Chàng ‘xe ôm Tây’ mê làm du lịch Việt

Hồng Minh |

“Nhiều người vẫn hỏi Adi về Việt Nam và luôn muốn trở lại vì nơi đây quá đẹp. Chúng ta bị mất khách vì làm du lịch chưa đúng cách mà thôi.”

Adi là tên gọi thân mật của Adrian Zagrodzki, chàng trai đến từ Ba Lan . Năm 2012, Adi trở thành nhân vật khá đặc biệt trong chương trình “Camera giấu kín” của kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV).

Lúc đó, Adi vào vai một xe ôm Tây , dùng giọng Bắc đặc sệt trả treo với khách rất “kinh”. Chương trình đã mang đến nhiều tiếng cười thú vị cho khán giả và Adi bị chết tên Xe ôm Tây đến bây giờ.

Sau chương trình đó, Adi được phủ sóng trên nhiều kênh truyền hình bởi khả năng chém gió bằng tiếng Việt quá đỉnh cùng với sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Adi nhận ra mình có tính cách rất Việt-Nam-mít (Vietnamese) và quyết định chọn ở lại Việt Nam vì “ở đây Adi mới có cảm giác như ở nhà”.

Nghỉ làm truyền hình đi bán cơm bụi

Trước đây Adi học chương trình ngữ văn Việt-Thái của một ĐH Ba Lan. Năm học 2009-2010, Adi đạt học bổng sang Việt Nam du học để hoàn thành chương trình học. Dự kiến sau khi học xong, Adi sẽ về nước để làm giảng viên một trường ĐH. Thế nhưng cuộc sống ở đất nước nhiệt đới này phù hợp với Adi tới nỗi anh chàng gọi điện thoại ngay về cho bố mẹ:

“Con thích nơi đây rồi. Con sẽ ở đây luôn”. Nghe đứa con trai duy nhất nói vậy, mẹ Adi lo lắng không nói được gì. Bố Adi thì ngắn gọn: “Để rồi xem mày sẽ làm được gì ở đó!”.

Ngày nào Adi cũng nhắc lại câu hỏi của bố “Mày sẽ làm được gì ở đó, Adi?”. Khi đã nổi tiếng ở Việt Nam, Adi hồ hởi khoe với bố, ông vẫn nghiêm khắc: “Để rồi xem!”.

Những ngày đóng vai đi bán báo, đánh giày, bán cà phê, bán bắp để quay các chương trình truyền hình đã cho Adi trải nghiệm thực tế cuộc sống ở Việt Nam. Adi liến láu bằng tiếng Việt tới mức nhiều người bán hàng ở gần các bến xe Hà Nội luôn trêu:

“Xe ôm Tây này gì cũng biết, không đùa được đâu”. Một bà bán dép tổ ong chèo kéo Adi mua đôi dép với giá 100.000 đồng, Adi trả lời: “Nhà cháu biết giá rồi, chỉ 30.000 thôi. Bà bán 40.000 cho nhanh”. Bà hàng rong than: “Giời ơi, thằng Tây này nói tiếng Việt ghê quá!”.

Cuộc sống của Adi sau khi rời trường ĐH khá ồn ào và vui vẻ, nhưng buổi tối trở về nhà trọ, anh chàng luôn cảm thấy trống trải, cảm thấy những trải nghiệm của mình vẫn chưa đủ.

Vậy là một hôm, Adi xin nghỉ việc để bay từ Hà Nội vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội mới. Ở đây, Adi vừa đi dạy tiếng Anh, vừa làm chương trình truyền hình. Nhưng cảm thấy bản thân vẫn không có gì tiến triển, Adi bèn xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Adi nói: “Mình còn trẻ, nên nghĩ mình có đầy cơ hội, làm gì cũng được. Nhưng sau khi nghỉ việc, xả hơi một thời gian thì mình hết tiền. Hết thật luôn ấy. Thế là mình nhận lời đi phụ bán quán cơm bụi”.

Ở quán cơm, Adi hăm hở chạy bàn, rửa chén, dọn dẹp, một mình “cân cả quán”. Tất cả những gì Adi đổi được là có cơm ăn và một chỗ ngủ.

Nhưng những trải nghiệm ở quán cơm lại là khoảng thời gian quý giá. Adi đã có đủ bản lĩnh để nhìn rõ bản thân mình và nhìn thấy con đường đi của mình. Anh chia tay với quán cơm, quay trở lại đi dạy tiếng Anh, tích lũy để lên đường lần nữa.

Chàng ‘xe ôm Tây’ mê làm du lịch Việt - Ảnh 1.
Chàng ‘xe ôm Tây’ mê làm du lịch Việt - Ảnh 2.

Adi đã tìm thấy con đường của mình là kết nối du lịch Việt.

Kết nối khách Tây với du lịch Việt

Adi luôn nhớ những chuyến đi, nhớ những làn điệu dân ca quan họ, nhớ những cánh đồng vàng mùa lúa chín ở Tây Bắc, nhớ gia đình bố nuôi của Adi ở Hải Phòng, nhớ những chuyến ghe tài tử trên sông nước miền Tây. Adi nhận ra đời mình luôn gắn liền với những chuyến đi: “Đó là lý do trước đây Adi luôn cảm thấy trống trải nếu ở một chỗ, làm một việc quá lâu”.

Adi xin vào làm cho một công ty du lịch, nhận tiền lương tượng trưng, chỉ để được đi và tìm hiểu về khách hàng ngành du lịch. Adi nói: “Gần như chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam mà mình chưa đặt chân tới. Có những nơi mình đi suốt ấy, nhưng lần nào đi mình cũng thấy có thêm điều mới lạ, những du khách lần đầu đến Việt Nam còn thấy đẹp cỡ nào”.

Hầu hết khách du lịch từng đồng hành cùng Adi đều mê tít Việt Nam và luôn giữ liên lạc với anh sau đó. “Nhiều người vẫn hỏi Adi về Việt Nam và luôn muốn trở lại vì nơi đây quá đẹp. Chúng ta bị mất khách vì làm du lịch chưa đúng cách mà thôi” - Adi nói.

Adi rủ nhiều người bạn Ba Lan đến Việt Nam, rồi những người bạn này khi trở về lại giới thiệu cho người khác. Lượng khách du lịch từ Ba Lan đăng ký với Adi mỗi ngày một nhiều. Adi quyết định mở công ty du lịch để chuyên tâm làm cầu nối cho những người nước ngoài muốn có những “chuyến đi trải nghiệm sâu sắc” ở Việt Nam.

Công ty nhỏ xíu, chỉ có Adi và một người bạn Ba Lan quản lý, mới thành lập vài tháng nay nhưng đã đón hàng trăm lượt du khách. Khách hàng hầu hết tìm đến nhờ kênh quảng bá “truyền miệng” từ những du khách đã gặp gỡ Adi. Không chỉ các khách hàng Ba Lan, nhiều du khách Mỹ, Pháp, Úc… cũng đã quen mặt Adi.

Có một du khách than thở chưa biết hết vẻ đẹp của Việt Nam nhưng đã bị trải nghiệm việc chèo kéo, chặt chém, bỏ rơi. Cô được bạn khuyên hãy trở lại Việt Nam gặp Adi. Khi lên Tây Bắc, cô gặp ngay những ngày mưa dầm lầy lội, chẳng thể đi tham quan những điểm hùng vĩ nhất.

Cô được Adi đưa đến những ngôi chợ nhỏ của người bản xứ, được ăn bắp nướng trong nhà sàn, chỉ vậy thôi mà cô hạnh phúc vô cùng: “Đây đúng là nơi tôi muốn được nhìn thấy. Tôi phải trở lại nhiều lần nữa”.

Bố mẹ Adi đã đến Việt Nam thăm con trai. Người bố nghiêm khắc chỉ nói: “Ừ. Con cũng được đấy!”. Đó là lời khen lớn nhất mà bố dành cho Adi từ trước tới giờ. Ông đã hiểu tại sao Adi yêu quê hương thứ hai đến thế.

Nỗi nhớ nhung Tết Việt

Adi cho biết văn hóa Ba Lan có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Các gia đình ở Ba Lan có truyền thống coi trọng người lớn tuổi, người trẻ thường quay về gia đình để chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu.

Nhưng truyền thống đó đang đứt gãy dần bởi nhịp sống hiện đại hiện nay.

Adi nhìn nhận rằng truyền thống và các mối ràng buộc trong gia đình Việt vẫn đang được giữ gìn khá bền chặt. Đó là điều làm anh thích nhất khi trở thành người Việt và nhận ra “tính cách của mình đúng là Việt-Nam-mít”.

Năm đầu tiên vào TP.HCM, Adi chưa có bạn bè bên cạnh, Tết một mình buồn đến ngẩn ngơ. Các bạn Tây rủ đi uống bia, Adi vẫn buồn vì quá nhớ cái Tết theo cha mẹ nuôi ở Hải Phòng xúng xính đi chúc Tết, lì xì cho các em nhỏ và đợi được người lớn lì xì. Anh đang mong muốn có một gia đình riêng để được nếm trải cảm giác đó nhiều lần nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại