Chằng hàng từ quê về nhà thế nào để không bị phạt vì chở hàng cồng kềnh?

Quang Hiếu |

Luật giao thông Việt Nam quy định cụ thể về kích thước hàng hóa được phép chở trên xe.

Sau nhiều ngày nghỉ lễ, nhiều người và gia đình sẽ di chuyển về nhà để chuẩn bị đi làm trở lại. Có không ít người lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển vì có thể chủ động về thời gian và tốc độ. Cũng bởi sử dụng phương tiện cá nhân, nhiều người cũng sẽ mang theo đồ hoặc hàng theo.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo đúng luật, người tham gia giao thông cần nắm được quy định về hàng hóa cồng kềnh, quá khổ để tránh bị phạt. 

XE MÁY CHỞ HÀNG THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ PHẠT?

Chằng hàng từ quê về nhà thế nào để không bị phạt vì chở hàng cồng kềnh?- Ảnh 1.

Người đi xe máy chở hành lý cần lưu ý về kích thước. Ảnh: Báo Tổ Quốc

Căn cứ theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy như sau:

"Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét."

Cần lưu ý rằng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất trên xe mô tô, xe gắn máy được hiểu là một loại baga chở hàng; kích thước của chi tiết này được tính từ mép hai bên hông và mép sau của baga. Vậy, nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá các quy định nêu trên thì sẽ bị coi là chở hàng cồng kềnh.

Hành vi chở hàng cồng kềnh bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu: "Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác."

Ngoài phạt hành chính, người lái xe còn có thể bị tước bằng từ 2 tháng đến 4 tháng khi chiếu theo tại khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Ô TÔ CHỞ HÀNG THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ PHẠT?

Xe con có được chở hàng trên giá nóc?

Người sử dụng ô tô có thể có nhu cầu mang nhiều hành lý, dẫn đến việc phải chằng buộc thêm trên nóc xe. Tuy nhiên, để được chở đồ trên nóc thì sẽ cần tới xe có sẵn giá nóc. Nếu như xe không có giá nóc từ nguyên bản thì người sử dụng xe khi lắp thêm cần phải đăng ký cải tạo xe với cơ quan đăng kiểm.

Chằng hàng từ quê về nhà thế nào để không bị phạt vì chở hàng cồng kềnh?- Ảnh 2.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông.

Hàng hóa khi đặt trên nóc nhất thiết phải được xếp đặt gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không được vượt quá tải trọng thiết kế. Về kích thước, hành lý không được phép vượt qua chiều dài và rộng của xe. Tuy nhiên, văn bản luật pháp chưa quy định về chiều cao với hành lý đặt trên nóc, nhưng để đảm bảo an toàn giao thông thì chủ xe không nên chở quá cao.

Theo Nghị định 100/2019, nếu hành lý hoặc hàng hóa vượt kích thước bao ngoài của xe (về chiều dài và chiều rộng) thì người điều khiển có thể bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Một điều cần lưu ý là nếu như hành lý đặt trong cốp có kích thước quá khổ khiến cho cốp xe không thể đóng chặt thì người lái cũng có thể bị phạt. Điều 72 Luật giao thông đường bộ 2008 có nêu rằng hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi, không chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe.

Xe bán tải chở hàng thế nào để không bị phạt?

Chằng hàng từ quê về nhà thế nào để không bị phạt vì chở hàng cồng kềnh?- Ảnh 3.

Người lái xe cần lưu ý tổng trọng lượng xe.

Bên cạnh các mẫu xe con, xe bán tải cũng hay được sử dụng khi cần chở nhiều hành lý. Tuy nhiên, người lái xe cần lưu ý quy định về kích thước hành lý để không bị phạt. 

Theo Thông tư 46/2015 của Bộ Giao thông Vận tải, hành lý đặt trên thùng sau xe bán tải không được vượt quá 2,5 tấn, có chiều dài không quá 1,1 lần chiều dài xe, chiều rộng không được vượt kích thước thùng xe, và chiều cao không quá 2,8 mét.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 24 Nghị Định 46/2016/NĐ-CP thì người điều khiển vi phạm kích thước tối đa có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại