Phận là con gái, khi đi lấy chồng lúc nào cũng chỉ mong được đằng nhà chồng yêu quý, nếu không coi như con đẻ thì ít nhất cũng sống hòa hợp ít điều tiếng.
Vì lẽ đó, các cô gái hầu như đều rất kỳ vọng vào cuộc sống sau hôn nhân như một phép thử để chứng minh tình yêu của mình đã không đặt nhầm vị trí.
Nếu như có rất nhiều trường hợp các nàng dâu tha hồ lên mạng để nói xấu mẹ chồng hay gia đình nhà chồng thế này thế khác thì cô gái tên Hòa ở Hải Phòng dưới đây lại không ngớt lời khen về một người phụ nữ năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn vui tính, hoạt bát và đặc biệt đã trở thành bạn tâm giao của cô những lúc chồng vắng nhà.
Người đó là bà ngoại chồng của Hòa, một cựu giáo viên mầm non mẫu mực.
Cô gái tên Hòa này đã may mắn có được người bà ngoại thứ hai yêu thương mình như cháu ruột.
"Sống chung với bà chồng. Nhà em có cả bà chồng nữa là 4 thế hệ. Nhưng tiếng cười thì lấn át tiếng khóc các mẹ à. Bà chồng em (mẹ của mẹ chồng em) năm nay 80 tuổi nhưng bà còn minh mẫn và trông con phụ em.
Không những trông mà bà còn dạy cháu đủ trò từ hoan hô, khoe áo đẹp, đi chợ, bán mua… vì bà có chuyên môn sư phạm mầm non mà.
Tư tưởng của bà tiến bộ lắm luôn khối người phải học tập ấy. Bà là cầu nối giữa em với các thành viên bên gia đình chồng. Từ ngày về làm dâu tới nay cũng gần 2 năm rồi, bà là người soi đường, chỉ lối, thậm chí là cả mách ti tỉ chuyện trong nhà để mình dễ bề đối nhân xử thế.
Bà công bằng với mọi người mà lại có phần thiện vị em, nhất là 2 vợ chồng có vấn đề gì bà bênh em ra mặt (nhưng lỡ mà em có sai gì là lúc sau 2 bà cháu nói nhỏ với nhau, để rồi đầy lần nhận tội với bà).
Cứ ở nhà là 2 bà cháu thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Bà hay kể chuyện ngày xưa, người già mà, có người nghe là quý lắm ấy.
Chồng em đi công tác (đi đảo năm sau mới về cơ), em tâm sự với bà để vơi đi nỗi nhớ thương chồng ra đó thiếu thốn tình cảm, vật chất, thời tiết lại khắc nghiệt rồi khóc ngon lành.
Bà là người cam đảm mà cũng òa khóc theo kí ức xưa tràn về. Bà nói‘ ’thời bình chỉ lo thế, thời chiến còn nhiều mối lo hơn cháu ơi. Lo sống, lo chết, lo cả bữa đói, bữa no. Ngày ông đi nhà đang lợp mái, ông bụng đói lên đường, rồi ông đi mãi, đi mãi…". Thế mới biết mọi lo lắng của em là thừa.
Bà ngoại đã ngoài 80 nhưng vẫn minh mẫn lắm.
Bà là người em kính trọng, nể phục và yêu quý. Với em, bà là người bạn già nhiều chuyện, hiểu chuyện, để mình dốc bầu tâm sự (nhất là thời điểm yêu xa này). Mong sao bà cứ sống vui, sống khỏe với con với cháu là hạnh phúc rồi".
Đó là những lời chia sẻ từ tận đáy lòng của Hòa, vốn dĩ từ một nơi khác đến nhưng chính bà là người đã làm cho Hòa cảm thấy nhà chồng thân thuộc và bớt bỡ ngỡ hơn. Với Hòa, bà xứng đáng được tôn vinh vì những gì đã làm cho con cho cháu.
"Bà ngoại chồng mình tên là Nguyễn Thị Lan năm nay 80 tuổi rồi, trước bà làm giáo viên mầm non cũng mấy chục năm cống hiến cho nghề đó. Và khi về già, bà vẫn cứ vui vẻ sống những ngày tuổi già như thế đấy."
Cũng vì đã từng là giáo viên mầm non nên bà chồng của Hòa rất biết cách dạy dỗ con cháu. Bà đã dạy con của Hòa những thứ mà đến cô nhiều lúc cũng chẳng có thời gian để ý. Thế mới biết sức mạnh của một người có kinh nghiệm mới đáng quý biết chừng nào.
Ảnh cưới của Hòa cũng chụp cùng với bà.
Với Hòa, người bà ấy ngoài việc là bề trên trong gia đình thì còn là người bạn tâm giao của Hòa. Chồng Hòa vốn đi làm xa nhà nên nỗi nhớ nhung khắc khoải lại càng nhiều hơn, y như bà hồi còn trẻ cứ ngóng trông ông trở về.
"Ông ngoại chồng mình là liệt sĩ nhưng nhà mình vẫn chưa tìm thấy mộ ông. Đó là điều bà vẫn luôn trăn trở bao lâu nay. Ông đi bộ đội lúc mẹ chồng mình còn nhỏ và bà thì đang có bầu ông cậu. Từ lúc ấy, bà một mình lo lắng mọi thứ từ đi dạy, đồng áng đến chăm con.
Bà kể rằng cũng có chú bộ đội về làng để ý bà nhưng bà vấn một lòng một dạ với ông. Bà là người nóng tính nhưng cũng cực kỳ tình cảm khi đứng ra nhận trách nhiệm trông con cho mình đi làm.
Đến tối về bà lại tường thuật tỉ mỉ một ngày ở nhà của con như thế nào khiến mình thấy ấm lòng vô cùng".
Bà là người đã cho Hòa nhiều hơn những kinh nghiệm và cảm xúc trong cuộc sống.
Hòa biết nỗi đau của bà nên thương bà nhiều lắm, có điều cũng tự trách mình vì đôi lúc hơi vô tâm khi nhắc tới chuyện đó. Hòa kể, bình thường mọi người trong nhà ít khi nói chuyện về ông lắm vì sợ bà tổn thương. Lần nào Hòa tâm sự với bà chuyện chồng đi làm xa lại khiến bà xúc động đến phát khóc.
Lúc ấy Hòa thấy mình còn may mắn hơn bà và thương bà vô cùng. Nghĩ đi nghĩ lại, Hòa thấy mình thật may mắn khi có được thứ hạnh phúc dung dị bên cạnh người thân bên nhà chồng, đặc biệt là người bạn tâm giao lớn tuổi, điều mà hiếm nàng dâu có được.
Cô luôn cảm thấy mọi tình cảm mà người nhà chồng đối với cô là thật lòng và từ tâm của Hòa cũng vậy, cô cũng coi họ như chân tay ruột thịt của mình chứ chẳng phải xa lạ.