Hôm nay, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thông qua thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Masan Group (MSN) hiện là một trong 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Masan Group sở hữu một loạt các doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: Thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).
Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng
Ông chủ của Masan Group là tỷ phú đôla Nguyễn Đăng Quang. Ông Quang được Bloomberg đưa vào danh sách 3 tỷ phú Việt Nam tính đến ngày 21/12/2018.
Tại Masan Group, ông Quang chỉ sở hữu trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng ông lại sở hữu gián tiếp hàng trăm triệu cổ phiếu Masan thông qua hai pháp nhân là Masan Corp và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group.
Ông Quang sinh năm 1963 tại Quảng Trị, là một trong những doanh nhân nổi danh từ các nước Đông Âu. Bản thân ông là một người theo lĩnh vực toán học và vật lý với học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân - Đại học Vật lý Ứng dụng - Viện Hàn lâm Khoa học - Belarus.
Bắt đầu sự nghiệp từ những năm 90 tại Đông Âu, thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây đã là bước đà cho sự phát triển sau này của ông Quang và Masan.
Bloomberg gọi ông Quang là "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt Nam, và nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của vị này dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị "bắt buộc phải có" trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt.
"Thực sự chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó "buộc" chúng tôi phải chọn mỳ gói... Đến một ngày chúng tôi nhận ra không chỉ có người Việt Nam dùng mỳ gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần.
Đó là khởi nguồn cho con đường mà Masan đang đi" - ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về "hoàn cảnh" khởi nghiệp 20 năm về trước tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019 của Masan.
Đến năm 2002, ông Quang quyết định đưa Masan trở về Việt Nam. Để bắt đầu màn "chào sân nhà", Masan đã tung ra một sản phẩm mới mang tên Nước tương Chin-su.
Năm 2007, Masan tiếp tục chiếm lĩnh thị trường bằng một sản phẩm mỳ gói mang tên Omachi. Năm 2009, Masan đổi tên thành CTCP Masan và chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã MSN.
Masan đã là công ty Việt Nam thành công nhất về xuất khẩu sang thị trường Nga. Lúc cao điểm, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.
Theo Báo cáo của HĐQT, năm 2018 doanh thu thuần của Masan đạt 38.188 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ hoạt động kinh doanh chính năm 2018 (không bao gồm lợi nhuận một lần) đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017.
Biên lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh chính đạt mức 9,1% vào năm 2018 so với 5,9% năm 2017.
Trong năm 2019, Masan đặt mục tiêu là tăng doanh thu thuần 20-30% đạt mức từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty được kỳ vọng đạt 5.000 - 5.500 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 40-60% so với năm 2018.