Chàng trai gốc Việt mất cha trong vụ khủng bố 11/9: Khi những đứa trẻ khác có cha ở bên giải đáp thắc mắc, tôi phải tự mình hiểu cách thế giới này vận hành

Linh Chi |

Chỉ 2 ngày sau sinh nhật 4 tuổi, An gánh chịu nỗi đau mất cha khi những kẻ khủng bố lao một trong 4 chiếc máy bay bị không tặc vào Lầu Năm Góc, đánh sập một phần tòa nhà.

Lật xem lại album ảnh cũ của gia đình, Nguyen Ho Ngoc An mỉm cười. Trong một bức ảnh, cậu bé An 1 tuổi đang được bố ôm vào lòng. Sang một tấm khác, một đứa trẻ 3 tuổi được bố cho ngồi trên vai tại căn nhà của họ ở thành phố Fairfax, bang Virginia, Mỹ. Nhưng tại bức ảnh tiếp theo, khi An vừa tròn 4 tuổi, cậu đeo chiếc băng tang trắng truyền thống của Việt Nam đang khóc bên quan tài của cha mình.

Bố của An, ông Nguyen Ngoc Khang là một kĩ sư điện tử. Ông đảm trách vai trò quản trị hệ thống của Trung tâm Chỉ huy Hải quân. Ông Khang sinh ra tại Việt Nam và di cư sang Mỹ vào năm 1981. Tại đây, ông gặp gỡ và kết hôn với mẹ của An, bà Ho Nguyen Anh Tu.

Sau đó không lâu, cuộc hôn nhân của họ đã đơm hoa kết trái với đứa con đầu lòng là An, cũng là đứa con duy nhất của họ. Bố cậu bé thiệt mạng khi Chuyến bay 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc, nơi ông đang làm việc. Lúc đó, ông 41 tuổi và cậu bé An mới qua sinh nhật 4 tuổi được 2 ngày.

Kỷ niệm của An về cha rất ít: "Ông ấy thích hát, đôi khi hát rất lớn tiếng. Ông hay hát các bài cổ truyền bằng tiếng Việt".

Trong một cuốn sách ảnh mà An tự tay làm ở trường tiểu học mang tựa đề "Cha tôi quan trọng đến nhường nào", An đã viết: "Cha mất, tôi dường như đã quên tất cả mọi thứ về ông. Tôi rất buồn khi ông qua đời, nhưng tôi vẫn yêu ông ấy rất nhiều". Để minh họa, An đã phác thảo một chiếc máy bay phản lực sắp lao vào Lầu Năm Góc, còn anh co người núp ở một bên, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt.

Lớn lên với ký ức ít ỏi về người cha đã mất, An đã phải tự mình suy nghĩ về những thắc mắc mà các chàng trai khác thường xin lời khuyên từ cha mình. "Về khía cạnh nào đó, tôi chỉ có một mình. Tôi đang cố gắng hiểu cách thế giới này vận hành và quan trọng hơn là tìm cách để hiểu chính bản thân mình".

Chàng trai gốc Việt mất cha trong vụ khủng bố 11/9: Khi những đứa trẻ khác có cha ở bên giải đáp thắc mắc, tôi phải tự mình hiểu cách thế giới này vận hành - Ảnh 2.

An chụp hình cùng mẹ tại Đại học George Mason.

An đã bước sang tuổi 24 vào ngày 9/9. Anh là một kỹ sư phần mềm và sắp lấy bằng thạc sĩ tại Đại học George Mason. Đây có thể coi như con đường mà cha đã định hướng cho An trong cuộc sống ngắn ngủi của ông.

Trong suốt 20 năm qua, An coi thành tích học tập của mình như một món quà dành cho cha. "Thành tựu của tôi là hiện thân của di sản mà cha để lại. Tôi biết ông sẽ rất tự hào về con đường tôi chọn và sự kiên trì của tôi theo bước chân ông".

Mỗi năm, cứ tới ngày 11/9 và sinh nhật ông Khang ngày 19/12, bà Tú và An đều đến nghĩa trang Arlington, nơi chôn cất ông và đài tưởng niệm bên Lầu Năm Góc. Ở nhà, trên bàn thờ gia tiên, họ bày ra những món ăn yêu thích của ông như phở cuốn Việt Nam, một số loại trái cây nhiệt đới và chè, bánh pía. Hai mẹ con sẽ thắp hương và cầu nguyện cho ông, cũng đồng thời để vơi bớt nỗi nhớ trong lòng.

Tham khảo: NPR


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại