CHỜ Ý KIẾN TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÓ SÂN BAY
Ông Trịnh Quốc Tuấn (Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, hiện Cục Hàng không đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh/ thành phố có sân bay để xin ý kiến. Sau khi nhận phản hồi, Cục sẽ trình lên Bộ GTVT để tính toán phương án phù hợp nhất nhằm mở cửa lại ngành hàng không.
Đối với Hà Nội, Cục Hàng không đánh giá Nội Bài là đầu mối giao thông trọng điểm trong mạng bay nội địa và quốc tế. Vì vậy, việc khai thác các chuyến bay nội địa thường lệ đi/đến cảng hàng không này rất quan trọng và thiết yếu.
Trước ý việc Hà Nội nhất quán kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại đi đến Hà Nội, Cục đã gửi riêng văn bản đến UBND TP Hà Nội, mong thành phố sớm có phản hồi cụ thể trước kế hoạch mở cửa hàng không do Cục đề xuất.
Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống.
"Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về các biện pháp bổ sung (nếu có yêu cầu về phòng, chống dịch), Cục HKVN sẽ triển khai thực hiện nghiêm ngặt đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong dây chuyền vận tải", ông Tuấn nói thêm.
Trong trường hợp Hà Nội vẫn không tiếp nhận khách từ các chuyến bay, Cục Hàng không sẽ xây dựng các phương án khác, ví dụ chỉ đưa khách từ đây đi mà không quay về, hoặc dùng chuyến về để chở hàng.
"Chúng tôi cũng đã tính tới phương án sân bay Nội Bài chỉ là một điểm để trung chuyển khách giữa các chuyến bay, đảm bảo không có hành khách lưu lại trong thành phố", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tuấn luôn nhấn mạnh, việc xây dựng kịch bản mở cửa ngành hàng không sẽ phụ thuộc rất lớn vào quyết định của các tỉnh/ thành phố có sân bay.
"Về mặt nguyên tắc, Chính phủ đã giao cho các tỉnh/ thành phố chủ động biện pháp phòng chống dịch. Hàng không xét đến cùng cũng chỉ là một phương tiện di chuyển. Trong trường hợp "chủ nhà" không đồng ý tiếp nhận khách từ các chuyến bay, Cục cũng phải chịu", Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Ông Tuấn nhấn mạnh, các phương án để phục hồi lại ngành hàng không hiện Cục đều đã tính toán và đệ trình lên Bộ GTVT. "Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là quay về các tỉnh xem họ đồng ý như thế nào. Ví dụ như sân bay Nội Bài đặt tại Hà Nội thì việc đến và đi như thế nào sẽ phải do địa phương quy định", ông cho biết.
KỊCH BẢN MỞ CỬA LẠI HÀNG KHÔNG TỪ 5/10
Trước đó, Cục Hàng không đã gửi đến các địa phương có sân bay văn bản nêu cụ thể về kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa Giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ 5/10/2021. Văn bản có nêu rõ các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi/đến các sân bay để xin ý kiến.
Theo Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, hành khách đi máy bay phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Tuy nhiên, người đã tiêm 01 liều vắc xin sau 03 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng không có yêu cầu phải xét nghiệm.
Chỉ cần tiêm được 01 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 sau 3 tuần, hành khách sẽ không cần xét nghiệm khi di chuyển bằng máy bay. Ảnh: Báo Lạng Sơn.
Về tần suất các chuyến bay trong giai đoạn này, theo kế hoạch TP.HCM sẽ là nơi có số lượng chuyến bay khứ hồi lớn nhất cả nước với 132 chuyến bay khứ hồi/ ngày. Trong đó, Vietnam Airlines (VN) khai thác 56 chuyến, VietJet (VJ) 50 chuyến, Bamboo Airways (QH) 21 chuyến và Jetstar Pacific (BL) 15 chuyến.
Tiếp theo là Hà Nội với tần suất 91 chuyến bay khứ hồi/ ngày. VNA vẫn dẫn đầu về tần suất bay với 36 chuyến/ ngày. Trong khi hãng bay VJ có tần suất khai thác chỉ bằng 70% hãng Hàng không quốc gia với 28 chuyến/ ngày.
Một điểm đến rất quan trọng ở miền Trung là Đà Nẵng thuộc top một trong ba địa phương có tần suất chuyến bay cao nhất cả nước, với 43 chuyến bay khứ hồi/ ngày. Đứng đầu về số lượng khai thác là VNA, theo sau là Bamboo Airways. Đây là số liệu tính tổng tất cả các chuyến bay trên tất cả các chặng bay khởi đầu từ Đà Nẵng đi tới các địa phương khác trên cả nước.
Cách tính này cũng áp dụng cho tất cả các tỉnh/ thành khác có sân bay. Chẳng hạn, từ sân bay Nội Bài hiện sẽ có 17 đường bay khác nhau để nối đến: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Điện Biên, Lâm Đồng, Thừa thiên Huế, Kiên Giang, Gia Lai, TP.HCM, Phú Yên.
Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
- Giai đoạn 1 (dự kiến bắt đầu từ 05/10/2021), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
- Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
- Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
- Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) sẽ được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1