Chàng trai cầm bát mỳ ăn vội dưới góc bếp và nỗi niềm phía sau không phải ai cũng hiểu

Ngân Hà |

“Nhiều người nghĩ: Làm bếp chắc được ăn toàn đồ ngon nhỉ? - câu hỏi muôn thuở là vậy. Ngon thật đấy, nhưng ai thấu cho những hôm lùa vội chén cơm, những lần vừa cầm đôi đũa thì khách order và khi làm xong cơm canh đã nguội lạnh…”

Nhọc nhằn nghề bếp...

Nghề bếp một trong những ngành nghề "hot" hiện nay, thu hút sự quan tâm của giới trẻ bởi cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập lý tưởng.

Nhưng bên cạnh niềm vui, nghề bếp cũng lắm vất vả. Không phải ai cũng biết, phía sau những món ngon đẹp mắt là bao nỗi niềm mà chỉ ai thực sự bắt tay vào làm mới thấu.

Mới đây, trên diễn đàn của hội đầu bếp, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một chàng làm bếp trẻ tuổi đang ngồi xổm trong góc bếp ăn vội bát mỳ trên tay đã được chia sẻ.

Dường như anh phải tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để ăn vội cho qua cơn đói rồi tiếp tục làm việc.

Chàng trai cầm bát mỳ ăn vội dưới góc bếp và nỗi niềm phía sau không phải ai cũng hiểu - Ảnh 1.

Ai cũng tưởng làm bếp thì suốt ngày được ăn ngon, nhưng đây mới là sự thật

Đi kèm với bức ảnh là đôi dòng tâm sự: "Nhiều người cứ nghĩ làm bếp chắc được ăn toàn đồ ngon nhỉ? Ừ thì ngon thật đấy nhưng ai thấu những hôm lùa vội chén cơm để làm cho kịp giờ khách vào, những lần vừa cầm đôi đũa lên thì khách order và khi làm xong cơm canh đã nguội lạnh.

Là những đêm tựa đầu vào cửa kính xe bus sau một ngày quay cuồng dí mặt trên chảo, còn ngoài kia từng đôi nắm tay nhau dạo phố. Thanh xuân nghề bếp chính là hai chữ "đánh đổi""

Chia sẻ ngắn gọn về nỗi niềm nghề bếp nhanh chóng nhận được sự đồng cảm và quan tâm của nhiều người.

Quả thật, nghề làm bếp hiện thu hút nhiều người theo đuổi bởi niềm đam mê ẩm thực, cùng với đó là mức lương tương đối cao so với các ngành nghề khác.

Và đương nhiên, đi kèm với đó là không ít khó khăn, nhọc nhằn. Để trở thành một đầu bếp, phải trải qua 3 – 6 tháng học nghề, làm phụ bếp với những việc cơ bản như dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị nguyên liệu, dọn rửa dụng cụ... để học hỏi kinh nghiệm.

Quá trình học và làm nghề vất vả khi phải thường xuyên tiếp xúc với dao kéo, khói lửa, mùi vị thực phẩm... Chưa kể những người làm bếp đa phần đều phải chịu áp lực giờ giấc cao, thức khuya dậy sớm, chỉ được ngồi khi cần nghỉ ngơi.

Chàng trai cầm bát mỳ ăn vội dưới góc bếp và nỗi niềm phía sau không phải ai cũng hiểu - Ảnh 2.

Lê Việt Anh đang làm phụ bếp tại một quán ăn

Lê Việt Anh - chàng trai trẻ đang làm phụ bếp tại một quán ăn ở thành phố Hồ Chí Minh kể: "Các bạn làm sao hiểu được cảm giác đấy, làm từ 9 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều, nuốt vội nửa cái bánh mì xong lại làm tiếp tới 7 giờ 30 tối anh em mình mới được ngồi lại với nhau ăn chén cơm.

Những hôm nắng như thiêu như đốt, đứng cạnh cái họng bếp cảm giác mùa hè nóng gấp đôi, cơm cũng không ăn được đâu, chỉ uống nổi nước. 20 bàn là 20 bàn giục nên áp lực thêm nữa. Nhưng than thế thôi chứ không có khách thì cũng chết!"

Anh chàng Nguyễn Văn Luân cũng kể về những khó khăn gặp phải khi theo đuổi công việc này: "Người ngoài không biết, cứ nghĩ làm bếp được ăn ngon, sướng lắm. Chứ thực ra làm mệt, ngửi mùi thức ăn cả ngày nên có khi chẳng muốn ăn gì.

Trước khi đứng nấu thì mình từng phụ bếp mấy tháng, cả ngày chạy qua chạy lại, bê vác 10-20kg thực phẩm chả khác gì cửu vạn, đi ra đi vào nhà lạnh âm 5 độ. 

Đến khi đứng bếp cũng quần quật tối này, thái rau, thái thịt, rửa rau, chợ búa, nấu nước dùng, chiên xào các kiểu không ngơi tay. Đi làm về người đau mỏi, lái xe trong trạng thái căng mắt ra mà đi, chỉ muốn nhanh đến nhà để nằm ngủ".

Chàng trai cầm bát mỳ ăn vội dưới góc bếp và nỗi niềm phía sau không phải ai cũng hiểu - Ảnh 3.

Các đầu bếp phải đứng cả ngày dài để làm việc (Ảnh minh họa)

Chân tay vất vả là thế, các đầu bếp còn phải chịu áp lực tinh thần lớn: thời gian chế biến món ăn, áp lực khi thức ăn bị chê, áp lực cạnh tranh, doanh thu từ quản lý.

"Nói đây là nghề làm dâu trăm họ cũng đúng. Có hôm làm nước 2 nồi lẩu gà ra, một bàn bảo ngon, bàn kia kêu nhạt. Thái đĩa bò, sụn... trang trí ít hoa lá vào thì khách kêu độn cho đầy đĩa!

Rồi nhiều khách còn vào tận bếp hối, làm không kịp nhẹ thì phàn nàn, nặng là nghe chửi. Đặc biệt, vất vả mấy cũng chịu được, nhưng ngán nhất là 22 giờ 30 phút ngừng nhận đặn món, nhưng 22 giờ 29 phút khách vào vẫn nhận.Cảm giác này chỉ anh em làm bếp mới thấu" -  Anh Luân kể tiếp.

Lắm vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui

Bên cạnh khó khăn, thử thách, chắc chắn các đầu bếp vẫn có lý do để gắn bó với nghề. Không chỉ nấu cho gia đình những bữa ăn ngon, người làm bếp còn được trổ tài nấu nướng phục vụ người khác.

Mỗi khi được thực khách khen ngợi và cảm ơn, bất kỳ đầu bếp nào cũng sẽ thấy hạnh phúc, là động lực để vượt qua chông gai của nghề.

Chàng trai cầm bát mỳ ăn vội dưới góc bếp và nỗi niềm phía sau không phải ai cũng hiểu - Ảnh 4.

"Người không dám dấn thân thì sẽ không để lại dấu chân trên hành trình" - "Siêu đầu bếp" Võ Quốc chia sẻ

Đó cũng chính là tâm sự của "siêu đầu bếp" Võ Quốc: "Làm đầu bếp gian nan và nguy hiểm vì ngày nào cũng phải tiếp xúc với dao, kéo, khói lửa…Chân tay vất vả là thế, nhưng lại phải chịu đủ thứ áp lực tinh thần. Ngày làm cực, đêm về suy nghĩ thôi cũng mệt đầu.

Nhưng làm bếp cũng hạnh phúc lắm, nhìn thực khách ăn ngon miệng là bao mệt mỏi tan biến, nhiều lúc tự cười rồi nghĩ nhờ có mình nấu ăn ngon mà người ta mới có được kỷ niệm vui vẻ như vậy.

Thế là có thêm động lực chiến đấu cho những ngày sau. Niềm vui của đầu bếp chúng tôi cũng cực kỳ đơn giản. Sáng tạo ra công thức món mới, trang trí đĩa thức ăn đẹp hay đi chợ mua được những nguyên liệu tươi mới…vậy là đủ vui cả ngày"

Nghề bếp cũng như nhiều nghề khác, luôn có ưu và nhược điểm. Với những ai đã chọn theo đuổi với công việc này, không thể thiếu nỗ lực và đam mê để tiếp tục gắn bó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại