Bùi Tiến Dũng (SN 1990, Thái Bình) hiện đang là một thợ xăm có tiếng tại Bình Dương. Không chỉ gây ấn tượng bởi tài năng trong nghề mà Dũng còn khiến mọi người xung quanh ngạc nhiên bởi câu chuyện: Thợ xăm nhưng không hề có một hình xăm nào trên cơ thể.
Trò chuyện với Dũng, được biết trước khi đến với nghề xăm như hiện tại, anh đã phải trải qua rất nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật, Dũng trở thành giáo viên, vẽ tranh tường, thiết kế áo dài, áo hanbok và chăn ga gối thêu tay Hàn Quốc, làm mẫu cho xưởng tranh…
Đến năm 2015, do sức ép công việc tại công ty nên Dũng quyết định nghỉ việc để tìm công việc mới. Ban đầu anh quyết định học nghề tạo mẫu tóc, và đã nộp hồ sơ vào một học viện tóc ở Sài Gòn.
Thế nhưng trong lần lên học, do không quen đường đi nên Dũng bị lạc, lại vô tình đứng tại cửa một tiệm xăm lớn. Vì tò mò, Dũng vào xem và ngay lập tức ấn tượng mạnh với công việc này.
Bùi Tiến Dũng (áo đen, bên trái) là một thợ xăm có tiếng tại Bình Dương. Trước khi đến với xăm, Dũng đã trải qua rất nhiều nghề khác nhau.
"Đó cũng là cái duyên với nghề và sự tình cờ ấy đã làm thay đổi quyết định của mình. Bỏ ý định làm nhà tạo mẫu tóc, mình bắt đầu tìm hiểu và học xăm từ đó. Mình nghĩ rằng nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề", Dũng tâm sự.
Thời gian đầu tiên theo nghề xăm, Dũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là anh không hề có chút thông tin nào về nghề này. Thời điểm đó Dũng học hai người thầy, một thầy ở Bình Dương, một thầy ở Sài Gòn. Thời gian học từ 9h sáng đến gần 1h sáng hôm sau (học ở Bình Dương từ 9h - 17h, ăn uống xong đi học ở Sài Gòn từ 19h30 - 23h. Về tới nhà là gần 1h sáng).
Một khó khăn khác, Dũng là người miền Bắc, vào miền Nam làm việc nên ban đầu khách hàng quen biết không có, anh em bạn bè ở đất khách cũng ít nên tự vận động là chính.
"Khi mình học và làm tốt, thầy dạy xăm có ngỏ lời mời mình làm luôn tại tiệm, trả lương hậu hĩnh. Nhưng mình quyết định ra làm riêng.
Thời gian đầu chủ yếu mình luyện thiết kế mẫu để tìm người làm với giá rẻ. Mình phải làm việc với máy móc và dụng cụ thiếu thốn, nhiều khi vừa làm vừa chạy đi mượn đồ. Khó khăn lắm nhưng mình luôn cố gắng hoàn thành tác phẩm một cách tốt nhất".
Dũng đã thực hiện rất nhiều hình xăm trong 2 năm theo nghề. Trong số đó, có rất nhiều hình xăm và vị khách ấn tượng, khiến anh nhớ mãi.
Hơn 2 năm trong nghề, thực hiện rất nhiều hình xăm độc – lạ nhưng Dũng chia sẻ, có nhiều khách hàng và hình xăm khiến anh nhớ mãi.
Hình xăm đáng nhớ nhất với Dũng là lần đầu tiên làm một tác phẩm kín lưng, khi dụng cụ chưa đủ, lại mới ra nghề, nhưng bạn khách đã tin tưởng anh tuyệt đối. Dũng đã mất 2 tuần để thiết kế mẫu. Đến giờ bạn khách đó đã trở thành bạn thân của anh.
Hay như câu chuyện về một người khách tới xăm thư pháp về mẹ. Dũng và vị khách đã tâm sự rất nhiều qua facebook trước khi lên hình.
Đó là một hình xăm đơn giản, nhưng câu chuyện về người con hơn mười năm xa mẹ đi làm mưu sinh, tới khi làm được thành công thì mẹ mất… cảm giác đó đúng với tâm trạng của Dũng khi mẹ cũng qua đời khi anh mới theo nghề xăm được gần 1 năm.
Và cả kỉ niệm về hình xăm mất nhiều thời gian nhất mà Dũng từng thực hiện, nhưng lại đến từ một hình xăm nhỏ.
Đó là vị khách đặc biệt, người này xăm không đau nhưng lại nhột, đặt kim vào da là cười đến đứt hơi nên Dũng thực hiện rất khó khăn. Phải mất tới 5 lần làm việc, Dũng mới hoàn thành xong một hình xăm tả thực sói ở ngực cho vị khách.
Điều thú vị ở chàng thợ xăm này chính là việc anh không hề sở hữu bất kỳ một hình xăm nào trên cơ thể.
Với Dũng, câu hỏi anh thường xuyên nhận được nhất từ những vị khách của mình chính là tại sao một thợ xăm lại không hề có một hình xăm nào trên cơ thể.
Khi nhận được những thắc mắc đó, Dũng chỉ cười, rồi nhẹ nhàng chia sẻ: "Là một thợ xăm, chắc hẳn ai cũng có một hoặc rất nhiều hình xăm trên cơ thể, nhưng hiện tại mình chưa sở hữu một hình xăm nào.
Mọi người biết mình là thợ xăm mà chưa có hình xăm nào nên rất tò mò và đặt nhiều câu hỏi: "Sao anh không xăm?", "Sao anh thợ xăm mà không tự xăm cho mình?", "Anh sợ đau à?"...
Mình nghĩ những hình xăm không quyết định làm nên người nghệ sĩ. Nói vậy không phải mình sẽ không bao giờ xăm, sau này biết đâu sẽ có, nhưng hiện tại mình chỉ tập trung vào công việc chuyên môn.
Làm nghệ thuật muốn làm tốt đầu tiên phải ở cách làm việc, cách nghiên cứu, cách phân tích tác phẩm và tư duy nghệ thuật, nó toát lên từ nội tâm sau đó mới đến ngoại hình. Mình nghĩ như vậy và đó cũng là lý do đến bây giờ mình vẫn chưa sở hữu hình xăm nào", Dũng cho biết thêm.