"Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện cơm bữa ở đoàn phim"

Cao Thanh Hương |

"Có những phim đóng xong bao nhiêu năm vẫn không nhận được lương, mà lúc quay thì dí tiến độ thức khuya dậy sớm. Ai cũng sợ nói vì nói ra thì bị cô lập", diễn viên Trọng Hiếu bức xúc.

Chuyện bất cập trong nghề làm phim ở xứ ta, ai cũng thấy nhưng ai cũng ngại nói vì sợ đụng chạm, có khi còn bị ghét rồi mất luôn cả miếng cơm manh áo. Bởi vậy, những chia sẻ của diễn viên Trọng Hiếu về thực trạng này, cả tôi và anh đều cho rằng, đây là một việc làm "liều lĩnh".

Dù vậy thì đã đến lúc, chúng ta không nên "chạy trốn" cái xấu mà cần đối diện với nó một cách thẳng thắn, mạnh mẽ để "cải tạo" nó cho đẹp đẽ hơn.

"Phụ hồ cũng không làm 20 tiếng 1 ngày nhưng đó là chuyện bình thường ở đoàn phim"

Tôi nhớ có lần diễn viên Đào Vân Anh chia sẻ trên facebook về một tình huống hết sức éo le khi đi làm phim. Đào Vân Anh phải đóng cảnh nóng với một ông xe ôm mà nhà sản xuất chạy ù đi kiếm gấp... Đau đầu hơn, nó lại là cảnh nhất định phải đụng chạm cơ thể. Thế mới thấy, chuyện làm phim ở xứ ta có nhiều điều khôi hài?

Nhà sản xuất muốn tiết kiệm chi phí, không thuê diễn viên chuyên nghiệp nhưng đôi khi lại... tính già hóa non. Tôi ví dụ, thuê một người ở đâu đó vô đóng với mức giá 200.000 đồng. Họ không làm được cũng vẫn phải trả tiền. Chừng 5 người là mất 1 triệu.

Trong khi diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ giá đó, họ làm gọn lẹ, không mất thời gian, không đội chi phí của đoàn. Vì rõ ràng, chỉ cần 1 ngày đoàn xuất quân ra hiện trường là mất mấy chục triệu rồi.

Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện cơm bữa ở đoàn phim - Ảnh 1.

Diễn viên Trọng Hiếu trên phim trường.

Có nhiều nghịch lý lắm. Không có một quốc gia nào trên thế giới, diễn viên đi đóng phim phải tự lo trang phục cho vai diễn như ở Việt Nam. Rất rất ít phim có stylist.

Nhiều người hiểu, làm phục trang nghĩa là ủi đồ, thay đồ cho diễn viên. Không phải vậy. Phục trang cho phim là người phải nhớ rắc-co nhân vật, phải làm sao cho khán giả hiểu được nhân vật đó là chính diện, phản diện, giàu có, nghèo nàn, du côn hay ả giang hồ gái điếm qua bộ trang phục mà họ mặc.

Còn bây giờ, diễn viên cảm thấy cái nào mặc được thì mang đi nên khi nhìn vào một bộ phim, chúng ta thấy phục trang bị... lung tung. Ngoại trừ phim cổ trang, còn phim tâm lý xã hội, tôi chưa từng thấy đoàn phim nào có stylist mà toàn diễn viên tự lo đồ.

Chỉ có ở Việt Nam, lương diễn viên nhận đã bao gồm tiền tự lo phục trang cho vai diễn. Thế nên, nhiều diễn viên than rằng, ký lương vai diễn không được bao nhiêu mà tiền sắm đồ đã hết 50, 60% cát xê rồi.

Có lần tôi đi nhậu với một diễn viên đóng phim "Hoa trong bão". Trong phim anh ấy phải mặc toàn đồ vest, sắm đồ hết 50% lương. 50% lương còn lại dành cho di chuyển trong suốt quá trình quay, thì thử hỏi, diễn viên làm mấy tháng trời cầm được bao nhiêu tiền cho vai diễn đó!

Nhưng khổ một điều là không ai phá vỡ được nghịch lý đó. Diễn viên chỉ cần nói, với mức lương đó, không lo được phục trang thì nhà sản xuất nói ngay "tao mời người khác, diễn viên xếp hàng vô khối chờ đi làm". Vậy là thua.

Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện cơm bữa ở đoàn phim - Ảnh 3.

Người làm nghề diễn viên rất cần được bảo vệ như mọi người lao động ở các ngành nghề khác.

Vấn đề là, diễn viên ở Việt Nam đang bị... quá tải nên mới dẫn tới sự cạnh tranh rồi phá giá như thế. Giá nào họ cũng làm và làm một cách dễ dãi nên nhà sản xuất mới được nước lấn tới?

Tôi nói thật, bởi vì ở Việt Nam không có Hiệp hội bảo về người làm nghề, trong khi trên thế giới, ngành nghề nào cũng có. Diễn viên có quyền đòi hỏi quyền lợi cho công sức lao động của mình như bất cứ ngành nghề nào. Nhưng ở Việt Nam thì không.

Diễn viên, anh em hiện trường, ánh sáng... làm từ 8h sáng hôm nay tới gần sáng hôm sau là bình thường. Người làm phụ hồ cũng không làm thời gian như thế. Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện "cơm bữa" ở đoàn phim. Nhà sản xuất ép tiến độ, cắt ngắn thời gian sản xuất để giảm chi phí.

Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cũng không có. Đã từng có nhiều anh em đi làm phim, bị chết, bị tai nạn thương tật vĩnh viễn... thế nên nhiều lúc diễn viên sợ đóng cảnh nguy hiểm. Bởi cát xê không bao nhiêu, lỡ mà bị ngã, bị thương tật... thì ai lo cho mình. Bởi vậy anh diễn viên bị nhát.

Đó là điều bất cập vô cùng. Không có hiệp hội nào bảo vệ cho người làm nghề diễn viên. Còn rất nhiều chuyện khác, ăn uống trên phim trường cũng thế. Mọi người thấy hào nhoáng thế nhưng đâu có hiểu, anh em làm phim thức đêm thức hôm, cầm cốc mì gói ăn là chuyện bình thường.

Thật sự là diễn viên sống và làm nghề rất khó khăn, chật vật. Chẳng ai giàu vì đóng một bộ phim cả.

Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện cơm bữa ở đoàn phim - Ảnh 4.

Chuyện nhà sản xuất quỵt tiền lương diễn viên xảy ra như cơm bữa nhưng không một cơ quan, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ họ.

Chỉ diễn viên Việt Nam mới tối ngày lên facebook bán hàng online, kem trộn, son phấn...

Nhưng ở nước ngoài, lương đóng một phim có khi đủ cho diễn viên ăn tiêu thoải mái cả chục năm?

Ở nước ngoài, diễn viên được coi trọng. Họ được trả xứng đáng cho công sức lao động mà họ bỏ ra. Tôi từng qua Thái làm cho một hãng phim, nhìn ê-kíp làm phim của họ mà chạnh lòng cho ê-kíp làm phim xứ mình. Ê-kíp làm phim của họ lớp lang đầy đủ.

Diễn viên rất sướng, đi làm chỉ việc mang người không tới quay. Ở đoàn phim, có stylist. Trong thời gian chờ đọc kịch bản, có ghế ngồi đàng hoàng, được ăn uống, chăm sóc đầy đủ. Họ tạo điều kiện cho diễn viên thư giãn, thoải mái hết sức có thể để làm nghề tốt nhất, không căng thẳng bất cứ điều gì.

Còn ê-kíp làm phim của Việt Nam, một người ôm công việc của 2, 3 người vì cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí. Đã vậy còn đòi nhanh thì làm sao bộ máy trơn tru được.

Tôi vẫn hay nói vui là "cơ chế nó phải thế" nhưng thật sự rất buồn. Và theo tôi, thực trạng này sẽ còn kéo dài rất lâu. Vì thực chất, diễn viên không có tiếng nói. Nói ra còn bị nhà sản xuất ghét, không làm nghề được. Chưa kể, nói ra liệu có thay đổi được gì không. Vì ai cũng nghĩ thế, sợ thế nên im cho xong, im cho yên mà làm nghề.

Bởi vậy mà các nhà sản xuất được thế, o ép anh em ê-kíp, diễn viên. Họ bảo "làm thì làm, không làm thì thôi, tôi kêu người khác". Lương thấp, mình không chịu thì họ bảo "tôi còn đống người đi giá đấy". Không có hiệp hội bảo vệ cho người diễn viên thì anh em làm nghề còn khổ.

Chẳng có ai làm 20 tiếng một ngày cả nhưng đó lại là chuyện cơm bữa ở đoàn phim - Ảnh 6.

Mọi người chỉ biết đến vẻ hào nhoáng của nghề diễn viên mà ít ai hay sự cực khổ, vất vả... thậm chí thiệt thòi mà họ phải chịu.

Vậy vai trò của Hội điện ảnh để đâu?

Hội điện ảnh chẳng giúp ích gì cho diễn viên. Hàng năm, mọi người đóng tiền vào, gặp mặt 1,2 lần ăn nhậu rồi thôi, không bảo vệ quyền lợi gì cho anh em làm nghề.

Nhà sản xuất quỵt tiền diễn viên vẫn xảy ra hàng ngày. Trên facebook nhà sản xuất và diễn viên vẫn đấu đá nhau, thậm chí livestream chửi bới vì giật tiền nhưng những vụ đó đều chìm xuồng hết. Hội Điện ảnh đâu có đứng ra giải quyết. Diễn viên cũng ngậm bồ hòn, không lấy được tiền thì chịu.

Có những phim đóng xong bao nhiêu năm vẫn không nhận được lương, mà lúc quay thì dí tiến độ thức khuya dậy sớm, đổ công đổ sức vào làm, phim chiếu xong cũng chẳng trả tiền. Ai cũng sợ nói vì nói ra thì bị cô lập. Dẫu có ca thán cũng chẳng ai để ý đến.

Chẳng có quốc gia nào mà diễn viên tối ngày lên facebook bán hàng online, kem trộn, son phấn... như ở Việt Nam cả. Họ là diễn viên hạng A luôn. Có người làm vì không có thu nhập nhưng cũng có người làm vì bán hàng online nhiều tiền hơn đóng phim.

Nhìn họ, tôi thấy buồn chứ không đả kích. Họ có quyền kiếm tiền. Họ không sống được bằng nghề nên phải đi làm công việc khác. Đau hơn là những công việc khác đẻ ra tiền để họ lấy tiền đó nuôi nghề. Rất bất hợp lý.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại