img
Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 1.

LTS: Hơn 6 năm kể từ khi bùng nổ (1/2011), cuộc xung đột ở Syria đã đi đến những vòng đàm phán hòa bình. Nhưng ít ai biết rằng trong 2 năm đầu của cuộc chiến, khi các "ông lớn" của truyền thông quốc tế còn chưa rầm rộ đổ bộ vào Syria, những hình ảnh về đất nước này được đưa ra thế giới thông qua mạng lưới các nhà báo tự do. Mai Nguyên Anh, một du học sinh Việt Nam tại Anh, khi đó chưa đầy 20 tuổi, đã xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với mũ và áo chống đạn... trong một "công việc làm thêm" đặc biệt:

Phóng viên ảnh về cuộc chiến.

Gặp anh tại Hà Nội năm 2017, trong vai trò cây viết và nhà phụ trách sản xuất của Matca, cộng đồng theo đuổi nhiếp ảnh như một phương thức kể chuyện và một hình thái của nghệ thuật thị giác, Mai Nguyên Anh đã chia sẻ với Báo điện tử Trí thức trẻ trải nghiệm khó quên tại "chảo lửa" Trung Đông.


Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 3.

Lần đầu tiên tôi sang Syria vào khoảng tháng 8, 9 năm 2012. Quãng thời gian ra, vào Syria liên tục khoảng hơn 1 tháng, bởi tôi ở sát biên giới và thời điểm đó việc ra vào còn rất dễ.

Học ngành kinh tế nhưng yêu thích ảnh, nên đến năm 2 thì tôi bắt đầu đi tìm các việc làm về ảnh ở Anh. Xung đột ở Syria trở thành cuộc chiến từ năm 2011, nên đến năm 2012 vấn đề này vẫn còn rất mới, ảnh bán được mà lại hiếm người đi. Các hãng thông tấn lớn khi ấy vẫn chưa đưa các nhóm sản xuất của mình vào Syria, nên nguồn ảnh về cuộc chiến chủ yếu đến từ các freelancer.

Lần đầu tiên đi, tôi kết nối qua một website với các nhà báo tự do hoạt động ở khu vực, sau đó 'bắt cặp' được với một phóng viên ở London để tìm hiểu các khâu chuẩn bị, lên hành trình và sau khi thống nhất thì mua vé máy bay cùng sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 8/2012, chúng tôi bay tới Istanbul và từ đây bay một chặng ngắn tới Reyhanli, thị trấn nhỏ ở sát biên giới với Syria. Đi qua Reyhanli là con đường dễ dàng có thể vào được Syria khi đó, hầu như không cần giấy tờ gì bởi khu vực này đã bị quân nổi dậy Syria chiếm đóng, trong khi các tuyến đường khác tới những thành phố lớn như Aleppo thường khó khăn và phải thuê "fixer" (người dẫn đường-PV) rất đắt đỏ.

Tại khách sạn, được tìm hiểu trước qua các nguồn tin nội bộ, chúng tôi biết phải gặp ai, chuẩn bị những gì, bao gồm mũ, áo chống đạn, bộ đồ nghề cứu thương với những miếng dán quân đội sử dụng để cầm máu nhanh khi trúng đạn... Dụng cụ khá đắt đỏ và trong nhiệm vụ đầu tiên tôi phải tự bỏ tiền ra mua.

Thực sự đây là một chuyến đi liều lĩnh bởi khi ấy chưa trải qua các khóa huấn luyện kỹ năng cho phóng viên, nhưng tôi cũng mới loanh quanh ở vùng biên giới, thậm chí chưa sang Syria, chứ không tiến vào các vùng nguy hiểm hơn như những chuyến đi sau này.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 4.

Vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria thời kỳ này còn khá an toàn. Có một "bệnh viện", thực tế là một căn nhà, của phe nổi dậy Syria được lập ra ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ để sẵn sàng tiếp nhận những người bị thương, từ dân thường, binh sĩ quân chính phủ Syria hay phe nổi dậy. Đây là nơi tôi thực hiện công việc freelance của mình.

Cùng với một phóng viên từ đài NOS (Hà Lan), 3 người chúng tôi chung tiền thuê một phiên dịch với giá khoảng 250 USD/ngày. Họ sẽ dịch sẵn các câu hỏi phục vụ việc lấy tin của nhà báo và đến tối về, bên ly cà phê, họ giúp viết lại phần trả lời thu được trong ngày.

Làm về ảnh nên phần tôi khá đơn giản, chỉ cần biết về tên tuổi, nơi ở của người được hỏi tại Syria, lý do họ phải tới đây hay nguyên nhân họ tham gia cuộc chiến... Nhiệm vụ freelance đầu tiên được tôi hoàn thành trong khoảng 1 tuần.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 5.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 6.

Điều kiện sống thiếu thốn ở trại tị nạn Atme

Cơ hội vào Syria đến một cách tình cờ qua chính vị bác sĩ duy nhất của căn "bệnh viện" nọ, nơi mà chủ yếu các bệnh nhân phải tự chăm sóc lẫn nhau. Qua sự "bắt mối" của ông bác sĩ, chúng tôi gặp Safa Aki, một cô gái trẻ ước chừng hơn tôi 1, 2 tuổi. Đến nay tôi vẫn giữ liên hệ với chị.

Safa theo học chuyên ngành văn học Anh nên vốn tiếng Anh rất tốt. Chị dạy vẽ cho trẻ em tại một trại tị nạn tự lập có phần tạm bợ ở Atme, ngôi làng nằm ở biên giới mà từ Reyhanli có thể đi thẳng sang. Xung quanh khu này có rất nhiều cây ô-liu nên chúng tôi gọi nó là "làng ô-liu" (Olive Tree Refugee Camp-PV). Hàng chục nghìn người Syria đã đổ về đây khi chiến sự nổ ra ở tỉnh Idlib, với hy vọng có thể sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trái với sự chuẩn bị kỹ càng của chúng tôi, khu vực Atme khi ấy có thể nói là hết sức yên bình. Xung đột vẫn chưa lan tới, một phần bởi đây là một vùng hẻo lánh.

Điều kiện sống ở Atme rất tệ. Trời lạnh cóng nhưng trẻ con không có dép để đi, không có nước sạch, nhà vệ sinh được dựng lên từ mấy tấm bìa các-tông, nguy cơ lây lan bệnh dịch rất lớn... Không có điện, mọi người sinh hoạt buổi tối bằng nến là chính. Trắng tay vì cuộc chiến, điều may mắn nhất mà nhiều gia đình còn giữ được đó là chưa có thành viên nào bị thiệt mạng.

Câu chuyện tôi thực hiện ở Atme chưa bán được cho các hãng tin lớn do họ có yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và kiểm chứng thông tin. Nhưng cuối cùng tôi cũng bán hết được ảnh cho Corbis (thư viện ảnh do Bill Gates sáng lập-PV), sau đó được Rex Features, một hãng thông tấn ảnh của Anh, mua lại. Số tiền thu được đủ giúp tôi chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.

Chúng tôi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và về Anh vài ngày sau đó.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 8.

Cuối năm 2012, tôi lại lên đường sang Syria. Lần này tôi đến Aleppo, nơi mà quân chính phủ và quân nổi dậy đang giao tranh trong thành phố, và ở lại đó gần 3 tháng, từ giữa tháng 12 đến đầu tháng 3/2013.

Trong chuyến thứ hai tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, được tài trợ bảo hiểm, dụng cụ, vé máy bay và huấn luyện bởi một tổ chức có tên Freelance Frontline Club. Tôi đăng ký công việc ở đây và được họ đào tạo trong khoảng 1 tháng về các kỹ năng bảo vệ bản thân, trả lời khi bị bắt hay sơ cứu khi gặp nạn.

Mất hơn một tiếng đi xe ô tô từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến Aleppo. Người lái xe sẽ đón khách tại cửa khẩu. Đây là mắt xích hết sức quan trọng bởi ngoài nhiệm vụ "đi đến nơi, về đến chốn", họ còn làm phiên dịch và bảo vệ an toàn cho phóng viên. Cần phải tìm được đúng người đáng tin cậy, vì không ít vụ bắt cóc đã xảy ra liên quan đến các tài xế như vậy.

Nguyên tắc đầu tiên khi lên xe là thắt dây an toàn, dù bạn ngồi ở vị trí nào trên xe. Bởi trong thời chiến, người dân tham gia giao thông không theo một luật lệ nào cả. Ngoài những vụ cá biệt xe gặp nạn do bị tấn công, tỉ lệ không nhỏ trường hợp phóng viên gặp nạn do... tai nạn giao thông.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 9.

Các binh sĩ phe nổi dậy tạm biệt nhau trước khi tham gia một cuộc tấn công

Aleppo chia thành những vùng địa bàn do quân chính phủ và quân nổi dậy chiếm đóng. Bên trong các khu vực đó, người dân Syria vẫn sinh hoạt bình thường, trừ những khi bị máy bay ném bom. Bối cảnh giao tranh trong đô thị khiến thương vong chủ yếu đến từ pháo và bom.

Mặc dù hoạt động dân sinh vẫn diễn ra, thành phố gần như đã vô cùng đổ nát do chiến sự, đến mức nhiều nơi có thể ví như "giải phóng mặt bằng".

Aleppo là một điểm nóng trong cuộc chiến, cho phép tôi gặp gỡ nhiều bạn bè và thực hiện nhiều câu chuyện hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn bởi bom có thể được thả ngẫu nhiên, không thể đoán trước được. Kinh nghiệm truyền tai là khi nghe thấy tiếng bom vọng đến nghĩa là mình vẫn an toàn, bởi bom rơi ở khá xa, thường là vài km. Cánh nhà báo tự do thường "ùa" đến hiện trường sau đó.

Dường như các thông dịch viên tin rằng phóng viên nước ngoài ưa thích được mục kích các trận giao tranh, nên khi được trả tiền họ hay đưa tới các địa điểm như thế, giống như một "tour du lịch" vậy.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 10.

Binh sĩ Lữ đoàn Al-Tawhid, một nhóm vũ trang đối lập lớn ở Syria, tấn công tuyến tiếp tế của quân chính phủ từ sân bay quốc tế Aleppo

Tôi từng được đưa tới nơi hai tiền đồn của quân chính phủ và phe nổi dậy nằm đối diện nhau. Các loạt đạn "trao đổi" thi thoảng được bắn qua lại nhưng chẳng trúng ai. Mỗi bên đều có lính bắn tỉa canh chừng.

Lần khác, tôi tới một đồn của Quân đội Syria tự do (FSA) thuộc phe nổi dậy, có vị trí nhìn ra con đường dẫn đến sân bay Aleppo - do quân chính phủ kiểm soát. Hàng tiếp tế cho quân đội Syria từ sân bay phải đi qua con đường này, trong khi quân nổi dậy mai phục để bắn xe hàng bằng súng chống tăng (RPG) với xác suất trúng thấp. Điều này cũng làm họ dễ bị lộ và thường phải thay đổi vị trí sau khi bắn.

Cũng có lần tôi ngồi trên xe của các binh sĩ phe nổi dậy, được trang bị súng bắn máy bay. Họ tìm cách bắn rơi các máy bay trực thăng của quân chính phủ ở gần sân bay Aleppo. Tôi nhận thấy xuất hiện ở những hoàn cảnh như thế là quá nguy hiểm. Xác định câu chuyện của mình không tập trung vào tiền tuyến, tôi đã tránh khỏi những vùng chiến sự.

Kinh nghiệm hạn chế rủi ro là phải yêu cầu rõ với fixer, vốn biết rất rõ địa bàn thành phố, để tránh những nơi có rủi ro bị không kích cao. Có ít nhất 2 nơi mà tôi thường tránh, đó là trại huấn luyện quân sự và trụ sở chỉ huy của phe nổi dậy. Bệnh viện cũng có rủi ro nhưng tôi vẫn đến vì câu chuyện của mình.

Tôi gặp người dân bản địa và đi theo họ để thực hiện các phóng sự ảnh ngắn trong vài ngày. Người thông dịch đến từ Aleppo Media Center - một trung tâm hỗ trợ phóng viên nước ngoài được đặt trong khu vực quân nổi dậy - cũng trở thành một đề tài trong câu chuyện của tôi.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 11.

Để đi đến Aleppo phải qua tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi tới Kilis, thành phố ở phía nam miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, trên biên giới với Syria.

Kilis rất đặc biệt. Hotel Istanbul, một khách sạn nhỏ ở thành phố này, là nơi tập trung của gần như tất cả phóng viên từ báo, đài của vô số quốc gia.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 12.

Đối với giới nhà báo tự do, các nhóm bí mật được lập ra trên Facebook, có thể bởi chính những người hoạt động trong các tổ chức quốc tế như Đài quan sát nhân quyền (HRW), với mục đích là chia sẻ thông tin cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay giới chuyên gia.

V.C. (tên viết tắt để bảo đảm bí mật-PV), nhóm chia sẻ thông tin cho các phóng viên với số thành viên lên tới hơn 6.700, hoạt động ở cả khu vực Trung Đông (bao gồm Syria, Iran, Iraq, Afghanistan...) và châu Phi, là một cộng đồng điển hình. Tại đây, các phóng viên có thể chia sẻ cho nhau đầu mối những fixer đáng tin sau khi hoàn thành chuyến đi một cách an toàn.

Nhiều người cũng cập nhật từng bước hoạt động của mình trên nhóm để khi xảy ra trường hợp rủi ro xảy ra, như phóng viên bị bắt cóc, những thành viên khác sẽ được cảnh báo ngay về người dẫn đường "biến chất" vì tiền. Sau này tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thường xuyên trả tiền cho các fixer như vậy để lừa bắt cóc nhà báo, nhằm tống tiền chính phủ các nước và gieo nỗi sợ hãi.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 13.

Binh sĩ FSA bắn cảnh cáo nhằm vào quân chính phủ từ một chốt kiểm soát, ngày 24/12/2012. Các điểm tương tự được lập ra ở nhiều nơi trong vùng do phe nổi dậy chiếm đóng.

Tôi từng tình cờ gặp James Foley (nhà báo tự do người Mỹ bị bắt cóc năm 2012 và bị IS hành quyết công khai ngày 19/8/2014-PV) tại Hotel Istanbul. Tôi vừa đến khi anh chuẩn bị lên đường. Thời điểm năm 2012, IS vẫn chưa hoạt động mạnh, hoặc chỉ là các nhóm tiềm tàng. Có thể Foley đã bị "chuyền tay" nhau qua nhiều nhóm và cuối cùng lọt vào tay tổ chức khủng bố này. Về sau khi đã trở lại hẳn London tôi mới thấy nhiều thông tin về sự trỗi dậy của IS.

Với quốc gia có quân đội đóng trong khu vực như Mỹ, họ sẵn sàng cử lực lượng tìm kiếm và giải cứu phóng viên nước mình bị bắt cóc. Nhưng xác suất thành công thấp bởi thường họ không xác định được địa điểm giữ người.

Khi một phóng viên vừa mới bị bắt cóc thì các hãng thông tấn, báo chí sẽ tuân theo nguyên tắc bất thành văn "media backout" - tức không để lọt thông tin về vụ việc ra dư luận. Điều này nhằm tránh các nhóm như IS đạt được mục đích "gieo rắc nỗi sợ", đồng thời giữ an toàn cho chính con tin.

Khi đó, sự hỗ trợ và trao đổi thông tin chủ yếu thông qua các nhóm "ngầm" như V.C.. Quản trị nhóm sẽ cung cấp tin tức tổng hợp cho các cơ quan chuyên phụ trách điều tra và thương thuyết.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 14.

Lần đầu vào Syria, tôi nhận thấy dân bản địa rất nhiệt tình. Họ hỏi han nhiều và niềm nở. Tôi kết được nhiều bạn và nghe nhiều câu chuyện hay. Thói quen người Việt Nam thích mua bao thuốc, chai nước để "bắt chuyện" nên họ rất quý, nhất là họ cũng biết về lịch sử chống Pháp, chống Mỹ của mình.

Yêu cầu kết bạn gửi đến trên Facebook rất nhiều, ai cũng gửi, trong khi tôi có phần lo lắng vì mình có nhiều ảnh gia đình và bạn bè trên mạng, nhưng vẫn đồng ý vì phép lịch sự. Có những người tôi chỉ gặp một lần rồi thôi. Sau tôi phải xóa đi rất nhiều. Tôi cũng từng phải nói với người thân "unfriend" mình trên Facebook để đề phòng rủi ro.


Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 15.

Trong số những người tôi đã gặp và kết bạn trên Facebook có rất nhiều thanh, thiếu niên trẻ, chỉ 18-19 tuổi, tham gia cuộc chiến mà không vì lý do gì. Không thể biết được họ sẽ đi về đâu, hay có gia nhập các tổ chức như IS hay không.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 16.

Chảo lửa Syria qua ống kính phóng viên người Việt 20 tuổi - Ảnh 17.

Phóng viên ảnh Mai Nguyên Anh

Khi làm về Syria tôi còn rất trẻ, chỉ 20 tuổi. Các sản phẩm ở Syria giúp tôi thu được khoảng 3.000 bảng Anh, tính ra là không nhiều sau khi trừ các chi phí máy bay, đi lại, ở khách sạn... thậm chí là "lỗ", chủ yếu do chưa biết cách, mà chỉ theo đuổi bởi mình thực sự mong muốn làm.

Tôi nhận ra mình yêu thích nghệ thuật ảnh. Đến bây giờ tôi vẫn tin rằng ảnh, thay vì chỉ thể hiện cái đẹp, nên có tác dụng ghi chép lại một vấn đề lịch sử. Tôi cảm nhận được ở một nơi nào đó, có một ai đó đang xem những bức ảnh của mình, và hy vọng ảnh của tôi có thể gợi cho họ những suy nghĩ.

Nhưng đó không phải là cách duy nhất, hiện giờ và trong tương lai, tôi đang cố gắng theo đuổi những sản phẩm mà tôi có thể đặt mình vào trong câu chuyện.

Hải Võ (ghi)                                             
Mai Nguyên Anh
Bạch Quả
Theo Trí Thức Trẻ28/02/2017