"Chặt tài chính" không ngăn Triều Tiên thử hạt nhân, còn làm quan hệ Mỹ-Trung điêu đứng?

Thi Anh |

Bắc Kinh có dự phần trong lệnh trừng phạt mới nhưng đó cũng có thể là yếu tố khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, CNBC dẫn nguồn chuyên gia cho biết.

Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa

Sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 7 của Triều Tiên, mới đây Liên Hợp Quốc đã quyết định trừng phạt Triều Tiên với "gói trừng phạt nghiêm ngặt nhất từng áp lên bất cứ quốc gia nào trong một thế hệ", theo đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.

Những quyết định trừng phạt trước đây của Liên Hợp Quốc đều dẫn tới tình trạng Bình Nhưỡng bày tỏ thái độ bất bình và thể hiện tham vọng hạt nhân của mình bằng cách tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa. Ngay cả khi lá chắn tên lửa THAAD được lắp đặt tại Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên cũng không tỏ vẻ nhún nhường.

Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng hiện tượng đó sẽ lặp lại.

"Xét tới mức độ gia tăng của hoạt động thử tên lửa trong năm nay và những phản ứng trước đây mà Triều Tiên đưa ra đối với cấm vận của Liên Hợp Quốc, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng một loạt tên lửa tầm ngắn trong vài ngày hoặc vài tuần tới", Kyle Ferrier, giám đốc trung tâm nghiên cứu của Viện Kinh tế Hàn Quốc đặt tại Washington nhận định.

Trên thực tế, Bình Nhưỡng đã phải chịu cấm vận của Liên Hợp Quốc từ năm 2006.

"Hiện đang có những lo ngại rằng Triều Tiên sẽ phản ứng một cách thách thức hơn, [ví dụ như] tiến hành thử nghiệm các công nghệ giúp nước này tiến gần tới mục tiêu gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), hoặc tiếp tục thử nghiệm hạt nhân", Jean H. Lee, học giả của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson đánh giá.

Scott Seaman, nhà phân tích cao cấp của tổ chức tư vấn Eurasia Group thì cho rằng, xét tới khả năng Triều Tiên đã đạt được một mục tiêu - chế tạo thành công ICBM đủ khả năng tấn công Mỹ - thì vẫn còn cơ may đàm phán.

Thách thức với quan hệ Mỹ - Trung

Các đòn trừng phạt mới của LHQ tập trung vào hai dòng chảy tài chính phi quân sự quan trọng của Bình Nhưỡng: hàng xuất khẩu và thu nhập từ lao động nước ngoài. Doanh thu từ than đá, khoáng sản và hải sản không chỉ vực dậy nền kinh tế của Triều Tiên mà còn được cho là nguồn tiền giúp nước này duy trì chương trình hạt nhân.

Nếu các lệnh trừng phạt được thực thi chặt chẽ thì Triều Tiên sẽ phải hứng chịu tổn thất kinh tế khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Rõ ràng Bắc Kinh có dự phần trong lệnh trừng phạt mới nhất nhưng chuyện nước này có thực thi các biện pháp đầy đủ hay không thì còn phải theo dõi thêm và đó có thể là một yếu tố khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.

Theo Ferrier, nếu nhìn vào mức độ Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên thì Bắc Kinh sẽ phải chứng minh cam kết của mình trước các biện pháp trừng phạt ấy để duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

Trung Quốc đại lục chiếm tới 90% trao đổi thương mại chính thức của Triều Tiên. Và mặc dù Bắc Kinh ủng hộ lệnh cấm vận trước đây của LHQ, lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Triều Tiên vẫn tăng.

"Chắc chắn giới chức Mỹ rất hài lòng khi Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm vận [mới] nhưng Bắc Kinh liệu có gây áp lực, buộc tất cả các cơ quan của mình thi hành hay không mới là điều quan trọng", Lee nói.

"Và chúng ta còn phải xem, liệu Bình Nhưỡng sẽ phản ứng một cách kiềm chế hay đáp trả lại Bắc Kinh với hành động gây hấn quân sự".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại