũng đã phớt lờ các mối đe dọa trả đũa của Trung Quốc trong việc ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, với nội dung khuyến khích trao đổi chính thức giữa Washington và Đài Bắc lên mức cao nhất.
Mỹ từng điều tàu sân bay đến eo biển Đài Loan năm 1996. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Thậm chí vào tháng 6, Mỹ đã dành riêng một hợp đồng trị giá 250 triệu USD với hơn 400 nhân viên để phát triển Viện Mỹ tại Đài Loan, được xem như đại sứ quán không chính thức của nước này ở Đài Bắc.
Chỉ tính riêng trong năm nay, Mỹ đã 3 lần tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải qua eo biển Đài Loan. Mỹ cũng có vẻ đang bình thường hóa việc bán vũ khí cho hòn đảo này.
Theo Willy Lam, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, "Bắc Kinh vốn cho rằng từ sau sự kiện ở Iraq, chính quyền Mỹ sẽ không phát động một cuộc chiến nào trên thực địa để bảo vệ đồng minh. Nhưng hiện đang có sự thống nhất trong cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc phản đối ý tưởng đưa Đài Loan về một mối của Trung Quốc".
"Ngay cả khi Trump không tái đắc cử vào năm 2020 thì tổng thống tiếp theo vẫn có thể kiên quyết bán vũ khí cho Đài Loan và sử dụng lực lượng quân sự để ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện", chuyên gia này nhận định.
Ông cũng dự báo rằng các hoạt động giao thương vũ khí của Washington với Đài Bắc hay việc tuần tra eo biển Đài Loan bởi các tàu khu trục Mỹ sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Đài Loan là lá bài quan trọng của ông Trump nhằm đảm bảo một chiến thắng với Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Lạnh, ông Lam nói.
Trong khi đó, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đưa Đài Loan trở thành ưu tiên hàng đầu.
Cùng với việc nâng cấp nhanh chóng khả năng quân sự của Bắc Kinh trong 5 năm đầu tiên nắm quyền, ông Tập cũng tăng cường sức mạnh đó ở rìa Đài Loan.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã thực hiện di chuyển vòng quanh đảo, trong khi máy bay trinh sát, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu thường xuyên kiểm tra phản ứng của Đài Loan.
"Ông Tập Cận Bình định hình bản thân như là một Mao Trạch Đông của thế kỷ 21. Cố Chủ tịch Mao đã thống nhất đất nước mà không có Đài Loan, vì vậy nếu ông Tập làm được, vị thế của nhà lãnh đạo này trong đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ càng được nâng lên", Lam nhận định.
Sự lép vế của Trung Quốc khi đối mặt với sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đối với Đài Loan 22 năm trước là động lực cho sự hiện đại hóa của lực lượng vũ trang Bắc Kinh, đặc biệt là hải quân của nước này.
Và hiện tại, cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan có thể sẽ là thách thức lớn nhất mà liên minh không chính thức Mỹ - Đài đã từng gặp phải