Châu Âu vốn rất phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Châu Âu đang đối mặt nhiều rủi ro về nguy cơ khủng hoảng năng lượng.
Các nước châu Âu vốn rất phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Nhưng sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Anh áp đặt một loạt lệnh trừng phạt lên Moscow, bao gồm cả việc giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Từ đầu tháng 3 khi chiến sự lên đến đỉnh điểm, EU đã cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga từ trước cuối năm 2022. Trong khi đó, Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng Nga vào cuối năm 2022.
Châu Âu khó có thể rời xa Nga?
Tuy nhiên, những động thái này được đánh giá là khá rủi ro đối với châu Âu-một khu vực vốn đang đối mặt khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, nhất là trong mùa đông vừa qua.
Nguồn cung hạn chế khiến giá khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Tại Anh, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng hơn 50% kể từ ngày 1/4.
Đức ngày 30/3 cảnh báo nước này có thể sớm rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt, một kịch bản có khiến Berlin phải áp dụng hạn mức phân chia nguồn cung.
Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, biện pháp "cảnh báo sớm" không có nghĩa là nước này phải dùng đến khí đốt dự trữ mà kêu gọi người dân và các công ty giảm tiêu thụ năng lượng.
Trong khi đó cùng ngày, chính phủ Áo thông báo đã kích hoạt bước đầu tiên của chiến lược khẩn cấp ba giai đoạn nhằm theo dõi chặt chẽ hơn thị trường khí đốt.
Các quan chức nước này cho biết, việc Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble khiến họ kích hoạt kế hoạch dự phòng. Họ cũng cảnh báo nếu nó đạt đến giai đoạn thứ ba trong kế hoạch, các nước có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát khẩn cấp như phân phối năng lượng theo khẩu phần.
Nhưng cả Đức và Áo có thể không đơn độc trong chiến lược này nếu các nước phương Tây tiếp tục leo thang căng thẳng với Nga, chuyên gia Chi Kong Chyong, Giám đốc Diễn đàn Chính sách Năng lượng của Đại học Cambridge nhận định.
Hôm 31/3, ông Putin cho biết đã ký một sắc lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble từ ngày 1/4, một yêu cầu mà các quốc gia G-7 từ chối.
Theo chuyên gia Chi Kong Chyong, nếu họ không thể thực hiện theo các điều khoản thanh toán, Nga quyết định ngừng cung cấp, thì các nước châu Âu khác cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp.
Ông cho rằng, dù đã qua mùa đông lạnh giá và lượng tiêu thụ khí đốt sẽ ít hơn, các nước châu Âu vẫn cần dự trữ khí đốt để sử dụng trong những tháng mùa đông sắp tới.
"Nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, tất cả các chính phủ châu Âu, kể cả Anh, sẽ cần bắt đầu kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp, thực hiện những chiến dịch vận động quy mô lớn để thuyết phục người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Amrita Sen, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn về năng lượng và kinh tế vĩ mô Energy Aspects, khi phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Quốc hội Anh hồi tháng trước, đã cảnh báo các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga có thể gây tác động nghiêm trọng đến châu Âu.
Giáo sư Jim Watson về chính sách năng lượng kiêm giám đốc Viện Tài nguyên Bền vững thuộc Đại học London, cho rằng "gần như chắc chắn" chính phủ Anh sẽ phải áp dụng hạn mức nhiên liệu cho xe hơi.
Nguy cơ phải "thắt lưng buộc bụng"
Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ Thụy Sĩ Vitol, ông Russell Hardy cho biết, châu Âu nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu diesel từ Nga và nửa còn lại là từ Trung Đông.
Và tình trạng thiếu hụt dầu diesel bắt nguồn từ đây và các nước có khả năng cao áp dụng mức phân phối năng lượng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Nga đã xuất khẩu 4,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2021, và gần một nửa trong số đó được xuất sang các nước OECD châu Âu. Hà Lan, Đức và Ba Lan nhập khẩu dầu của Nga nhiều nhất trong khu vực.
Trong khi đó, 74% xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đến các nước OECD châu Âu vào năm ngoái.
Hồi năm ngoái, nước Anh từng khốn đốn khi để xảy ra tình trạng mua xăng ồ ạt đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung, khiến nhiều trạm xăng cạn kiệt. Chính phủ nước này đã phải cử lực lượng quân đội để hỗ trợ vận chuyển nhiên liệu tới các trạm xăng.
Theo giáo sư Watson, để ứng phó với tình hình, chính phủ Anh có thể phải thực hiện các chính sách kéo giảm nhu cầu xăng dầu của người dân, khuyến khích họ sử dụng phương tiện công cộng và thay đổi hành vi tiêu dùng.
Nhưng giáo sư này cũng lưu ý, tình hình năm nay đã khác, khi nguồn cung khan hiếm do Anh chủ động giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga và đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã công bố một báo cáo đưa ra 10 chính sách mà cơ quan này cho rằng có thể giúp nhanh chóng cắt giảm nhu cầu dầu toàn cầu khoảng 2,7 triệu thùng / ngày.
Các chính sách, dự định thực hiện ở "các nền kinh tế tiên tiến và hơn thế nữa", bao gồm giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc 10km/ giờ, giảm giá giao thông công cộng, sáng kiến ngày Chủ nhật không có ô-tô và lưu thông ô-tô cá nhân theo ngày chẵn lẻ ở các thành phố lớn.
Chuyên gia Chyong của Đại học Cambridge cũng cho rằng, cách tốt nhất để châu Âu có thể "gây tổn thương" cho Nga thông qua các lệnh trừng phạt năng lượng là thực hiện các chính sách tập trung vào việc cắt giảm nhu cầu.
"Giữa nhu cầu và giá cả tồn tại mối quan hệ tiêu cực, vì chúng ta đang đối mặt với một hệ thống năng lượng rất chặt chẽ trên toàn cầu, bất cứ nhu cầu nào tăng thêm đều đẩy giá lên cao", chuyên gia Chyong nói.
"Điều đó cũng đồng nghĩa nếu chúng ta giảm nhu cầu, giá năng lượng cũng sẽ giảm".