Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu EU ngày 1/2 đã nêu ra quan ngại về nguy cơ sự lan rộng của vũ khí hạt nhân khi Mỹ sẵn sàng rút khỏi hiệp ước quan trọng từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trong cùng ngày, Mỹ đã tuyên bố dừng thực thi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987 từ ngày 2/2 - kích hoạt 6 tháng thủ tục để Washington rời khỏi hoàn toàn và cho Nga cơ hội cuối để tuân thủ thỏa thuận.
INF đã cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ mặt đất với tầm bắn 500 – 5.500 km.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi cả hai bên bám sát hiệp ước.
"Điều chúng tôi chắc chắn không muốn thấy là lục địa của chúng tôi sẽ quay trở lại là một chiến trường hoặc một nơi mà các siêu cường khác đối đầu với nhau. Điều này thuộc về một thời kì lịch sử xa xôi", bà Mogherini nói với các phóng viên ở Romania.
"Điều quan trọng là giải giáp và cấu trúc kiểm soát vũ khí quốc tế được đưa trở lại trong chương trình nghị sự quốc tế", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói. "Không có hiệp ước INF đồng nghĩa với việc ít bảo đảm an ninh hơn, nhưng chúng ta cần xem xét rằng hiệp ước INF đã bị vi phạm bởi phía Nga."
Lầu Năm Góc đã chia sẻ thông tin với các đồng minh NATO khẳng định rằng hệ thống tên lửa 9M729 mới của Nga vi phạm INF. Họ tin rằng tên lửa hành trình này phóng từ mặt đất và có thể giúp Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm châu Âu mà không cần thông báo trước.
Còn Moscow khẳng định tên lửa này có tầm bắn dưới 500 km.
Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ hiệp ước này vì những vi phạm của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, cho đến cuối tuần qua, Nga không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng trở lại tuân thủ hiệp ước khi đối thoại với các đại sứ của liên minh.
"Sự lo ngại là việc nhìn thấy sự phổ biến vũ khí, là thấy vũ khí hạt nhân được phát triển. Đó là những vũ khí nguy hiểm cho toàn bộ lãnh thổ châu Âu", Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nói.
Châu Âu rất muốn tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tên lửa vào những năm 1980. Các đồng minh NATO đã quyết định triển khai các tên lửa hành trình của Mỹ và đạn đạo Pershing 2 ở châu Âu vào năm 1983 khi các cuộc đàm phán với Moscow về tên lửa của họ SS-20 ở Đông Âu không đạt được hiệu quả.