[Chân dung doanh nghiệp] “Cửa” nào cho Tôn Hoa Sen?

Hồng Quân |

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG đặt chân vào doanh nghiệp tỷ đô, nhưng cánh cửa phía trước đang hẹp. Khó nắm bắt được biến động giá nguyên liệu, áp lực cạnh tranh, cuộc chạy đua mở rộng hệ thống phân phối, vay nợ và “gánh chịu” chi phí khác đang là những thách thức cho Tôn Hoa Sen trong thời gian tới.

Đặt chân vào nhóm doanh nghiệp “tỷ đô”

CTCP Hoa Sen tiền thân của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG ) được thành lập vào năm 2001 với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên hoạt động chính trong ngành sản xuất tấm lợp bằng thép mạ kẽm, hợp kim nhôm mạ kẽm; ống thép mạ kẽm; lưới thép mạ, dâp thép mạ; sản xuất ống nhựa…..

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG có hơn 10 nhà máy sản xuất và 371 chi nhánh phủ khắp từ Bắc và Nam. Năm 2017, HSG chính thức đặt chân vào những doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam khi ghi dấu doanh thu thuần năm tài chính 2016 – 2017 lên đến 26.149 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Hoa Sen giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa với hệ thống phân phối liên tục được mở rộng, mạnh, sản phẩm đang chiếm hơn 34% thị phần tôn mạ và gần 20% thị phần ống thép. Bên cạnh đó, HSG cũng xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 Quốc gia/lãnh thổ.

[Chân dung doanh nghiệp] “Cửa” nào cho Tôn Hoa Sen? - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán các năm.

Năm 2017, doanh thu của HSG tăng trưởng 46% so với năm trước đó; ngược lại với sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu, lợi nhuận trước thuế năm 2016 – 2017 đạt mức 1.643 tỷ đồng, giảm gần 14% so với năm trước do biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ mức 23,3% xuống 16,9% do ảnh hưởng của diễn biến bất lợi về giá nguyên liệu.

“Cửa” nào cho HSG trong tương lai ?

HSG đang thực thi chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp. Công suất hoạt động của dây chuyền sản xuất ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. HSG không là ngoại lệ, và đây là lý do HSG liên tục đầu tư thêm công suất. Nhưng biến động giá nguyên liệu và chi phí hoạt động đang là yếu tố quan trọng quyết định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép trong ngắn hạn.

Tập đoàn Hòa Phát (mã HSG) – doanh nghiệp được thị trường định giá cao hơn gấp 2 lần HSG tham gia thị trường tôn mạ với công suất 400.000 tấn; CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) cũng được thị trường định giá cao hơn HSG đã nâng công suất thêm 500.000 tấn, tương đương 69%, đang cho thấy bức tranh cạnh tranh tại thị trường nội địa trong lĩnh vực tôn mạ gay gắt hơn và đối mặt với dư cung khi thị trường xuất khẩu gặp khó.

Phần thắng thuộc về ai đang “nắm được” giá nguyên liệu và hệ thống phân phối.

HSG đang mở rộng thị trường nội địa thông qua kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối đồng thời thực hiện tái cơ cấu mạng lưới phân phối theo hướng tinh giảm và tập trung, kỳ vọng sẽ giúp HSG kiểm soát tốt hơn chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu hơn 12 năm qua cho thấy, năm “được giá”, biên lợi nhuận gộp cao, HSG lại có chi phí hoạt động cao (tổng chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần) và tăng mạnh so với năm trước đó; ngược lại những năm biên lợi nhuận gộp giảm, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu sụt giảm.

Điều gì đã làm nên sự biến động nhịp nhàng của các cặp đôi nói trên trong hơn 12 năm ở HSG và liệu nó có tiếp tục tái diễn trong thời gian tới hay không?

[Chân dung doanh nghiệp] “Cửa” nào cho Tôn Hoa Sen? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy sự bất thường trong hoạt động kinh doanh của HSG từ năm 2016, sau khi tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng độ biến lên 11,4% so với các năm trước đó dao động quanh mức 6-7%. Mặc dù năm 2017, chỉ tiêu này đã giảm nhưng vẫn ở mức cao 8% - 9%.

Ngoài ra, số dư vay nợ ngắn và dài hạn đang ở mức cao trong năm 2017, tăng đột biến so với năm 2016 là thách thức không nhỏ cho HSG trong tương lai dù cho tỷ chi phí lãi vay/doanh thu thuần đang quanh mức 2% và lãi suất vay đang thấp (HSG từng trả lời với cổ đông rằng lãi suất vay của HSG ở mức rất thấp so với mặt bằng chung và được nhiều ngân hàng “săn đón” ).

Sự “bất thường” xảy ra từ năm 2016, phải chăng xuất phát từ tham vọng được thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Cà Ná với vốn đầu tư 10,6 tỷ USD tại Ninh Thuận hay HSG đang phải “gánh chịu” chi phí khác?

[Chân dung doanh nghiệp] “Cửa” nào cho Tôn Hoa Sen? - Ảnh 3.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán các năm

Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, tổng chi phí khác ở phần chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tuyệt đối gần 270 tỷ đồng. Chi phí khác đang chiếm 1/3 chi phí quản lý doanh nghiệp và ¼ chi phí bán hàng.

Năm 2017, dư nợ vay ngân hàng ngắn hạn và dài hạn tăng lần lượt 106,5% và gần 100% so với năm trước đó. Vay ngắn hạn tăng chủ yếu vay để bổ sung vốn lưu động.

Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Cà Ná để chờ đợi thông tin về đánh giá tác động môi trường và đánh giá khả thi chung. Dự án này nếu được thông qua, có thể sẽ có nhiều biến động trong cơ cấu cổ đông lớn/ cổ đông nước ngoài của HSG khi các nhà đầu tư lớn tỏ rõ quan điểm ủng hộ môi trường.

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG đặt chân vào doanh nghiệp tỷ đô, nhưng cánh cửa phía trước đang hẹp. Khó nắm bắt được biến động giá nguyên liệu, chạy đua mở rộng hệ thống phân phối, vay nợ và "gánh chịu" chi phí khác đang là những thách thức cho Tôn Hoa Sen trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại