Dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em
Hôm ấy, Bruno được Trường Mầm non Hoa Cương mời đến giao lưu tiếng Anh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh nhà trường. Còn các lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em địa phương của chàng rể này là ở Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê.
Phần lớn học sinh theo học Bruno là con cháu của những nông dân nghèo ở xã Tịnh Khê. Các em không có điều kiện học ở các trung tâm ngoại ngữ nên được anh dạy miễn phí.
Nói về cơ duyên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây, Bruno bảo, sau khi theo vợ về định cư tại nơi đây một thời gian, anh nhìn thấy những đứa trẻ hiền lành nhưng sống vất vả. Ngoài giờ học, các em phải chăn trâu hay giúp mẹ làm đồng. Bọn trẻ hồn nhiên nhưng thường ngại tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là với người nước ngoài như anh.
Muốn trò chuyện với bọn trẻ, Bruno chỉ còn cách kiên nhẫn đứng ở cổng trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê vào giờ tan trường làm quen với các em. Ban đầu là ánh mắt, nụ cười, cái vẫy tay thân thiện. Sau đó, anh hỏi chuyện và ngỏ ý muốn dạy tiếng Anh.
Khó ở chỗ anh là người Pháp, tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ nên muốn giúp các em thì phải nỗ lực gấp đôi người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Thế là anh lục lại vốn tiếng Anh thời phổ thông rồi tự rèn luyện.
Ban đầu, lớp học tiếng Anh của Bruno được tổ chức đơn giản tại nhà cô Cao Thị Bích Lựu, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê. Hàng ngày, anh dạy các em cách phát âm, giao tiếp bằng tiếng Anh với người bản ngữ.
Một thời gian sau, Ban giám hiệu Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê biết được việc làm ý nghĩa của anh nên xin thành lập CLB Tiếng Anh Bruno và nhờ anh đảm trách giảng dạy cho học sinh nhà trường.
Đến nay, sau gần 3 năm, CLB Tiếng Anh Bruno ra đời, Bruno đã tổ chức riêng làm 3 lớp tiếng Anh, mỗi lớp khoảng 20 học sinh, học 3 buổi/tuần. Các em chủ yếu là học sinh đang học lớp 3, 4 và 5. Không dạy ngữ pháp theo lối mòn, trong mỗi tiết học, anh đã giúp các em có thêm kiến thức về kỹ năng nghe, nói, giao tiếp thông qua những trò chơi, bài hát vô cùng sinh động.
“Tôi biết cách dạy của mình không hề mới mà nhiều trung tâm ngoại ngữ đã áp dụng từ lâu. Thế nhưng, muốn học các lớp như vậy thì phải mất rất nhiều tiền. Trong khi đó, tôi có thể giúp các gia đình ở đây tiết kiệm một khoản tiền mà con em họ vẫn được học tiếng Anh. Xã Tịnh Khê còn nhiều trẻ em nghèo.
Tôi muốn học sinh Tịnh Khê được học tiếng Anh thuận lợi như học sinh ở các thành phố lớn của Việt Nam mà không phải mất tiền”, Bruno bộc bạch.
Cô giáo Cao Thị Bích Lựu cho biết: “Đám trẻ trong làng ban đầu còn ngại anh Bruno nhưng theo thời gian quen dần. Mỗi khi gặp nhau, Bruno thường chào bọn trẻ bằng cách đưa tay vỗ vào tay các em. Lối chào “phi ngôn ngữ” này xuất hiện khi lũ trẻ chưa học tiếng Anh và vẫn được duy trì đến bây giờ.
Người trong làng bây giờ nghe tiếng đôi tay chạm vào nhau hoặc từ xa thấy hai người chạm tay là biết ngay đó là Bruno cùng các em”.
Quê hương thứ hai
Không phải ngẫu nhiên mà Bruno chọn thôn Mỹ Lai là điểm dừng chân và xem như quê hương thứ hai của mình, để rồi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây. Với anh, mối lương duyên với chị Nguyễn Kiều Chinh (ở thôn Mỹ Lai) là bước ngoặt để anh gắn bó với mảnh đất nơi này.
Trò chuyện với chúng tôi, Bruno bảo mình từng nhiều năm phục vụ trong quân đội Pháp. Sau khi xuất ngũ, anh làm việc ở TP.Lyon. Tại đây, anh giúp nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam tìm được nơi ăn ở, làm thêm.
Năm 2007, theo lời rủ rê của những sinh viên Việt từng được anh giúp, anh sang mảnh đất hình chữ S này để du lịch, khám phá. Càng đi anh càng thấy mến người Việt Nam năng động và hiếu khách nên quyết định lưu lại lâu hơn.
Lúc đầu, anh tham gia dạy tiếng Pháp tại một trung tâm ngoại ngữ gần Hồ Tây (TP.Hà Nội) rồi vào TP.HCM tiếp tục dạy học ở Trung tâm ngoại ngữ quận Phú Nhuận. Tại nơi này, anh đã quen với cô sinh viên Nguyễn Kiều Chinh.
Trong thời gian yêu nhau, Bruno lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống ở quê người yêu - nơi được biết đến với tên gọi “làng thảm sát”, bởi từng xảy ra vụ thảm sát khi lính Mỹ giết hại 504 thường dân vô tội vào ngày 16.3.1968.
Bruno xúc động kể: “Lần đầu vào phòng trưng bày của khu chứng tích vụ thảm sát, trong ánh sáng nhợt nhạt, tôi nhìn thấy một bảng bia ghi tên người bị giết. Tên nạn nhân cứ dài nối đuôi nhau, hầu hết là người già và trẻ em, tôi thật sự sốc”.
Tiếp xúc và chuyện trò với những người từng mang nặng nỗi đau chiến tranh, Bruno dần thấu hiểu và mong muốn gắn bó với mảnh đất này. Chỉ 2 năm sau đó, Bruno quyết định rời nước Pháp, sang Việt Nam cưới Kiều Chinh và định cư lâu dài ở quê vợ.
Không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí ở Tịnh Khê, Bruno còn tham gia luyện tiếng Anh cho trẻ em ở Nhà thiếu nhi TP.Quảng Ngãi, rồi luyện nói cho sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chi nhánh ở Quảng Ngãi. Cũng từ nơi này, anh đến với chiến dịch Mùa hè xanh, đi tới những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Tơ, huyện Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau những giờ phút bận rộn công việc, Bruno thư thả chơi đàn, chăm sóc vườn nhà, tâm tình bên người vợ giữa không gian thanh bình ở làng quê Mỹ Lai. “Tôi thật sự hạnh phúc vì có người chồng giỏi giang, tốt bụng, lúc nào anh cũng lạc quan yêu đời. Anh ví quê vợ là quê hương thứ hai và đặt niềm tin tương lai những đứa trẻ nơi đây rồi sẽ tươi sáng hơn”, chị Kiều Chinh chia sẻ.
Trước khi chúng tôi ra về, Bruno bộc bạch: “Nơi đây thật ấm áp tình người. Đây là quê hương của vợ mà cũng là quê hương thứ hai của tôi”. Thật vậy, sau 8 năm có mặt ở Tịnh Khê, Bruno được người dân trong vùng xem là một cư dân chính hiệu bởi lối sống gần gũi và những việc làm ý nghĩa mà anh thực hiện mỗi ngày.
Theo ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết: “Nhờ có anh Bruno, trẻ em nơi này có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài và thực hành nói tiếng Anh được tốt hơn. Địa phương cũng tạo điều kiện thành lập CLB Tiếng Anh Bruno cho anh giảng dạy. Hy vọng, anh sẽ gắn bó và đóng góp nhiều cho trẻ em nơi này”.