Châu Âu đón nhận tân Thủ tướng Anh ra sao?

Quang Dũng |

EU đón nhận việc ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng Anh ra sao, khi đây là nhân vật đại diện cho phe theo đuổi Brexit cứng rắn nhất?

Trong phát biểu đầu tiên sau khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh, nữ Chủ tịch mới của Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết bà mong muốn sẽ hợp tác tốt với ông Boris Johnson để tiến trình Brexit được thực thi một cách trật tự và đáp ứng được lợi ích của cả Liên minh châu Âu và Anh. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thì cho biết ông nóng lòng được làm việc với ông Boris Johnson sớm nhất có thể và sẽ điện đàm với ông Johnson ngay khi ông này nhậm chức Thủ tướng Anh.

Tuy nhiên, các lời lẽ ngoại giao không che dấu được một thực tế rằng các lãnh đạo châu Âu đang nhìn về nước Anh với con mắt thận trọng và hoài nghi. Nguyên nhân chủ yếu không phải vì thái độ cứng rắn và có phần tiêu cực của tân Thủ tướng Anh với châu Âu mà chủ yếu vì tính cách khó dự đoán và các quan điểm mập mờ của ông Johnson về Brexit, bất chấp các phát biểu rất mạnh mẽ về việc nước Anh sẽ rời EU vào cuối tháng 10/2019 bằng mọi giá, kể cả không có thoả thuận Brexit .

Alexandre Holroyd, một nghị sĩ Pháp đại diện cho các cử tri Pháp đang sinh sống tại Anh và các nước Bắc Âu, nhận xét ông Boris Johnson là chính trị gia mang trên mình rất nhiều quan điểm chính trị cũng như các giá trị trái ngược nhau và đã không ít lần thay đổi chính kiến một cách nhanh chóng trong quá khứ.

Trên chính trường, sự thất thường đó của ông Johnson được nhìn nhận là “linh hoạt, thực tế và cơ hội”. Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng đối ngoại châu Âu (European Council on Foreign Relations), một think-tank hàng đầu ở châu Âu, nhận xét chính cá tính này của ông Johnson lại mang đến cho các nhà châu Âu một số hy vọng, vì với tính cách dễ thay đổi và thực dụng của mình, ông Boris Johnson có thể dễ đối thoại với EU về nhiều kịch bản khác nhau hơn là bà Theresa May, vốn nổi tiếng bởi tính nguyên tắc và kỷ luật. Nói cách khác, với một người như ông Boris Johnson, EU có thể chờ đợi kịch bản tệ hại nhất cũng như một lối thoát dễ chịu nhất.

Tuy nhiên, về tổng thể thì châu Âu sẽ tiếp đón ông Boris Johnson trong các đàm phán về Brexit sắp tới với một thái độ kém thân thiện. Hình ảnh của vị tân Thủ tướng Anh trong mắt chính giới và dư luận Đức, cường quốc số 1 của EU, đặc biệt xấu. Elmar Brock, nghị sĩ đảng CDU cầm quyền tại Đức, bình luận công khai trên tờ Guardian của Anh rằng “đàm phán với ông Johnson là một điều nực cười về mặt trí tuệ”. Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng đối ngoại châu Âu thì nhận định, ông Johnson mang tất cả những tính cách mà người Đức ghét nhất, đó là tính cách tài tử, khó đoán, không giữ lời.

Đó sẽ là các yếu tố khiến các đàm phán giữa ông Johnson với lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Đức, khó khăn hơn, nhất là khi ông Johnson từng rất tự tin tuyên bố có thể thông qua việc đàm phán riêng rẽ với Pháp và Đức để gạt bỏ các cản trở của EU.

Trong 3 năm qua kể từ khi Brexit diễn ra, cách nhìn nhận và đánh giá của châu Âu về các chính trị gia Anh có nhiều thay đổi. Từ chỗ ban đầu là e ngại rằng người Anh là các nhà đàm phán lợi hại, giới ngoại giao châu Âu ở Brussels đang có đánh giá thấp với sự kém chuyên nghiệp, thiếu chuẩn bị và thiếu cả tầm nhìn từ phía Anh. Họ cũng không e ngại một nhân vật như Boris Johnson bởi đã có đủ sự chuẩn bị cho các kịch bản./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại