Chàng trai khiếm thị vượt mặc cảm, trở thành người truyền cảm hứng cho những số phận không may mắn

Nhật Vũ |

Không đầu hàng số phận, chàng trai khiếm thị Lã Minh Trường quyết tâm chinh phục ước mơ được cống hiến giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Sinh ra bị khiếm thị, đi học trong mặc cảm

Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, ngay từ khi lọt lòng, Lã Minh Trường (SN 2001) quê ở Thôn Cao Xá, phương Lam Sơn, TP Hưng Yên) đã bị đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu và một số bệnh nhỏ khác như nhãn cầu bé, sinh lý mắt yếu,... Cậu chỉ nhìn mờ mờ phía trước mắt.

Ngày nhỏ, bố mẹ đã đưa Trường đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng bác sĩ khuyên giữ nguyên hiện trạng, không thể phẫu thuật. Bởi vì mắt em rất yếu, đụng vào dao kéo dễ bị suy nhược. Một phần nữa là do nhãn cầu rung đảo nhiều, khi dùng tia laser sợ đụng vào phần khác.

Những năm Trường đi học cấp I ở quê, đa số do thầy cô, bạn bè hỗ trợ. Những bài giảng chủ yếu em nghe và nhớ. Trường phải nhìn sát và viết thật to mới thấy được mờ mờ, gần như việc học tập rất khó khăn.

Sau này, khi lên cấp 2, được bác sỹ giới thiệu, Trường đã rời quê hương để lên Hà Nội học tập tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, đây là ngôi trường chữ nổi của những người khiếm thị.

Đến cấp 3, Minh Trường xin gia đình cho chuyển ra ở trọ một mình để học THPT Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng. Cậu trọ ở đằng sau trường cách vài trăm mét nhưng việc đi học vẫn gặp không ít khó khăn.

"Thời gian đầu, cô giáo phân công một số bạn thay nhau gọi và đưa em đi học cùng. Thời gian sau em có thể mò theo những bờ tường, đi nhiều thành thói quen em có thể chủ động đến trường được", Trường chia sẻ.

Học tập và sinh sống trong môi trường các bạn sức khỏe bình thường, Trường cũng không tránh khỏi những mặc cảm nhất định về bản thân. Cậu bộc bạch: "Giai đoạn cấp 1 đi học, em chưa biết khuyết tật là gì đâu. Em chỉ thấy là thị lực của mình kém hơn các bạn thôi. Hồi đó cũng biết mình gặp khó khăn chưa biết nhiều về khuyết tật.

Có giai đoạn em cũng mặc cảm, tự ti khá nhiều. Gia đình thấy em suốt ngày ở trong nhà còn tưởng bị tự kỷ. Đến cấp 2, mới đầu lên trường Nguyễn Đình Chiểu bị hạn chế trong giao lưu tiếp xúc, em tự ti. Một phần nữa mình sang môi trường mới chưa quen, xa gia đình. Hồi đấy bố phải lên Hà Nội rất nhiều, cứ 1-2 tuần bố lại đón em về nhà liên tục", Trường kể lại.

Một rào cản nữa là khi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, gần như Trường chỉ trong trường khép kín nên ít tiếp tục với bên ngoài. Lên cấp III, thế giới mới khiến phải làm quen mọi thứ lại từ đầu.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Trường may mắn được các cô, các bạn quan tâm. Các bạn hỗ trợ em đi học cùng, vào phòng trọ chơi, dần dần cũng đỡ mặc cảm đi. Đến những năm đại học, Trường không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm nữa.

Bỏ qua mặc cảm thực hiện ước mơ được cống hiến

Hiện nay, Minh Trường đang là sinh viên năm 3, khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. Ngoài việc học tập, cậu cũng tham gia nhiều dự án hoạt động xã hội. Trường hiện là Chủ nhiệm của CLB sinh viên khuyết tật của thủ đô.

CLB được thành lập từ năm 2001, với mục đích của là tạo ra một môi trường, sân chơi cho các bạn sinh viên khuyết tật. Cùng nhau giao lưu học hỏi giúp đỡ, cũng như truyền năng lượng, động lực sống để hỗ trợ các bạn khuyết tật phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, CLB tìm những nguồn lực, học bổng, dự án phát triển năng lực tiềm năng nâng cao nhận thức, đào tạo những kĩ năng cho các bạn thích nghi với cuộc sống tốt hơn.

Năm vừa rồi, CLB đã thực hiện được 3 dự án xã hội về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, tuyên truyền vận động về bình đẳng giới người khuyết tật và dự án về nâng cao năng lực cho các bạn thành viên.

Với những chương trình dự án hoạt động như thế, nhóm cũng đã kết nối được những học bổng, những cơ hội việc làm cho các bạn thành viên.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Trường cho biết: "Sắp tới, em đặt mục tiêu trở thành một người truyền cảm hứng, truyền sự công bằng và bình đẳng với người khuyết tật nói riêng và những người yếu thế trong xã hội nói chung. Từ đó em cũng mong muốn bản thân mình có thể góp một phần nhỏ để xây dựng một xã hội công bằng văn minh hơn".

Trước những nỗ lực của Lã Minh Trường, năm 2022, cậu được vinh danh Gương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình: Tỏa sáng nghị lực Việt 2022, và được đối thoại trực tiếp với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Trường cũng vinh dự được nhận bằng Khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Ngoài ra em còn là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 được nhận bằng khen vào 26/3/2023.

"Là thanh niên, em luôn đặt cho mình giá trị về trách nhiệm ở bản thân, với gia đình hay trách nhiệm với cả cộng đồng, hay nhiều hơn là trách nhiệm với đất nước, luôn luôn phải giữ ngọn lửa nhiệt huyết với tinh thần tiên phong, để giải quyết những vấn đề khó khăn trong xã hội", Minh Trường tâm sự.

Bên cạnh mục tiêu truyền cảm hứng thì tương lai xa hơn Trường muốn trở thành nhà vận động xã hội, vận động về chính sách cho những người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội nói riêng và đóng góp cho xã hội nói chung. Với cậu, những căn bệnh về mắt không bao giờ là rào cản để Minh Trường thực hiện ước mơ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại