Cháy rừng thường xảy ra ở các vùng Địa Trung Hải và Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng mùa hè khô cằn. (Ảnh: Reuters)
Nhiệt độ ở Địa Trung Hải lên tới gần 46 độ C, khiến các nước Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ phải chống chọi với cháy rừng trong nhiều ngày.
Theo kênh truyền hình SRF của Thụy Sĩ, người dân các nước Địa Trung Hải phải hứng chịu cái nóng lịch sử.
Các nhà khí tượng cho rằng trong những ngày tới nhiệt độ ở Hy Lạp sẽ tăng lên 46 độ C. Tại Italy, các nhân viên cứu hỏa đã thực hiện hơn 800 cuộc gọi thông báo cháy rừng mỗi ngày. Trong khi, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lại cháy rừng đến ngày thứ 4.
Trong 3 ngày qua, nhiệt độ 43 độ C đã được ghi nhận ở nhiều nơi ở Hy Lạp. Về đêm, đặc biệt ở các thành phố lớn nhiệt độ không xuống dưới 30 độ C. Một số nhà khí tượng học cho đây là mức nhiệt cao nhất lịch sử. Lực lượng phòng vệ dân sự Hy Lạp đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau cuộc họp khủng hoảng khẩn cấp vào cuối tuần vừa qua.
Các thành phố trên hòn đảo ở Biển Aegean nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ những phòng máy lạnh đã được mở cửa cho người dân vào tránh nóng. Đối với những người di cư trong các trại, chính quyền dựng lều và container có điều hòa nhiệt độ. Các bác sĩ khuyên nên cẩn trọng trước cái nóng, và Bộ Lao động cũng khuyến cáo cắt giảm các công việc ngoài trời.
Trên đảo Sicily của Italy, lực lượng cứu hộ đã nhận được 250 cuộc gọi báo cháy rừng. Tại khu vực lân cận thành phố cảng Catania, ngọn lửa bùng cháy dữ dội, nhiều tòa nhà dân cư chìm trong khói dày đặc. Theo hãng tin Ansa, các nhà chức trách đã sơ tán và đưa đến nơi an toàn bằng đường biển khoảng 150 người bị lửa bao vây.
Người đứng đầu Sicily Nello Muzumechi cho biết, các nhà điều tra đã xác minh những kẻ đốt phá rừng đứng đằng sau một số vụ cháy gây ra những thiệt hại không thể phục hồi và gây nguy hiểm cho con người. Theo ông Muzumechi, nắng nóng ở Sicily có thể kéo dài đến ngày 6/8.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình của Thụy Sĩ cho hay, 10 điểm cháy rừng vẫn đang hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong số đó có 3 điểm nằm ở tỉnh Antalya. Trong tổng số 98 đám cháy bắt đầu xảy ra hôm thứ 4 tuần trước ở nhiều khu vực của nước này, 88 đám cháy đã được kiểm soát.
Ngoài ra, các khu vực lân cận bị ảnh hưởng bởi đám cháy ở 5 tỉnh đã được cơ quan thiên tai và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là vùng thiên tai.
Đặc biệt là những đám cháy dữ dội đang hoành hành ở bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Gió mạnh khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Nhiều khu vực kể cả khách sạn đã được sơ tán, khách du lịch được đưa đến nơi an toàn bằng cả đường biển.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Koca cho biết, số người chết do cháy rừng ở nước này đã tăng lên 8 người, 864 người bị thương. Theo ông, 7 nạn nhân ở Manavgat, tỉnh Antalya, một nạn nhân khác thiệt mạng ở Marmaris.
Lý do chính xác của các vụ cháy rừng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra và không loại trừ hành vi đốt phá.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 31/7 đã đến thăm khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, kiểm tra thiệt hại từ máy bay trực thăng. Phát biểu từ thị trấn Manavgat, ông Erdogan thông báo, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đài thọ tiền thuê nhà cho những người bị ảnh hưởng bởi đám cháy và xây dựng lại nhà cửa của họ.
Ông Erdogan cho biết thêm, các khoản thuế, an sinh xã hội và tín dụng sẽ được hoãn lại đối với những người bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp nhỏ sẽ được cung cấp khoản tín dụng với lãi suất bằng 0.
Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ gần kỷ lục là do các khối khí nóng tràn vào Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ châu Phi. Đồng thời, các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác khi nào sức nóng sẽ giảm xuống. Một số nhà khí tượng học lo ngại rằng tình trạng nguy hiểm này có thể kéo dài tới hai tuần.