Dù các thách thức như trước lại tái diễn nhưng nền tảng của các nước mới nổi châu Á, sau giai đoạn 25 năm phát triển, đã vững vàng hơn và có thể đương đầu với các áp lực về tỷ giá.
Kinh tế thế giới có thể đương đầu với những khó khăn giống như thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997, đó là khi mà lãi suất tại Mỹ tăng cao và đồng USD mạnh hơn.
Tuy nhiên, lịch sử sẽ không lặp lại, theo khẳng định mới nhất của các chuyên gia phân tích trên CNBC. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo một số nền kinh tế sẽ thực sự cần phải cẩn trọng với rủi ro đồng nội tệ suy giảm giống như thời kỳ đó.
Vào ngày thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Lần gần nhất Fed nâng mạnh lãi suất như vậy là vào thập niên 1990, dòng vốn đã rời khỏi các nước mới nổi châu Á sang Mỹ. Đồng bath Thái và nhiều đồng tiền châu Á khác sụp đổ, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, các thị trường chứng khoán đồng loạt sụt giảm.
Lần này, tuy nhiên, dù các thách thức như trước lại tái diễn nhưng nền tảng của các nước mới nổi châu Á, sau giai đoạn 25 năm phát triển, đã vững vàng hơn và có thể đương đầu với các áp lực về tỷ giá, chuyên gia phân tích nhận định.
Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư ngoại nắm giữ tài sản địa phương tại châu Á không quá cao, vì vậy bất kỳ đợt rút vốn nào cũng sẽ không gây ra quá nhiều tổn thất tài chính, giám đốc điều hành bộ phận châu Á – Thái Bình Dương thuộc Asia-Pacific FX – ông Tan Teck Leng nói với CNBC.
“Những gì đang diễn ra ở hiện tại đang khiến người ta nhớ lại ký ức của khủng hoảng tài chính châu Á thế nhưng cơ chế tỷ giá đã khác biệt và linh hoạt hơn rất nhiều. Và xét đến rủi ro sụp đổ tiền tệ, có thể khẳng định nó khá thấp”, ông Teck Leng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tan, trong nhóm những đồng tiền có độ rủi ro cao, đồng peso của Philippines chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xét đến cán cân tài khoản vãng lai của Philippines khá yếu.
Việc rút vốn hiện nay là có, tuy nhiên nó quá thấp so với những gì họ từng đương đầu trong khủng hoảng tài chính châu Á.
Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Philippines đồng thời nâng lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời phát đi thông điệp sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Việc giảm đi chênh lệch lãi suất với đồng USD Mỹ giúp làm giảm đi rủi ro dòng vốn thoái lui và sự sụp đổ của tỷ giá tiền tệ.
Ngược lại, nhóm các nền kinh tế với chính sách tiền tệ điều chỉnh hiện đang không nâng lãi suất theo Mỹ như Nhật có thể đương đầu với rủi ro đồng nội tệ suy yếu nhiều hơn, theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings – ông Louis Kuijs.
Ông cảnh báo rằng áp lực suy giảm của các đồng tiền châu Á có thể tăng lên, đặc biệt xét đến kỳ vọng Fed sẽ vẫn nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên ngay cả ông cũng không cho rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Theo SBV, tháng 7/1997, đồng bản tệ Baht của Thái Lan giảm sâu, khi các nhà đầu cơ ồ ạt rút vốn khỏi Thái Lan, mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trong vòng một tháng, các đồng bản tệ của Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia cũng đồng loạt lao dốc. Kể từ đó, các con rồng kinh tế Đông Á bắt đầu lâm vào tình cảnh khó khăn, tài khoản vãng lai thâm hụt, dự trữ ngoại hối suy giảm, nợ nước ngoài tăng cao.
Trong năm 1996, tài khoản vãng lai tại Thái Lan thâm hụt tới 8% GDP. Tương tự, tài khoản vãng lai tại Hàn Quốc và Malaysia lần lượt thâm hụt 4% và 2,8%, riêng Indonesia có mức thâm hụt thấp nhất 1,8% GDP. Khủng hoảng cũng đã tác động đến nhiều nước khác trong khu vực, mặc dù với cấp độ khác nhau. Tháng 8/1998, chỉ số chứng khoán của Singapore (Straits Times Index) giảm tới 50%, khi giá cả tài sản giảm trên 30%.
Nguyên nhân của khủng hoảng bắt nguồn từ thực tế, do hệ thống tài chính và các quy định pháp lý không thay đổi kịp thời trước tốc độ phát triển nhanh chóng của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, thị trường vốn mở cửa quá nhanh. Thậm chí, các biện pháp nới lỏng kiểm soát dòng vốn ngắn hạn diễn ra nhanh hơn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn. Đáng chú ý, chính sách tỷ giá cố định so với USD đã khuyến khích dòng vốn đầu tư và tín dụng ngân hàng từ các nước phát triển, góp phần hình thành nền kinh tế bong bóng, giá cả tài sản tăng cao. Một lượng lớn nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng vào các công trình đầu tư dài hạn ở trong nước, dẫn đến tình trạng sai lệch về kỳ hạn và tiền tệ. Khi vấn đề bùng phát, dòng vốn nước ngoài đảo chiều nhanh chóng, đồng bản tệ lao dốc, làm tăng gánh nặng nợ ngân hàng.
Để đối phó với khủng hoảng, các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các cơ quan chính phủ trong khu vực đã nhanh chóng can thiệp trợ giúp như hỗ trợ thanh khoản ngoại hối và kích thích tài khóa. Trong đó, ADB đã hỗ trợ 7,8 tỷ USD dưới hình thức cho vay kỳ hạn 2 năm, chủ yếu dưới hình thức phân bổ để cải cách khu vực tài chính và ổn định tình hình xã hội tại Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan.
Sau khi thực hiện những biện pháp ổn định ban đầu, các cơ quan quản lý tại những nước khủng hoảng đã tăng cường chính sách kinh tế vĩ mô, áp dụng chính sách tài khóa thận trọng và cải cách ngân hàng theo hướng hình thành NHTW độc lập hơn so với trước đây. Chấp nhận chính sách tỷ giá linh hoạt, tăng cường các quy định quản lý tài chính và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, áp dụng cách tiếp cận thận trọng về tự do hóa tài khoản vốn theo trình tự chặt chẽ và phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, đồng thời tăng cường chủ động hợp tác trong khu vực.