"Chân dung thủ phạm" của tin đồn bắt cóc, thôi miên cướp tài sản lan truyền trên mạng

Hoàng Linh |

Chỉ trong vòng 17 ngày từ 5/7 đến 22/7 đã có 3 vụ tấn công, hành hung tập thể, đập phá tài sản rồi vu cho nạn nhân bắt cóc con nít rồi tung lên mạng. Người bị hại đã trở thành nạn nhân kép, vừa bị thương tích, hư hại tài sản vừa trở thành "tội phạm" trên mạng.

Hai người đàn ông phun thuốc trừ muỗi, 2 nhà doanh nghiệp mua đồ gỗ gia dụng, 2 phụ nữ bán diêm đã trở thành những kẻ bắt cóc trẻ em đáng nguyền rủa tràn ngập trên mạng từ chia sẻ của các tài khoản cá nhân và các fanpage có hàng trăm ngàn thành viên. Nguy hiểm hơn chúng ta cũng có thể bị như họ trước cách chia sẻ, đưa tin trên mạng như hiện nay.

Ngoài bắt cóc trẻ em thì tai nạn hàng không và bắt trộm chó là món "hot news" được chia sẻ mạnh từ đầu năm đến nay. Đó là những loại tin gây lo sợ và ám ảnh xã hội.

Một số cá nhân đã bị xử phạt như là người chế tạo, chia sẻ đầu tiên nhưng như thế vẫn là chưa đủ và sẽ không ngăn chặn được tình hình ngày càng xấu hơn.

Trở lại các tin tức bắt cóc trẻ em, thông tin được tán phát cực nhanh trên diện rộng không chỉ từ tài khoản cá nhân mà còn từ các fanpage có số lượng thành viên lên đến vài trăm ngàn và từ đây được chia sẻ cấp số nhân qua các tài khoản cá nhân là thành viên.

Chân dung thủ phạm của tin đồn bắt cóc, thôi miên cướp tài sản lan truyền trên mạng - Ảnh 1.

Bị nghi thôi miên trộm cắp tài sản, 2 người đàn ông đã bị dân kéo truy hô, đốt phá chiếc xe.

Admin của những trang đó không phải là những tài khoản ngây thơ, thiếu kinh nghiệm tham gia mạng xã hội mà là nhưng con "cáo già" Fake New chuyên lùng sục, chế biến loại tin này.

Có cả một trang mạng, được tài trợ của những tổ chức phi chính phủ nước ngoài xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trong đó có bản tiếng Việt chuyên đăng những tin tức không thể kiểm chứng về nạn bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng.

Với cách đưa tin bài có "nghề" và mức độ xuất hiện dày đặc, ai đọc qua cũng kinh sợ, muốn chia sẻ để bạn bè, cộng đồng rút ra bài học cảnh giác nhưng thực tế là chúng ta đang bị đầu độc thông tin.

Vậy thì, tốt nhất khi tham gia mạng xã hội, trước những nội dung chia sẻ nhạy cảm và đáng ngờ chúng ta nên chờ sự phát ngôn của nhà chức trách. Mà bây giờ những cơ quan có trách nhiệm cũng phát biểu, minh định sự việc khá nhanh. 

Nhưng không chỉ là chuyện thông tin, chọn lọc nguồn tin mà còn là lòng tin

Cộng đồng đã trở nên ngày càng nhạy cảm và dễ dàng bùng phát cảm xúc, hoảng sợ, hoang mang với những chuyện về trị an, trật tự xã hội.

Có ý kiến cho rằng đây là sản phẩm trực tiếp của nạn câu like trên mạng xã hội. Tôi nghĩ mạng xã hội có dự phần nhưng không mang tính quyết định, phải là điều gì đó đáng sợ hơn ngay trong bản thân chúng ta và phủ bóng xuống cả cộng đồng.

Không nghi ngờ gì nữa, con người đang sống trong thời đại của nỗi sợ. Khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông…bất thình lình cướp mất người thân của chúng ta theo cách bất ngờ nhất.

Chân dung thủ phạm của tin đồn bắt cóc, thôi miên cướp tài sản lan truyền trên mạng - Ảnh 2.

Đối với người Việt, nỗi sợ đã trở thành sự ám ảnh thường xuyên vì quá nhiều nguồn nguy cơ bao vây. Mỗi căn nhà không còn là tổ ấm mà đã trở thành những "pháo đài run rẩy" về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Chúng ta sợ trộm, sợ cướp nên xây nhà kín mít như pháo đài, chỉ cần cơn hỏa hoạn nào đó là cả nhà tử vong, nhưng đành vậy, có cách nào khác à: quên đi!

Mỗi bước ra đường là sự sợ hãi, tai nạn giao thông rình rập, và muôn ngàn nỗi sợ vẫn không bằng chuyện con em bị bắt cóc.

Một ngày nào đó con chúng ta không trở về nhà, bé bị bắt cóc hay đơn giản chỉ là biến mất, vài ngày sau chúng ta nhận xác con hay hàng chục năm tìm kiếm con trong tuyệt vọng!!!

Chân dung thủ phạm của tin đồn bắt cóc, thôi miên cướp tài sản lan truyền trên mạng - Ảnh 3.

2 người phụ nữ bán tăm từ thiện bị nghi bắt cóc trẻ em.

Nỗi ám ảnh bắt cóc trẻ em đã trở thành một tâm thế xã hội, gây "sốc phản vệ" bằng những hành động quá khích như đã nêu trên.

Bắt cóc trẻ em xảy ra rất ít nhưng tính chất thương tâm của từng vụ việc cũng như việc đột ngột mất con là việc không thể bù đắp được với bất cứ ai.

Khác với trẻ em đi lạc có thể tìm kiếm bằng thông báo mất tích, mạng xã hội, những người thiện nguyện, cơ quan chức năng còn những vụ bắt cóc đều rất khó tìm kiếm, xử lý. 

Bọn bắt cóc dù là để trả thù, giải quyết mâu thuẫn hay đòi tiền chuộc đều có ý định sát hại con tin để bịt đầu mối do đó số vụ phá án mà vẫn giữ an toàn cho trẻ là bài toán đau đầu cho nhà chức trách các nước.

Điều đáng trách là lợi dụng sức lan truyền cực nhanh của mạng xã hội, nhiều người với động cơ riêng hoặc để câu view đã tung hoang tin gây hoang mang xã hội.

Có thể đơn cử như một trang mạng xã hội đăng thông tin, khoảng 17 giờ chiều 11.7, ở khu vực TP Buôn Ma Thuột xảy ra một vụ bắt cóc trẻ con.

Đối tượng bắt cóc cháu bé rồi cho vào bao tải. Nghe tiếng khóc to, người nhà nạn nhân chạy theo hô hào thì bị tên bắt cóc dùng dao khống chế. Sau đó tên này bỏ bao tải lại và trốn vào rừng. Thông tin trên lập tức được nhiều lượt chia sẻ, like (thích), bình luận, phần lớn đều rất hoang mang.

Tuy nhiên, đến khoảng 8 giờ 30 sáng 12.7, tài khoản này phản hồi: "Mình cũng xin lỗi các bạn vì đó chỉ là tin đồn nghe kể lại trên mạng xã hội. Do sự bộp chộp cá nhân nhưng cũng lo cho mọi người lỡ có trường hợp đó xảy ra để đề phòng".

Chân dung thủ phạm của tin đồn bắt cóc, thôi miên cướp tài sản lan truyền trên mạng - Ảnh 4.

Cô gái tung tin đồn máy bay rơi nhằm mục đích câu like, để bán hàng online.

Những loại tin bịa như thật gieo nỗi sợ kiểu này đầy trên mạng xã hội làm cộng đồng không sợ cũng không được.

Mạng xã hội và lợi ích của nó là không thể phủ nhận được nhưng từ đây cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mới cho nhân loại mà các 

Chính phủ, nhà khoa học và cộng đồng đang lo lắng và đối phó hàng ngày hàng giờ, nỗ lực chính là thay đổi nhận thức của từng cá nhân khi tham gia mạng xã hội mà ở mỗi nước, mỗi cộng đồng lại có phát sinh khác nhau.

Sự nguy hiểm của tội phạm có chủ đích trên mạng không chỉ là tin đồn nhảm mà nguy hiểm hơn nó khuyến khích, xô đẩy con người vào những hành động phi xã hội gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng.

Nếu ở Việt Nam là những tin tức giả về tai nạn giao thông, bắt cóc trẻ em, thôi miên cướp tài sản, trộm chó thì ở Nga đó là phong trào thử thách các giới hạn có tên Cá Voi Xanh.

Nhiều trẻ vị thành niên, dù không có bất cứ vấn đề tâm lý nào, không nguyên nhân lại đột ngột tự tử. Manh mối duy nhất mà cảnh sát và phụ huynh có thể tìm thấy là ở trên các trang mạng  cá nhân của các em đều xuất hiện các dòng trạng thái khó hiểu, liên quan tới một trò chơi và hình ảnh của các chú cá voi xanh.

Yulia và Nika, hai cô gái tới từ Irkutsk đã cùng nhảy từ tầng 12 xuống. Trang cá nhân của Yulia tràn ngập hình ảnh cá voi xanh và dòng trạng thái cuối cùng cô viết: "Tôi đã phá mọi kỷ lục". Đây không phải hai nạn nhân duy nhất.

Cô gái khác là  Angelina, sống ở Ryazan, cách Moscow khoảng 200km, cũng đã nhảy lầu tự tử. Mẹ cô sau đó quyết định tự mình gia nhập vào "nhóm tự tử" trên mạng xã hội và điều tra.

Cá voi xanh là một thử thách bệnh hoạn. Nó lấy cảm hứng từ hình ảnh những chú cá voi trôi dạt lên bờ biển, các cô cậu bé vị thành niên được khuyến khích chơi theo các chỉ dẫn mỗi ngày, như là thức dậy giữa đêm, xem phim kinh dị liên tục và chiến thắng bằng cách tự kết liễu cuộc sống trong vòng 50 ngày. Trong một năm vừa qua, Nga đã ghi nhận 130 người chơi "chiến thắng".

Mặc dù đã bắt giữ Filipp Lis, một quản trị viên của các nhóm tự tử trực tuyến, bị cáo buộc đã khiến 15 trẻ em tự sát nhưng nhà chức trách Nga vẫn chưa xác định được mục đích cuối cùng của nhóm này là gì vì nó không phát sinh bất cứ lợi nhuận nào.

Từ những vụ án lạ lùng xuất phát từ  mạng xã hội của Việt Nam, Nga, Mỹ, Nhật…những nhà giáo dục nhận định khi tham gia mạng xã hội chúng ta phải nắm lấy nguyên tắc đầu tiên là không để lệ thuộc vào nó.

Hãy nói chuyện với nhau nhiều hơn,với đồng nghiệp, với các thành viên trong gia đình, mở lòng ra với những vấn đề xã hội mang tính nhân văn, thiện nguyện…đó là liều vắc xin cơ bản để chống lại sự hủy hoại của mạng xã hội mà câu chuyện tin đồn nhảm cũng mới chỉ là chuyện nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại