Ngay sau khi chia sẻ lên một diễn đàn lớn dành cho phụ nữ, câu chuyện của chị Lê Thanh (SN 1987, ở Đống Đa, Hà Nội) đã thu hút hàng nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận của các phụ nữ.
Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước câu chuyện của chị Thanh.
Đoạn chia sẻ của chị Thanh trên diễn đàn mạng thu hút nhiều sự quan tâm của chị em phụ nữ.
Trong đoạn chia sẻ trên, chị Thanh viết: “Bà nội chồng em đấy các mẹ ạ. Từ ngày em về làm dâu, bà thương như con cháu trong nhà.
Dạo gần đây em bắt đầu mang cơm trưa đến cơ quan ăn. Bà thấy vậy xót em. Bà bảo tối bà nấu thêm cơm, sáng bà bỏ vào hộp rồi mang đi làm ăn nhé.
Em đã từ chối nhiều lần rồi mà sáng nào cũng thấy bà treo hộp cơm ở xe từ khi nào. Em sống trong gia đình nhà chồng, tứ đại đồng đường các mẹ ạ.
Nếu 1 ngày vì lý do nào đó em phải ra khỏi ngôi nhà này, người duy nhất em áy náy và thương yêu là cụ nội của bé nhà em”.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, chị Thanh cho biết, bà nội chồng chị là phụ nữ gốc Hà Nội xưa. Bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, sinh năm 1945. Bà có lối sống rất giản dị.
Trước bà là giáo viên nhưng hiện đã về hưu. Cả gia đình tứ đại đồng đường nhà chồng chị, gồm 11 người, đang sống trong một khu nhà ở quận Đống Đa.
Chị Thanh tâm sự: “Em về làm dâu khi đã bầu 6 tháng. Các cụ xưa đâu dễ dàng chấp nhận chuyện ăn cơm trước kẻng.
Nhưng cụ vẫn đón nhận em, vẫn yêu thương em bằng tất cả tình thương của một người bà dành cho cháu ruột, chứ không phải cháu dâu đâu ạ”.
Hàng ngày, cụ Tuyết giúp chị Thanh trông cháu cho chị đi làm.
Mặc dù, họ ở hai thế hệ khác nhau có nhiều khác biệt về lối sống nhưng mọi thứ đều có thể dung hòa hết nhờ sự nhẫn nhịn và tình yêu thương của cụ dành cho nhau.
Từ ngày chị quyết định mang cơm đi làm, sáng nào cụ Tuyết cũng chuẩn bị cơm cho cháu dâu mang đi. Dù nhiều lần chị từ chối rồi nhưng cụ vẫn làm.
“Sáng nào cũng vậy, em đã thấy cụ treo hộp cơm ở xe từ khi nào rồi. Cụ thấy em mang cơm đi làm nên xót.
Cụ bảo tối cụ nấu thêm cơm, sáng cụ bỏ vào hộp rồi em mang đi làm. Thực sự em cảm động và thương cụ lắm”.
Về nhà chồng làm dâu, chị Thanh kể, người mà chị có thể chia sẻ mọi chuyện không ai khác chính là bà nội chồng: “Vợ chồng em có xích mích tương đối lớn. Ngay cả mẹ đẻ, em cũng không tâm sự.
Thế nhưng mấy hôm trước cụ lên phòng em, bỗng dưng em bật khóc rồi kể cho cụ nghe. Cụ thương em lắm. Chính vì thế mà em mới càng hiểu được tình cảm mà cụ dành cho em”.
Chị Thanh cho biết, hiện tại chị đang đi làm, bố mẹ chồng cũng chưa về hưu nên việc trông nom và chăm con đều trông vào cụ Tuyết.
Từ ngày cụ ông mất, cụ yếu hẳn nhưng vì có chắt nội nên cụ cũng đỡ buồn hơn. “Con bé nhà em giống cụ ông như đúc nên cụ càng thương em. Đi làm như thế này là bé ở nhà với cụ đấy ạ”.
Sống trong một gia đình đông người, hai bà cháu Tuyết không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn.
Chị Thanh kể, đôi lúc chị và cụ cũng có những tranh luận nhưng chưa bao giờ đến mức xung đột. Chẳng hạn về chuyện chăm con.
“Có lần, lúc bé nhà mình mới 3 tháng tuổi, cụ cho cháu uống nước sâm vì theo cụ, ngày xưa con cháu nhà cụ ai cũng uống để tăng đề kháng.
Nhưng bé uống và bị đi ngoài mất 12 ngày. Lần đó, mình và cụ cũng chỉ tranh luận với nhau thôi chứ mình không cãi lại hay cụ nặng lời với mình”, chị Thanh kể.
Nói về tình cảm của mình dành cho bà nội chồng, chị Thanh chia sẻ: “Nếu một ngày, vì lý do nào đó mà em phải ra khỏi ngôi nhà này, người duy nhất em áy náy và thương yêu là bà – cụ nội của bé nhà em”.