Chân dung, con đường thăng tiến của các lãnh đạo PVC vừa bị bắt

Hoàng Đan |

Trong thời kỳ ông Vũ Đức Thuận và các thuộc cấp của mình điều hành PVC đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và một số thuộc cấp của mình gồm:

Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi trở thành Tổng giám đốc của doanh nghiệp ngàn tỷ PVC, ông Vũ Đức Thuận (45 tuổi, quê Thái Bình) từng chèo lái một "ông lớn" bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Dưới thời ông Thuận làm Tổng giám đốc của công ty này (2006-2008), Sudico trải qua nhiều thăng trầm về lợi nhuận.

Năm 2007, ông Thuận giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên 359 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đó, ông Thuận lại khiến lãi ròng của Sudico giảm xuống chỉ còn 119 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận Sudico tụt giảm trong năm 2008 nhưng ông Thuận vẫn được chuyển sang vị trí Tổng giám đốc PVC từ năm 2009 và thời điểm đó, vốn của PVC nhiều gấp 4 lần vốn Sudico.

Chân dung, con đường thăng tiến của các lãnh đạo PVC vừa bị bắt - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Thuận.

Trong giai đoạn ông Vũ Đức Thuận đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, PVC nhận được rất nhiều dự án từ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), trong đó có không ít dự án được chỉ định thầu. PVC vươn lên thành một doanh nghiệp lớn và thu hút được nhiều đơn vị về làm công ty liên kết.

Tháng 8/2009, PVC lên sàn với mã chứng khoán PVX, quy mô của PVC tiếp tục phình to nhanh chóng khi tiếp tục tăng vốn lên 2.500 tỉ đồng vào năm 2010 và 4.000 tỉ đồng vào đầu năm 2012.

Tuy nhiên, sau một số thành công, PVC đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính khi rót vài nghìn tỉ đồng đầu tư vào gần 40 công ty thành viên lớn nhỏ cùng hàng nghìn tỉ đồng khác bảo lãnh cho các công ty này.

Từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC bắt đầu có dấu hiệu lỗ. Bước sang năm 2012 và 2013, tình hình rõ hơn, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVC kéo nhau lỗ.

Chỉ trong 2 năm, PVC đã phát sinh khoản lỗ lũy kế hơn hơn 3.000 tỉ đồng - tức thổi bay mất ¾ vốn chủ sở hữu của công ty.

Sau khi PVC thua lỗ, Ban lãnh đạo mới đã miễn nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh ở vai trò Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC.

Sau đó, ông Thanh được thuyên chuyển công tác do điều động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thuận giữ vị trí Phó trưởng Ban Xây dựng của của Tập đoàn.

Từ tháng 10/2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Ngày 27/2, Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình làm Chánh Văn phòng Bộ kể từ ngày 1/3/2015.

Theo thông tin, từ cuối tháng 3/2016, ông Thuận đã không thường xuyên có mặt tại Bộ GTVT và chuyển vào TP.HCM.

Chức Chánh văn phòng Bộ GTVT đã bỏ trống trong vài tháng trước khi ông Nguyễn Trí Đức, Phó chánh văn phòng Bộ GTVT được trao quyết định bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ GTVT vào ngày 16/6/2016.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sau đó đã xác nhận, ông Thuận đã chính thức không còn là người của Bộ GTVT.

Chiều 7/9, lãnh đạo phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, phường đã nhận được thông báo về việc ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã chuyển sinh hoạt Đảng từ Bộ Giao thông vận tải về phường vào ngày 6/9.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc PVC người bị khởi tố, bắt tạm giam cùng ông Thuận sinh năm 1966, quê Hà Nội. Trước khi về PVC giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc vào tháng 12/2009, ông Tiến có thời gian dài công tác tại Tổng công ty Sông Đà.

Chân dung, con đường thăng tiến của các lãnh đạo PVC vừa bị bắt - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến. Ảnh: PVC

Sau đó, từ tháng 9/2011, ông Tiến chuyển công tác về Tập đoàn dầu khí giữ chức Phó trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán của Tập đoàn. Tháng 9/2015, ông Tiến quay trở về tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc PVC.

Ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC, sinh năm 1982, quê Ninh Bình.

Ông Dũng có bằng cử nhân kinh tế, khá nổi tiếng trong làng chứng khoán những năm trước đây. Ông lãnh đạo một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán lúc 25 tuổi.

Chân dung, con đường thăng tiến của các lãnh đạo PVC vừa bị bắt - Ảnh 3.

Ông Trương Quốc Dũng. Ảnh: PVV.

Cụ thể, sau 3 năm làm chuyên viên tại Ban dự án Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), ông Trương Quốc Dũng chuyển về PVV với vai trò Tổng giám đốc khi chỉ mới 25 tuổi, và đảm nhận vị trí Chủ tịch PVV từ năm 2011.

Năm 2011, ông Trương Quốc Dũng nhận bằng khen và cúp doanh nhân trẻ tiêu biểu năm 2010.

Trong quãng thời gian từ 2011 đến nay, ông Dũng có rời ghế chủ tịch trong thời gian 2 tháng vào năm 2012 để giao cho bà Tô Linh Hương (sinh năm 1988).

Tháng 7/2012, ông trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVV tới khi bị bắt. Ông Dũng từng là một chủ tịch HĐQT trẻ tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011 khi mới 29 tuổi.

Ngoài ra, ông từng là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 7/2011, ông Dũng đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc PVC. Đến tháng 3/2013, ông Dũng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ông Phạm Tiến Đạt, sinh năm 1979, quê Hà Nam.

Ông Đạt có bằng cử nhân kinh tế ngành kế toán. được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng PVC vào tháng 4/2011. Tháng 7/2013, ông Đạt thôi giữ chức Kế toán trưởng chuyển sang làm thành viên Ban kiểm soát PVC.

Trước đó, ông Đạt từng công tác tại trong các phòng, ban tài chính kế toán của công ty sông Đà 11, Xí nghiệp sông Đà 11-5; Công ty thủy điện Nà Lơi; Ngân hàng BIDV Điện Biên; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng.

Từ tháng 5/2008, ông về công tác tại PVC đảm nhiệm các chức vụ Phó ban tài chính kế toán, Phó Giám đốc Ban tài chính kế toán.

Trước đó, liên quan đến khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ này, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản số 1578-CV/VPTW gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ kể trên.

Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận khẳng định "ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.

Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân của PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự".

Ngoài 4 cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam kể trên, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC thời kỳ đó, sau khi được miễn nhiệm đã thuyên chuyển về Bộ Công thương rồi về làm Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ngày 8/9, Ban Bí thư đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh vì những sai phạm trong thời gian công tác tại Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.

Ban Bí thư kết luận, giai đoạn 2011 -2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.

Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng trái quy định gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay, ông Thanh vẫn chưa có mặt tại Hậu Giang để giải quyết các công việc liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại