Tô Quốc Duy (sinh năm 1992, Phú Yên) tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế nội thất, trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Hiện tại anh đang là một nhiếp ảnh gia tự do và quản lý hình ảnh cho công ty LaMiTi Media & Event.
Bỏ nghề, thất nghiệp rồi trở thành nhiếp ảnh gia vì "ghét"
Duy chia sẻ, ước mơ từ nhỏ của anh là trở thành một nhà Thiết kế thời trang nhưng do hoàn cảnh gia đình và điều kiện không cho phép nên đã phải theo học Thiết kế nội thất.
4 năm học đại học, anh không hề nghĩ đến đam mê, sở thích cá nhân mà chỉ cố gắng đi học – đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cho đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, anh mới bắt đầu đặt cho mình một câu hỏi: "Bây giờ phải làm gì tiếp theo?"
Duy đi làm nhân viên văn phòng theo đúng chuyên môn đã học. Thế nhưng sau 1 năm làm nghề, anh chợt nhận ra bản thân hoàn toàn không phù hợp với công việc. Anh quyết định nghỉ việc, từ bỏ chỗ làm ổn định đó và rơi vào cảnh thất nghiệp.
Duy quyết định nghỉ việc, từ bỏ công việc ổn định và rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Đúng là cái nghề nó chọn mình. Mình chưa bao giờ nghĩ và cũng chưa bao giờ có dự định sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia. Thậm chí thời đại học, thầy giáo hỏi "bạn nào không thích học môn nhiếp ảnh có thể giơ tay và tôi sẵn sàng cho 8 điểm qua môn", mình là một trong số ít những người đã giơ tay.
Ghét của nào trời cho của đó. Mình vô tình nhận được lời mời chụp lookbook cho một vài nhãn hàng với tư cách là người mẫu, dần dần làm quen với ống kính, với ánh đèn rồi bỗng dưng mê luôn cái máy ảnh lúc nào không hay. Từ việc làm mẫu tạo dáng cho người khác chụp, mình dần chuyển qua chụp cho người khác.
Khách hàng đầu tiên cũng chính là những người bạn thân của mình (mình còn giỡn là chuột bạch thí nghiệm). Sau khi đăng những tấm hình đầu tiên lên trang cá nhân, mình bắt đầu có khách vào hỏi chụp. Có thể nói, nghề nhiếp ảnh đến với mình tình cờ như thế", anh trải lòng.
Tình cờ, Duy tiếp xúc với nhiếp ảnh và gắn bó luôn với nó
Thế nhưng sau khi bỏ việc, trở thành nhiếp ảnh gia, Duy đã khiến bố khó chịu và không nói chuyện với anh một thời gian dài. Để thuyết phục bố mẹ, Duy đã khéo léo thuyết phục họ chụp ảnh kỉ niệm. Nhìn những bức ảnh đẹp được chụp bởi con trai, bố mẹ Duy đã đồng lòng ủng hộ anh theo nghề.
Duy tâm sự rằng, nhiều người hỏi "sao không chụp cho người nổi tiếng hay cộng tác với một ekip nào đó để dễ thành công và nhiều người biết đến hơn" nhưng anh cho rằng, bản thân muốn khám phá những con người bình thường hơn, muốn hướng dẫn và muốn khai phá những tính cách ẩn bên trong họ hơn là những người đã biết diễn, đã nổi tiếng. Thế nên đại đa số khách hàng của anh là những người bình thường và chưa một lần tiếp xúc với ống kính.
"Họ tìm đến mình không phải vì vài tấm hình để sống ảo trên mạng xã hội. Họ tìm mình vì họ muốn ghi lại khoảnh khắc tươi đẹp, cũng như muốn khai phá con người khác mà họ đang sở hữu".
Bị hăm dọa khi bị quỵt 10 triệu đồng, hoảng sợ khi được gạ "vui vẻ"
Dù là rẽ ngang sang nghề nhiếp ảnh nhưng Duy luôn coi công việc này là một "cần câu cơm" hoàn toàn nghiêm túc. Thế nhưng vô số những trải nghiệm nhớ đời mà anh trải qua, càng khiến cho anh thêm thấm thía về những vất vả, gian nan của nghề.
Có lần Duy làm dự án hình ảnh cho một cô gái chuẩn bị đi thi một cuộc thi sắc đẹp lớn. Vì muốn hỗ trợ chứ không vì mục đích tiền bạc nên anh đã cố gắng hết sức để mang đến cho cô gái đó một hình ảnh tốt nhất khi đến với cuộc thi.
Nhưng khi tiến sâu hơn vào các vòng thi thì cô gái đó lại tìm kiếm một ekip chuyên nghiệp hơn. Duy đồng ý và vui vẻ chấp nhận nhưng điều khiến anh buồn là việc cô gái đó sử dụng những hình ảnh do anh thực hiện và thông tin rằng hình ảnh là do một ekip khác làm.
Những trải nghiệm nhớ đời mà Duy trải qua, càng khiến cho anh thêm thấm thía về những vất vả, gian nan của nghề
Còn chuyện bị quỵt tiền, gạ tình là chuyện cơm bữa trong cái nghề. Lúc đầu Duy còn thấy sợ, buồn, khóc vì ức nhưng rồi cũng quen bởi theo anh, làm nghề nào quen nghề đó, có dám đối diện thì mới thành công được.
"Lần mình bị quỵt tiền lớn nhất là 10 triệu đồng. Có một cặp vợ chồng trẻ ở quê book chụp hình cưới, số tiền ban đầu là 20 triệu, họ đưa trước cho mình 50%. Ban đầu họ nói chuyện rất dễ thương, mình cũng hào hứng nên mới về quê để chụp.
Trong hai ngày chụp họ cũng thoải mái dễ chịu lắm nhưng đến hôm giao hình thì họ bắt đầu than thở là đang gặp chuyện đang khó khăn. Mình cũng ráng cho họ nhận abum và tất cả hình ảnh liên quan. Sau khi lấy được hình thì họ quay sang nói mình làm thế này không đúng, thế kia không đúng…
Dù mình có giải thích cho họ nghe tất cả, nhưng khi họ đuối lý thì đã chuyển sang "chế độ im lặng", lảng tránh không nghe điện thoại. Cuối cùng đỉnh điểm khi mình làm căng thì họ cho người lên nhà mình hăm doạ. Mình không muốn chuyện gì xảy ra và không muốn bố mẹ lo lắng nên đành chịu mất số tiền 10 triệu đồng đó và coi như là một bài học nhớ đời.
Có lần Duy bị quỵt 10 triệu đồng, thậm chí còn bị hăm dọa.
Hay có lần khác thì bị khách hàng gạ tình đến độ hoảng sợ.
Hoặc như chuyện bị gạ tình nửa năm trước. Mình nhận được khá nhiều lời đề nghị chụp nude nam nhưng mình từ chối vì từ trước giờ chỉ chụp cho nữ. Có lần, một anh khá thư sinh, lịch sự đề nghị chụp beauty. Sau khi mình đưa giá cả thì anh đó chịu trả gấp đôi miễn hình ảnh đẹp.
Lúc đầu mình cũng không suy nghĩ gì nên nhận lời, đến lúc chụp thì anh đó sắp xếp chụp tại một cái khách sạn khá sang trọng. Sau khi chụp được một tiếng thì anh đó ngỏ lời muốn chụp bán nude, mình cũng đồng ý. Chụp thêm hơn nửa tiếng nữa thì anh đó nói mình kêu bạn makeup ra ngoài ngồi đợi vì thấy ngại, không diễn được.
Lúc này anh đó mới nói thẳng là muốn chụp ảnh nude và muốn "vui vẻ" với mình, sẽ trả thêm tiền cho mình nếu mình nhận lợi. Mình hoảng sợ quá liền nhắn cho bạn makeup lên phòng "ứng cứu", rồi lấy cớ xin phép đi về luôn. Đó cũng là lý do mình không bao giờ nhận hình chụp nude cho nam".
Bỏ công việc ổn định, rẽ ngang sang nghề nhiếp ảnh và gặp vô số tình huống bi hài trong nghề, Duy vui vẻ cho biết đây là công việc mang lại cho anh nhiều hứng khởi và sẽ gắn bó với nó lâu dài.
Ảnh: NVCC