Gần đây, Phó Giáo sư Brendan Taylor, thuộc Đại học Austrailia đã phát hành cuốn sách mới mang tiêu đề Bốn điểm nóng: Châu Á đi tới chiến tranh như thế nào? (tạm dịch).
Trong đó, theo ông này, bốn điểm nóng tại khu vực Đông Á gồm biển Hoa Đông, biển Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan rất có thể trở thành thùng thuốc súng kích hoạt Chiến tranh thế giới thứ 3, đẩy châu Á đứng trước ngã tư của cuộc khủng hoảng.
Biển Hoa Đông
Biển Hoa Đông có 1,25 triệu km vuông, diện tích chưa bằng một nửa của Biển Đông nhưng sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú dưới đáy biển.
Khu vực biển này đang diễn ra sự đối đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, Trung-Nhật có tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mặc dù, thời gian gần đây tình hình khu vực này có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng sự hiện diện thường xuyên của lực lượng tàu chiến hai nước tại đây lại làm tăng nguy cơ xung đột giữa hai bên.
Giáo sư Taylor cho rằng, cuộc chiến ở biển Hoa Đông có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật bản do sự "đối đầu của chủ nghĩa dân tộc".
"Tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của Nhật bản có thể lường trước được", học giả Australia nhấn mạnh.
Tàu Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên chạm trán nhau tại biển Hoa Đông. Ảnh tư liệu
Biển Đông
Theo Chỉ số quyền lực châu Á do Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia), Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030.
Trong năm năm qua, Trung Quốc liên tục tiến hành loạt hành động xây dựng đảo đá trái phép ở Biển Đông và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đặc biệt, biển Đông có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí thiên nhiên phong phú cũng như là một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới.
Ông Taylor cho rằng, tranh chấp ở biển Đông có thể xảy ra do tranh chấp về vấn đề tự do hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bán đảo Triều Tiên
Bán đảo Triều Tiên luôn là một trong những điểm nóng trên thế giới. Thời gian gần đây, tình hình bán đảo đang dần khởi sắc sau các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Mới đây, Trung Quốc bày tỏ hy vọng đóng một vai trò tích cực hơn bởi nước này là một bên quan trọng có liên quan đến các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo ông Taylor dù tình hình có dấu hiệu khả quan nhưng sự bất đồng tích lũy lâu dài từ trước đến nay vẫn tồn tại, chính sách thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên chưa thực sự được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, vệ tinh quân sự còn phát hiện cơ sở quân sự của Triều Tiên vẫn đang hoạt đông và có thể sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn vươn tới Mỹ nên khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Eo biển Đài Loan
Học giả Australia nhận định, nguy cơ nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan là cao nhất bởi sự khác biệt giữa nhận thức của Bắc Kinh và Đài Bắc là trở ngại lớn nhất trong quá trình hòa giải.
Hơn nữa, mặc dù duy trì quan điểm chính sách Một Trung Quốc nhưng Nhà Trắng vẫn xây dựng Đạo luật quan hệ Đài Loan và bán lượng vũ khí lớn cho đảo này.
"Sự hiện diện quân sự Mỹ tại Đài Loan đã đạt đến giới hạn nhưng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, lợi thế này của Mỹ có thể sẽ biến mất trong vòng mười năm, thậm chí sẽ bị Bắc Kinh đẩy lùi khỏi khu vực này", ông Taylor viết.
Ông này còn cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể dùng Đài Loan làm "con bài" để mặc cả với Trung Nam Hải trong tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên, từ đó vô hình trung đẩy cao khả năng dẫn tới xung đột quân sự tại khu vực này.
Tuy nhiên, học giả Mỹ nhận định, việc tìm kiếm các giải pháp tuy không dễ dàng nhưng cũng không phải không thể thực hiện được và các lãnh đạo khu vực này cần luôn thận trọng trong mọi thời điểm nhằm ngăn chặn xung đột.