Vừa sinh ra đã được coi là mầm họa
Tiêu hoàng hậu là một thành viên của hoàng tộc Tây Lương, là một công chúa của Lương Minh Đế - hoàng đế của nước Tây Lương.
Song nước Tây Lương là chư hầu của Bắc Chu và sau đó là nhà Tùy cho nên có thể nói hai bên chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.
Bà sinh vào tháng 2 âm lịch mà theo phong tục Giang Nam thì sinh vào tháng 2 âm lịch là điều không tốt lành.
Lương Minh Đế do tin vào điều mê tín này nên đã trao bà cho em họ là Đông Bình vương Tiêu Ngập nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, do Tiêu Ngập đã qua đời vào năm 566, bà được chuyển cho cữu phụ Trương Kha.
Do Trương Kha có gia cảnh bần hàn nên ngay từ bé, Tiêu thị đã phải làm lụng vất vả, không được hưởng vinh hoa phú quý như một cách cách.
Sau đó, Lương Minh Đế về phe Tùy Văn Đế trong cuộc nội chiến vào năm 580 chống Uất Trì Huýnh. Tùy Văn Đế ngỏ ý muốn cưới một công chúa của Tây Lương cho hoàng tử của mình là Tấn vương Dương Quảng.
Tây Lương Minh Đế đã mời thầy bói xem mệnh của công chúa trong cung, song thầy bói nói là không ai hợp số.
Tây Lương Minh Đế bất đắc dĩ đưa con gái năm xưa đã từng chối bỏ hồi cung, và thầy bói nói quẻ của nàng đại cát, vì thế bà được gả cho Dương Quảng.
Tiêu thị trở thành chính thất của Dương Quảng, được phong làm Tấn vương phi năm 9 tuổi.
Ảnh minh họa.
Người ta cho rằng Lương Minh Đế gả con gái đi với hai mục đích: một là vì nàng quá đẹp, đẹp kể cả khi còn là một cô công chúa nhỏ nhưng lại mang vận mệnh tai ương nên phải đẩy đi trừ hậu họa, hai là vì chính cái sự tai ương trong tướng số đó của Tiêu thị, biết đâu có thể làm nhà Tùy tan tác - điều mà ông mong muốn từ lâu.
Quẻ bói vận vào người, một loạt những biến cố ập đến nhanh chóng
Dương Quảng nghe nói đến quẻ bói của Tiêu thị có 4 chữ "mẫu nghi thiên hạ" thì mừng trong lòng. Nếu tương lai nàng trở thành hoàng hậu thì Dương Quảng lên ngôi là lẽ đương nhiên.
Sách sử ghi rằng, Tiêu vương phi tính tình hòa thuận, hiếu học, dung mạo xinh đẹp có cả tài xem vận mệnh.
Tùy Văn Đế hài lòng với bà, còn Dương Quảng sủng ái và tôn trọng bà.
Hơn nữa, để làm hài lòng mẹ là Độc Cô hoàng hậu (không ưa người nào có nhiều tiểu thiếp), Dương Quảng mặc dù có một số người thiếp song cũng cố gắng hài hòa các mối quan hệ.
Cuối cùng, Tùy Văn Đế phế truất đại huynh của Dương Quảng là Dương Dũng khỏi vị trí Thái tử vào năm 600, đưa Dương Quảng lên thay thế. Do đó, Tiêu vương phi trở thành thái tử phi.
Và sau cùng, khi vua Tùy và hoàng hậu băng hà thì Dương Quảng lên ngôi, lấy hiệu Tùy Dạng Đế, Tiêu thị chính thức trở thành mẫu nghi thiên hạ.
Vế đầu của 8 chữ cái trong lá số tử vi năm nào đã ứng nghiệm, và đây cũng là thời điểm vế sau bắt đầu linh ứng.
Ngay sau khi lên ngôi, Dạng Đế đã sống xa hoa, trong cung có hàng vạn cung nữ. Tuy vậy, Dạng Đế vẫn duy trì sự tôn trọng dành cho Tiêu hoàng hậu, phong nhiều người thân của bà làm quan trong triều.
Tuy nhiên, hai con của bà là Thái tử Dương Chiêu đã qua đời vào năm 606, còn Dương Giản để mất sủng ái của Dạng Đế vào năm 608 do dùng bùa chú gây hại cho các nhi tử của Dương Chiêu.
Tiêu hoàng hậu thường tháp tùng Tùy Dạng Đế đi tuần thú khắp nơi. Khi nhận thấy phu quân trở nên bạo chính Tiêu thị đã viết Thuật chí phú với lời lẽ thận trọng để khuyến nghị Dạng Đế thay đổi.
Dạng Đế vẫn tiếp tục đắm chìm trong tửu sắc khiến các vị đại thần trong triều không ưng thuận, bắt đầu nhen nhóm ý định tạo phản.
Trong đó nổi bật nhất chính là Vũ Văn Hóa Cập, người không chỉ dòm ngó ngôi vua mà còn " thèm muốn " chiếm lấy cả Tiêu Hoàng hậu xinh đẹp.
Và chuyện gì đến cũng đến, trong một lần khởi binh, Vũ Văn Hóa Cập đã giết chết Dương Quảng, chiếm lấy ngôi vua và ép Tiêu Hoàng hậu phải làm thiếp cho mình. Từ đó Tiêu thị đến với đời chồng thứ 2.
Lúc bấy giờ, dù chiếm được ngôi vua Tùy nhưng dưới sự bành trướng của đội quân đang làm mưa làm gió tại Trung Nguyên do Đậu Kiến Đức cầm đầu thì Vũ Văn Hóa Cập cũng đành chịu thua.
Sau những bại trận dưới tay Đậu Kiến Đức, Vũ Văn Hóa Cập đành lùi về huyện Thủ Nguyện, vẫn xưng vương nhưng đổi Tiêu Hoàng hậu thành Thục phi.
Tuy nhiên, cuối cùng Thủ Nguyện vẫn bị đánh chiếm, Vũ Văn Hóa Cập một lần nữa phải bỏ chạy, dẫn theo Tiêu thị về Liêu Thành.
Nhưng không lâu sau, cả Tiêu Thành cũng bị Đậu Kiến Đức tiêu diệt, Vũ Văn Hóa Cập không tránh khỏi cái chết. Một lần nữa, Tiêu thị lại mất đi người chồng thứ 2.
Ngỡ tưởng cuộc đời cũng sẽ bị kết liễu khi bà rơi vào tay giặc nhưng lạ thay, Đậu Kiến Đức vừa vung gươm đòi chém đã bị chặn lại bởi ánh mắt cùng sắc đẹp mặn mà, sắc sảo của người đàn bà đã 2 đời chồng.
Cuối cùng, Tiêu thị lại được Đậu Kiến Đức thu nạp, hơn nữa còn trở thành hoàng phi và khiến ông cưng chiều hết mực.
Quẻ bói năm nào vẫn còn vế sau "mệnh đới đào hoa". Quả thật đường tình duyên của nàng Tiêu thị vốn xinh đẹp lại hiền lương nhưng truân chuyên, trắc trở.
Mặc dù luôn muốn tốt cho người đàn ông của đời mình nhưng dường như đã trở thành "quy luật", bất cứ ai dính dáng đến Tiêu thị đều có kết cục không tốt đẹp.
Đậu Kiến Đức một thời gian sau thì chẳng khác nào Dương Quảng năm xưa, suốt ngày mê đắm trong sắc đẹp của Tiêu thị rồi bỏ bê việc triều chính, quên luôn cả giấc mộng chinh phục Trung Nguyên. Và rồi thế lực của Đậu Kiến Đức suy yếu dần.
Ảnh minh họa.
Lúc này, thế lực của người Đột Quyết ở phương Bắc bỗng dưng lớn mạnh, và đang thao túng cả Trung Nguyên.
Thủ lĩnh của người Đột Quyết - Khả Hãn có hôn ước với em gái của Dương Quảng, tức là Nghĩa Thành công chúa, em chồng đầu tiên của Tiêu thị.
Vì vậy vị công chúa này đã sai người đến đón Tiêu thị tránh khỏi can qua. Trước thế lực hùng mạnh của người Đột Quyết, Đậu Kiến Đức cũng răm rắp nghe theo, đành ngậm ngùi chia tay Tiêu thị.
Và thật không ngờ, ngay sau khi đến với xứ sở của người Đột Quyết, Tiêu thị đã làm xao xuyến biết bao nhiêu con tim.
Qua tay 3 người đàn ông, Tiêu thị không những không già nua xấu xí mà còn quyến rũ muôn phần.
Và chính bằng nhan sắc và khí chất bẩm sinh này, Tiêu thị tiếp tục trở thành sủng phi của người chồng thứ 4 - Xử La Khả Hãn, sau đó là người chồng thứ 5 – Hiệt Lợi Khả Hãn.
Cả hai người đàn ông này đều là vua của cả một tộc người Đột Quyết.
Số phận chưa ngừng trêu đùa với người đàn bà lận đận. Trải qua 10 năm sống yên bình ở tộc người Đột Quyết, quân của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đánh bại người Đột Quyết.
Tiêu thị cũng nhờ vậy mà có cơ hội được hồi hương.
Cuộc gặp gỡ định mệnh và người chồng quân vương thứ 6
Sau khi Tiêu thị được trở về quê hương, một lần tình cờ, bà được chạm mặt hoàng đế Lý Thế Dân. Lúc này vị vua nhà Đường mới 33 tuổi còn nàng Tiêu thị đã chuẩn bị sang tuổi ngũ tuần.
Ở cái tuổi mà xuân xanh không còn, lão hóa toàn thân chứ đừng nói gì đến khuôn mặt. Ấy vậy mà Tiêu thị vẫn làm mê đắm lòng người với sắc đẹp trời cho.
Đấng quân vương bị "bại trận" trước người đẹp. Không bận lòng khoảng cách tuổi tác, Lý Thế Dân đưa ngay Tiêu thị vào cung phong làm Chiêu dung.
Ảnh minh họa.
Lý Thế Dân còn tổ chức một bữa tiệc xa hoa chào đón nàng. Hoàng đế cho thắp đèn sáng rực khắp cung điện, ca nữ đàn hát cả ngày, bàn tiệc bày đầy cao lương mỹ vị.
Lúc này, hoàng đế Lý Thế Dân mới hỏi Chiêu Dung rằng: "Ngươi thấy cảnh tượng hôm nay thế nào so với Tùy cung năm xưa?".
Tùy đế Dương Quảng (chồng đầu của Tiêu thị) vốn nổi tiếng ăn chơi xa hoa, khung cảnh này so với Dương Quảng năm xưa đã là gì.
Thế nhưng đấy là nghĩ để trong lòng, chứ ngoài miệng nàng vẫn khôn khéo đáp: "Bệ hạ là Hoàng đế khai quốc, sao lại đem mình đi so sánh với một vị vua làm mất nước?".
Lý Thế Dân nghe vậy liền rất mực hài lòng và thêm sủng ái Tiêu Chiêu Dung.
Mặc dù sống trong hậu cung nổi tiếng lắm mưu nhiều kế nhưng với sự khôn khéo thông minh cộng vào nhan sắc và kinh nghiệm từ 5 đời chồng trước đã giúp Chiêu Dung sống trọn những năm tháng an ổn bên Lý Thế Dân.
Cuối cùng, mệnh trời cũng đã định, Tiêu thị đã làm tròn vế sau quẻ bói 8 câu năm nào: "Mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa" khi trải qua 6 đời chồng.
Năm 648, sau 18 năm sống bình yên trong hậu cung nhà Đường, Tiêu Chiêu Dung qua đời ở tuổi 67.
Cái chết của Tiêu thị đã chấm dứt cuộc đời của một hồng nhan mang gánh phần số tai ương, mà lịch sử Trung Hoa phong kiến nói riêng và cả thế giới cổ đại nói chung, khó có một người thứ hai.
(Tổng hợp)