Châu Âu “khó thở” vì Nga siết khí đốt mạnh tay

Xuân Mai |

Áp lực lên châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế đã gia tăng hôm 12-5 khi Nga áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty con thuộc Tập đoàn Gazprom (Nga) tại châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt tại trạm Atamanskaya thuộc vùng Amur - Nga. Ảnh: Reuters

Đường ống dẫn khí đốt tại trạm Atamanskaya thuộc vùng Amur - Nga. Ảnh: Reuters

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 12% trong bối cảnh nhiều người mua cảm thấy lo lắng trước mối đe dọa ngày càng tăng đối với nguồn cung khí đốt của châu Âu do phụ thuộc nhiều vào Nga. Nga đã cắt nguồn cung cấp cho Bulgaria và Ba Lan trong khi nhiều nước châu Âu khác đang chạy đua để lấp đầy trữ lượng khí đốt đang cạn kiệt trước mùa đông.

Theo hãng tin Reuters, Nga hôm 11-5 áp đặt các biện pháp trừng phạt, phần lớn đối với các công ty con ở châu Âu của Gazprom bao gồm Gazprom Germania, một doanh nghiệp kinh doanh, lưu trữ và vận chuyển năng lượng mà Đức đã ủy thác vào tháng trước để đảm bảo nguồn cung.

Chính quyền Moscow cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu một phần đường ống Yamal-Europe ở Ba Lan, chuyên vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không thể có quan hệ với các công ty bị ảnh hưởng và họ không thể tham gia cung cấp khí đốt của Nga.

Các thực thể bị ảnh hưởng, được liệt kê trên trang web của chính phủ Nga, phần lớn có trụ sở tại các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, hầu hết đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Đức, khách hàng hàng đầu của Nga ở châu Âu, cho biết một số công ty con của Gazprom Germania không nhận được khí đốt do các lệnh trừng phạt.

Danh sách các cơ sở bị ảnh hưởng cũng bao gồm cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất của Đức tại Rehden ở bang Lower Saxony, với 4 tỉ m3 công suất và được vận hành bởi Astora, cũng như công ty phân phối khí đốt Wingas.

Trong khi đó, các dòng chảy khí đốt của Nga đến Đức vẫn tiếp tục đi qua đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic.

 Châu Âu “khó thở” vì Nga siết khí đốt mạnh tay  - Ảnh 1.

Logo của Gazprom Germania tại trụ sở chính ở Berlin - Đức. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các biện pháp của Nga dường như nhằm đẩy giá lên nhưng sự sụt giảm nguồn cung 3% từ Nga vẫn có thể được bù đắp trên thị trường dù với chi phí cao hơn.

Giá khí đốt tại Hà Lan tăng lên 20% trước khi đóng phiên giao dịch ở mức tăng hơn 12%. Giá khí đốt đã tăng chóng mặt trong năm qua, gây thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Mặc dù kho dự trữ khí đốt của Đức đã đầy khoảng 40% nhưng con số này vẫn ở mức thấp trong năm và sản lượng tồn kho cần được tích trữ để chuẩn bị cho mùa đông.

Các biện pháp trừng phạt của Moscow được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ukraine ngừng tuyến đường vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu với cáo buộc các lực lượng Nga kiểm soát khu vực. Đây là lần đầu tiên hoạt động xuất khẩu khí đốt thông qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại