Ca sĩ – diễn viên lồng tiếng Quốc Uy tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, khóa 15 cùng lớp với ca sĩ Hạnh Nguyên, Lệ Thi (con gái danh ca Chế Linh).
Quốc Uy vốn sinh hoạt trong Đội ca Nhà thiếu quận 8 từ nhỏ. 18 tuổi, anh đã đi hát cho bầu show Duy Ngọc, ông bầu tiếng tăm một thời ở Sài Gòn mà không một ngôi sao ca nhạc nào chưa từng "qua tay".
Sau gần 20 năm theo nghiệp cầm ca, vì bị nhạc sĩ Tuấn Khanh hiểu lầm, Quốc Uy buồn nghỉ hát và dạy thanh nhạc tại nhà. Học trò của anh rất đông, trong đó phải kể tới Tim, Minh Hằng từ những ngày đầu chập chững vào nghề.
Cũng từ đây, cuộc đời Quốc Uy rẽ lối sang một con đường hoàn toàn khác, trở thành diễn viên lồng tiếng. Do đặc thù công việc ở sau màn ảnh nên khán giả không nhiều người biết tới Quốc Uy nhưng trong giới voicebiz, anh là cái tên được nhiều người nể phục vì tài năng và cả cái tâm với nghề.
Từ nhiều năm nay, giọng nói đặc trưng và riêng biệt của NSND Việt Anh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Trung Dân, Mai Huỳnh, Hoàng Sơn, Mai Sơn thậm chí cả Nguyễn Chánh Tín mà mọi người vẫn thường nghe được trên màn ảnh, chính là do Quốc Uy "phù phép" chuyển giọng.
Cuộc trò chuyện mới đây với "gã phù thủy" của giới lồng tiếng phim đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trong sự thích thú và nể phục.
Quốc Uy trong phòng lồng tiếng (ảnh trong bài do NVCC)
Từng kiếm hơn 2 chỉ vàng 1 ngày, xâu vàng thành chuỗi dài nửa mét
Anh xuất thân là ca sĩ, từng có gần 20 năm đi hát. Thời kỳ đó như thế nào, anh Quốc Uy?
Tôi đi hát từ năm 11, 12 tuổi, hát từ tiệc cưới, quán bia ôm tới Nhà hát Hòa Bình, rồi làm cả MC. 18 tuổi tôi đã đi hát cho ông bầu Duy Ngọc. Ca sĩ Đoan Trường khi đó là biên tập chương trình ca nhạc ở các quán bar nổi tiếng ở Sài Gòn. Tôi kiếm tiền nhiều lắm. Chỉ riêng hát cho anh Đoan Trường đã rất nhiều tiền rồi.
2 giờ trưa một show, chiều làm tiệc cưới, tối chạy show từ quán bar tới vũ trường. Mỗi ngày tôi kiếm hơn 1 triệu đồng như chơi mà hồi đó, vàng chỉ có 450.000 đồng 1 chỉ.
Cho nên tôi mua rất nhiều vàng, dùng sợi dây kẽm xâu lại, dài có khi tới nửa mét rồi đưa bạn gái giữ. Tôi mê xe, bán hết vàng đi còn phải bù thêm tiền mới mua được xe. Hồi đó xe dream rất đắt, 5-7 cây vàng một chiếc. Cho nên giàu thì không giàu, mình chỉ không túng thiếu thôi.
Tiền vàng kiếm nhiều như vậy mà không giàu. Tôi hỏi thật, anh có ăn chơi không?
Tôi thuộc tuýp người khó tính trong nghệ thuật và nghiêm túc trong đời sống. Cho nên một tháng, tôi chỉ đi chơi vài lần. Mọi người mời gọi nhiều tới nỗi tôi phải đổi cả số điện thoại.
Cũng vì thế mà tôi bị nói, tên tuổi chưa là gì đã chảnh. Nhưng họ kỳ lắm, mỗi lần rủ đi chơi là bắt mình bỏ cả việc để chơi. Họ bắt mình chơi cả ma túy, thuốc lắc. Tôi sợ nên phải tuyệt giao.
Không chỉ là bạn bè trong giới mà còn những vị đại gia, Việt kiều ái mộ mình nữa. Mỗi lần đi chơi là đi từ tăng 1 tới tăng 3. Đi chơi với họ, họ còn cho mình thêm tiền để bù cho việc mình không đi hát được.
Tôi biết là họ thương nhưng kiểu thương đó sẽ hại mình. Bởi tôi nghĩ, mình cứ bỏ việc đi chơi, mai mốt họ không nhậu nữa, mình còn việc để làm không. Thế là tôi không đi chơi nữa.
Quốc Uy vẫn giữ phong độ ở tuổi 45
Quốc Uy chính là người lồng tiếng cho Nhóc Trùm trong bộ phim hoạt hình cùng tên, cực kỳ ăn khách khi trình chiếu ở Việt Nam.
Bến cố dồn dập, bỏ hát vì bị nhạc sĩ Tuấn Khanh hiểu lầm
Đang đi hát kiếm tiền như thế, tại sao anh lại nghỉ?
Tôi chán những xung đột, hơn thua trong showbiz. Tôi bị chơi xấu nhiều. Trong showbiz, mọi người ưa gièm pha, dựng chuyện nói xấu nhau. Đối với tôi, anh Tuấn Khanh vừa là đàn anh vừa là sư phụ. Anh giúp tôi rất nhiều khi tôi đi hát nhóm.
Thời đó, các thành viên trong nhóm phải tự hùn tiền để mua quần áo, giày dép, làm bài chứ không được công ty lo hết như bây giờ. Hát ở Trống Đồng, một show có 35.000 đồng mà chia cho 5 người. Trong khi làm một clip hết gần 20 triệu. Thời đó rất nhiều sân khấu nhưng cũng không cứu vãn được.
Ông bầu nhóm tôi không có tầm nhìn, không có chiến lược phát triển nhóm rõ ràng nên bị èo uột. Tôi banh hết tài sản vì hát nhóm.
Lúc đó, anh Tuấn Khanh thương tôi lắm. Anh có các mối quan hệ, có tài trợ là đưa về cho nhóm. Nhưng tôi từng giận anh Tuấn Khanh. Anh nghe người ta nói xấu, dựng chuyện về tôi. Anh tin họ mà không ba mặt một lời với tôi.
Lúc đó tôi nghĩ, vàng thật không sợ lửa. Tôi tự nhìn lại mình xem có làm gì sai bậy không. Có ăn hiếp anh em không. Có ăn trên ngồi chốc không. Tiền bạc có minh bạch không. Tình ái có lăng nhăng không. Khi tất cả những điều đó đều có câu trả lời là không thì việc họ nhìn mình thế nào là việc của họ.
Tôi không cần phải đi thanh minh. Tôi tự hỏi, lòng tin trong giới này sao mong manh thế, sao dễ bị đặt điều thế. Tôi giận anh Tuấn Khanh.
Năm đó tôi cũng 30,31 tuổi rồi. Đàn em thế hệ 8X, 9X bắt đầu lớn. Các bạn cao, xinh đẹp, hát hay, có công nghệ, ban bệ để lăng xê, mình theo không kịp. Cùng thời điểm đó, ba tôi mất, mẹ tôi mất, anh trai cũng qua đời. Biến cố dồn dập. Tôi quyết định nghỉ đi hát. Tôi xóa nhòa mình bằng sự im lặng biến mất khỏi showbiz thị phi này.
Ngay cả trong giới lồng tiếng, cũng rất ít người hiểu tôi. Người lớn thương đấy nhưng họ hơn tuổi mình nhiều quá thành ra lại một lần nữa, tôi tách rời mọi người. Đi ra mắt phim, báo chí muốn phỏng vấn, tôi cũng đẩy qua cho bạn khác. Vì mình làm thế hoài nên bị hiểu lầm là chảnh.
Album của Quốc Uy thời còn đi hát.
Anh được nhiều người nhận xét là trông giống tài tử TVB dù là người Việt 100%.
Anh đi qua quãng thời gian với những biến cố đó thế nào?
Khi từ bỏ ca hát, tôi nghĩ sẽ kiếm một công việc nào đó ẩn mình để không bon chen trong showbiz nữa. Mình làm để mưu sinh thôi chứ không cầu giàu có. Tôi từng mở lớp dạy thanh nhạc tại nhà rồi làm lồng tiếng.
Tôi từng đứng ra tranh đấu, kêu đòi công bằng cho nghề lồng tiếng. Khi lên tiếng, tôi bị một số người ghét, thậm chí mất hết công việc. Có khoảng thời gian, tôi ngồi không cả tháng trong khi vẫn ở trọ. Thế nhưng mình sống ngay thì trời không hại.
Trong lúc khó khăn nhất, tôi nhận được ơn trên. Cuối tháng, tự nhiên lại nhận được show quảng cáo, TVC chỉ làm 1 tiếng mà tiền có khi bằng cả tháng. Không chỉ là tiền, ơn trên tôi nhận được còn ở tư duy thay đổi. Sự thẳng thắn có thể làm mọi người tổn thương nên sau tất cả, tôi nhìn mọi thứ nhẹ nhàng và đơn giản nhất.
Đẳng cấp "truyền thần" vào giọng nói, "quái độc" giới lồng tiếng
Ngã rẽ sang lồng tiếng có thể được coi là một định mệnh trong sự nghiệp của anh. Bởi ở giới voicebiz, anh thật sự là một ngôi sao. Anh lồng tiếng cho rất nhiều nghệ sĩ như NSND Việt Anh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Hoàng Sơn, Trung Dân, Mai Huỳnh, Mai Sơn, Thanh Tùng, Nguyễn Chánh Tín… mà khán giả vẫn cứ nhầm tưởng là chính họ đang nói?
Cảm ơn bạn đã có cảm nhận đó. Mọi người thường dùng từ giả giọng nhưng tôi không gọi như thế. Tôi gọi đó là biến giọng và phải bắt được cái thần thái, khí chất của họ, thiếu điều như mình lên đồng vậy.
Họ là ngôi sao. Họ có rất nhiều fans. Nếu dùng một giọng khác, không phải của họ để lồng tiếng thì giống như mình không tôn trọng họ. Thế nên khi lồng tiếng cho họ, tôi làm bằng tất cả sự quý mến, ngưỡng mộ của mình dành cho đàn anh.
Tôi may mắn xuất thân là dân thanh nhạc nên được hỗ trợ nhiều trong việc nghiên cứu xem giọng người này âm thấp, trầm, trung hay cao, nằm trong khoảng vang nào. Khi vào phòng thu, tôi hình dung, tưởng tượng, cùng với thiết bị kỹ thuật, nghe, truyền thần và đổi giọng.
Tôi cảm được cái hào quang mà Tổ nghề cho họ và làm việc bằng thái độ vô cùng nghiêm túc, thậm chí trịnh trọng để khi mình cất tiếng là phải ra cái giọng, cái chất của người đó.
Quốc Uy cùng lúc lồng tiếng cho cả NSƯT Hữu Châu và nghệ sĩ Hoàng Sơn.
Vậy cát xê của anh thì sao?
Sau này tôi không làm với cái giá bình thường nữa. Bởi mình giúp mà người ta không thấy. Mình không có tiếng cũng không có miếng. Thậm chí, nhiều người còn bảo tôi hám danh nên lồng tiếng cho mấy anh, mấy chú để bám vào họ. Tôi bị thị phi mà không hiểu vì sao.
Tôi giúp như vậy đủ rồi. Tôi quyết định lấy đúng giá với công sức và khả năng của mình. Đã đến lúc tôi phải xác định, mình cống hiến chứ không cống nạp, nhất là khi những gì mình nhận được chỉ là sự ganh tỵ và thị phi.
Những nghệ sĩ đó có biết anh lồng tiếng cho họ không? Anh đã gặp họ ngoài đời chưa và đôi bên ứng xử với nhau thế nào?
Dĩ nhiên là họ biết. Tôi nghĩ là các anh, các chú cũng hài lòng bởi nếu không thì họ đã lên tiếng rồi. Tôi hoạt động trong nghề lâu nên các anh, các chú cũng thương, hiểu nhưng để vồn vã bắt chuyện thì không. Giống như anh hùng trọng anh hùng vậy.
Cả họ và tôi đều giữ khoảng cách. Bản thân tôi cũng chỉ dừng ở chào hỏi thôi. Tôi là lớp nhỏ hơn, nhưng nếu bảo sà vào chụp hình thì tôi bị ngại. Tôi chỉ biết hết mình trong phòng lồng tiếng để khán giả nghe, họ cảm thấy hài lòng.
Nghĩa là mình tôn trọng tuyệt đối vùng hệ sinh thái của họ. Nhưng có một số người không hiểu, gán cho tôi cái mác chảnh. Trong nghệ thuật, tôi có những cái mà mình được quyền tự hào về nó. Tôi đã chơi với nghệ thuật một cách vô tư và đẹp đẽ nhất.
Quốc Uy lồng tiếng cho nghệ sĩ Trung Dân.
Tôi biết, anh còn dạy lồng tiếng. Khi đi dạy, anh nói với học trò thế nào về đạo đức làm nghề này?
Nghệ sĩ không phải là những người giỏi kiếm tiền. Họ chỉ thỏa khung trời đam mê của họ trong sáng tạo nghệ thuật. Tiền quan trọng nhưng phải xứng đáng, chứ không bất chấp nhận xuề xòa, hay phá giá. Đó là điều tôi luôn nói với học trò của mình.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!