Là vị sếp ngồi "ghế nóng" chương trình "Cơ hội cho ai? – Whose Chance?" từ mùa 2 đến nay, sếp Lê Đức Thuấn ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhờ phong thái điềm tĩnh và đặc biệt là độ chịu chi dành cho các ứng viên.
Còn nhớ, trong tập đầu tiên của mùa 2, sếp Thuấn đã chốt lương 50 triệu đồng/tháng với ứng viên Phạm Tống Quốc Hoàng, phá vỡ kỷ lục lương tại mùa 1. Ở tập ngay sau đó, vị Chủ tịch lại tự phá kỷ lục của mình khi chiêu mộ ứng viên U60 với mức lương hơn 800 triệu đồng/năm.
Tương tự, trong tập 1 mùa 3, vị sếp này cũng sẵn sàng trả lương cao hơn hẳn so với các sếp khác cũng như so với kỳ vọng của ứng viên. Điển hình, để thuyết phục Trần Thanh Tiến – ứng viên từng là vận động viên thể thao với bề dày thành tích, ông đề nghị mức lương 29 triệu đồng/tháng - cao nhất trong số các sếp. Với chiến lược này, sếp Thuấn đã tuyển thành công rất nhiều ứng viên từ đầu mùa 2 đến nay.
Sếp Thuấn từng trả lương hơn 800 triệu đồng/năm để chiêu mộ một ứng viên U60.
Trên sóng "Cơ hội cho ai? – Whose Chance?", sếp Thuấn được biết đến với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc, đơn vị sở hữu thương hiệu bánh ngọt Bảo Ngọc.
Được biết, khi còn học đại học, ông đã là một doanh nhân bán chuyên nghiệp, kinh doanh đủ thứ, trong đó có nhập bánh kẹo từ làng nghề Xuân Đỉnh đi giao khắp phố phường Hà Nội. Năm 2012, Công ty Cổ phần Á Long do ông Lê Đức Thuấn làm Chủ tịch HĐQT, mua lại cổ phần chi phối Bánh Bảo Ngọc.
Thương hiệu Bánh Bảo Ngọc ra đời từ năm 1986, vốn là một tiệm bánh ngọt nức tiếng tại phố Trần Bình Trọng, phường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hình ảnh tiệm bánh Bảo Ngọc gắn liền với những hàng dài người nối đuôi nhau xếp hàng mua bánh. Thậm chí, khi lượng bánh không đủ bán, nhiều người còn chấp nhận ngồi chờ để mua mẻ bánh mới.
Sau khi về tay sếp Thuấn, thương hiệu bánh Bảo Ngọc bắt đầu quá trình tái cơ cấu và mở rộng. Tháng 7/2012, công ty đầu tư thêm dây chuyền công nghệ của Nhật Bản, sản xuất thêm nhiều sản phẩm cao cấp như bánh trứng nướng (Kito, Koichi), bánh tươi, bánh Trung thu, mứt tết,…
Kể từ ngày thành lập, Bảo Ngọc đã 3 lần tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ hiện tại là 80 tỷ đồng. Đến 11/9/2020, công ty chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HNX với mã BNA.
Bánh Bảo Ngọc hiện có trên kệ Vinmart, AEON,...
Theo báo cáo thường niên, Bảo Ngọc cho biết hiện sản phẩm của công ty được phân phối rộng rãi với 100 nhà phân phối và 36.000 điểm bán trên 42 tỉnh trong cả nước. Ngoài ra, nhiều mặt hàng được xuất khẩu tới 9 thị trường quan trọng, bao gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Pakistan, Li Bằng, Bê La Rút, NewZealand, Cộng hoà Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Bảo Ngọc ghi nhận doanh thu thuần 251,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 11,6 tỷ đồng. Đến năm 2020, tình hình kinh doanh của công ty diễn biến tích cực với doanh thu thuần tăng vọt lên gấp hơn 2 lần và chạm mốc 596,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 32 tỷ đồng. Có được sự tăng trưởng này là nhờ chi nhánh miền Nam đi vào hoạt động ổn định, thị trường Tp.HCM được khai thác mạnh mẽ.
Bánh Bảo Ngọc hiện là một trong những sản phẩm bánh ngọt, bánh tươi thường xuyên có mặt trong các kệ hàng của chuỗi Vinmart, sau đó là AEON, Qmart, Bách Hoá Xanh, Circle K,… Nhờ đó mà doanh số bán hàng cũng tăng đáng kể.
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Mục tiêu của sếp Thuấn và Bảo Ngọc là lọt Top 3 thị phần và doanh số bánh tươi toàn quốc và Top 1 thị phần và doanh số bánh tươi miền Bắc vào 2021-2022, từ đó hướng tới ngôi vương về thương hiệu, thị phần và doanh số bánh tươi Việt Nam vào năm 2023.
So với dàn sếp cùng ngồi ghế nóng chương trình "Cơ hội cho ai? – Whose Chance?" như FPT Telecom, PNJ thì kết quả kinh doanh của Bánh Bảo Ngọc chỉ đáng số lẻ. Năm 2020, doanh thu thuần của PNJ đạt 18.086 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.032 tỷ đồng. Với FPT Telecom, công ty đạt 11.466 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.074 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đặc thù ngành nghề kinh doanh, quy mô của mỗi doanh nghiệp là rất khác nhau.
Bên cạnh đó, được biết sếp Thuấn cũng đầu tư kinh doanh ở một số lĩnh vực khác như sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm… Ông hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc - Công ty Cổ Phần Á Long.
Một trong những sản phẩm khá phổ biến trên thị trường của Á Long là thương hiệu mũ bảo hiểm B’color. Bên cạnh các đại lý phân phối truyền thống, thương hiệu này cũng có các gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT Shopee, Tiki, với lượng bán từ vài trăm đến gần 1.000 sản phẩm cho mỗi mẫu.
Quay trở lại với chủ đề tuyển dụng, trong một toạ đàm, sếp Thuấn tiết lộ từng thất bại vì mời quá nhiều người tài về để cùng phát triển một dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên với những trải nghiệm còn quá non nớt, chính ông đã không biết cách dụng nhân ra sao và để rồi nếm mùi thất bại.
Ngoài ra, sếp Thuấn còn khuyên người trẻ nên có tư duy tổng thể, ước mơ thì lớn nhưng hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. "Đừng sai lầm như tôi là nghĩ lớn và làm lớn ngay từ đầu. Tôi thất bại nhiều lần và làm đi làm lại không dưới 10 lần. Tôi cho rằng hiếm có người kiên trì như tôi. Tôi như là ngã dập mặt xuống rồi đứng lên đi tiếp.
Có được như ngày hôm nay, tôi đi theo triết lý là dám ước mơ, tôi ước mơ thế hệ con tôi sẽ làm được những điều như tỷ phú Warren Buffet của Mỹ chứ không chỉ dừng lại ở tỷ phú Việt Nam. Dám ước mơ, suy nghĩ tích cực và làm 1 học trò tốt là phương châm khởi nghiệp của tôi.
Tôi nghĩ điều khiến các bạn trẻ khởi nghiệp thất bại là các bạn chỉ mới dừng lại ở dám ước mơ thôi, có thể các bạn không suy nghĩ tích cực và không làm 1 học trò tốt, các bạn nghĩ bản thân giỏi quá rồi.
Bản thân tôi được như ngày hôm nay vì tôi đã làm qua rất nhiều vị trí rồi, còn các bạn chưa trải qua điều đó, chưa có đủ hành trang mà muốn ngay lập tức trở thành tỷ phú thì rất khó".