Hồ tiêu và giấm gạo là hai sản phẩm tiêu dùng quen thuộc của người Việt. Nếu các bạn đã từng ăn phở, ăn gỏi chắc chắn các bạn đã nếm qua hương vị của giấm gạo. Còn hồ tiêu bạn có thể tìm thấy ở bất cứ món ăn nào được chế biến ở nhà hàng trọng hay quán ăn vỉa hè. Chẳng phải có thời điểm, nước ta là nơi xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất nhì trên thế giới hay sao.
Trần Tâm Phương, CEO trẻ của công ty VietFerm, đã mang hai sản phẩm ấy đến chương trình Shark Tanks Việt Nam lên sóng ngày 17/11, để kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 15% giá trị công ty anh đang gầy dựng. Mẹ anh, bà Trần Thị Mai Loan và em gái Nguyễn Thị Tuyết là những người đồng hành với Phương trong hành trình tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án startup của gia đình.
Nguyễn Tâm Phương, CEO trẻ của công ty VietFerm, giới thiệu về sản phẩm công ty kêu gọi đầu tư.
Phương gây xúc động cho người xem khi kể lại quá trình gầy dựng thương hiệu giấm gạo của mẹ anh. Giấm gạo Thủy Tâm là một sản phẩm mang đậm dấu ấn của một người mẹ tần tảo.
Nhờ có giấm, bà Mai Loan đã nuôi các con khôn lớn, ăn học đến nơi chốn và đi du học. Thuở bé, nhiều lần Phương thấy mẹ vất vả đến mức quên nấu cơm cho anh ăn, quên cả đón anh ở trường sau mỗi giờ tan học vì quá bận rộn với việc làm giấm gạo thủ công giao cho các hàng ăn, hưởng chế biến thực phẩm.
Ước mơ phát triển nghề truyền thống của gia đình lên một tầm cao mới, công nghiệp hóa mô hình sản xuất gia đình, hình thành trong Phương trong những ngày anh miệt mài làm "shipper" đi giao giấm cho mẹ.
Phương gây xúc động khi kể về quá trình phát triển nghề giấm gạo của mẹ anh.
Sau khi du học ngành Hóa thực phẩm, Phương về Việt Nam mở công ty kinh doanh 2 mặt hàng chính là giấm gạo (đã có thương hiệu riêng) và hồ tiêu muối - một sản phẩm mới phát triển trên nền tảng mặt hàng hồ tiêu vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt.
Bất chấp thực tế là doanh số công ty mới đạt 2,5 tỷ đồng/năm cho cả 2 dòng sản phẩm, Phương mơ mộng "mỗi quán phở trên thế giới này có một chai dấm gạo Thủy Tâm". Anh cũng mở ra những tương lai tươi sáng cho dòng sản phẩm hồ tiêu muối khiến những nhà đầu tư nhìn thấy nhiều tiềm năng.
Lời kêu gọi đầu tư của Phương gây hứng thú lớn với hai "cá mập đầu tư" Nguyễn Xuân Phú và Trần Anh Vương - những người đứng đầu doanh nghiệp đang nắm giữ lợi thế về hệ thống phân phối thực phẩm lớn và đầu tư chuyên nghiệp cho nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Phương muốn số tiền 3 tỷ đồng nhưng không muốn để ông Vương hay Phú chiếm quá nhiều cổ phần trong công ty. Nếu muốn chiếm nhiều hơn 30%, họ phải đầu tư cho startup của anh 7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Phú rất khéo léo khi thuyết phục Phương.
Ông Nguyễn Xuân Phú "vua chảo" Việt Nam thuyết phục Phương rằng: "Em nên thoát ra khỏi cái tư tưởng là mình phải nắm giữ nhiều. Em nên biết những công ty lớn như FPT hay Thế giới di động thì những người Founder người ta chỉ còn giữ chừng 5-10%.
Nếu em muốn giữ đến 80% cổ phần như thế này thì anh nghĩ là tốc độ phát triển nó sẽ rất chậm. Tiền bạc đến lúc nào đấy nó vô nghĩa, các em có thể cần 100 tỷ thôi là có thể sống thoải mái, hơn 100 tỷ dường như nó không có nhiều ý nghĩa nữa".
Một nhà đầu tư khác cũng rất tin tưởng startup của Phương sẽ làm nên chuyện.
Sau một hồi giằng co "trả giá", Phương chấp nhận mức đầu tư 4 tỷ đồng cho phép ông Phú và ông Vương nắm 36% cổ phần của công ty.
Chàng trai trẻ không hề chịu lép vế trước các nhà đầu tư.
Đây được đánh giá là thương vụ có cái kết đẹp cho chàng trai trẻ tuổi nâng giá trị thương hiệu Việt lên một tầm cao mới. Startup không hề bị "lép vế" mà còn nhanh chóng nắm bắt ý định của "cá mập" về khả năng "chịu chi"!
Anh đã hoàn thành thương vụ một cách thành công.
Nhiều người xem đánh giá Phương khá thông minh. Tin chắc rằng VietFerm sẽ có những bước phát triển dài trong tương lai vì phía sau Phương là một người mẹ rất am hiểu chuyên môn; sự đồng cam cộng khổ của người bạn đồng hành chăm lo cho việc kinh doanh - một cô em gái nhỏ luôn "nằm lòng" giá cả bán mua.