Hôm 27/3 vừa qua, Elon Musk đã tiết lộ rằng giám đốc trí tuệ nhân tạo của công ty, Andrej Karpathy, hiện đang xin nghỉ phép tại Tesla.
Musk đã chia sẻ thông tin này khi thảo luận về lý do hệ thống tự lái hoàn toàn bản thử nghiệm (FSD Beta) có hàng rào địa lý và không hoạt động ở trung tâm thành phố Toronto (Canada), đồng thời giải thích rằng thời gian nghỉ phép của Karpathy là khoảng bốn tháng.
Khi CEO Tesla phải ra thông cáo về việc đi nghỉ của nhân viên dưới quyền.
Tin tức này ngay lập tức khiến một số người tin rằng việc xin nghỉ của Karpathy là một dấu hiệu xấu và anh có thể đang trên đường ra đi tìm bến đỗ mới. Bởi trước đó, kỹ sư cấp cao Doug Field của Tesla đã không quay lại sau hơn một tháng nghỉ việc. Và nếu Karpas không còn nữa, cả Autopilot và FSD của Tesla chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Có lẽ cũng vì lo lắng về điều này, Musk đã phải đưa ra thông báo về việc một nhân viên của mình đã xin nghỉ phép lên Twitter và khẳng định Karpas thực sự chỉ đi nghỉ mát.
Cá nhân Karpathy sau đó cũng vội xoa dịu những nỗi sợ hãi của cộng đồng, với dòng tweet nói rằng mình "cần một chút nghỉ ngơi và thư giãn" sau gần 5 năm làm việc vất vả tại Tesla. Đồng thời anh cũng nói thêm rằng mình rất nóng lòng để trở lại làm việc.
Andrej Karpathy là ai?
Andrej Karpathy, cánh tay trái của Elon Musk.
Andrej Karpathy sinh ra ở Tiệp Khắc năm 1986 và chuyển đến Toronto, Canada cùng gia đình năm 15 tuổi.
Với kinh nghiệm học tập rất phong phú, anh đã học ở hai quốc gia khác nhau và ba trường đại học khác nhau. Năm 2009, anh tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính và vật lý tại Đại học Toronto, năm 2011 tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học British Columbia, năm 2016 anh nhận bằng tiến sĩ khoa học máy tính từ Đại học Stanford.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Karpathy thực tập tại Google một thời gian, chủ yếu tham gia vào các dự án Deep Learning không giám sát, Deep Learning có giám sát, thị giác máy tính và các công việc liên quan khác.
Trong thời gian làm Tiến sĩ tại Đại học Stanford, Karpathy dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng Fei-Fei Li đã tạo dựng nên khóa học đầu tiên về Deep Learning cho trường. Sau đó, số lượng người tham gia lớp học đã tăng từ 150 người năm 2015 lên 750 người vào năm 2017.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, vào tháng 1 năm 2016, Karpas gia nhập OpenAI do Elon Musk sáng lập và nhanh chóng trở thành một trong những thành viên sáng lập của công ty. Ban đầu, anh chủ yếu chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên và sau đó trở thành nhà khoa học chuyên về nghiên cứu, chịu trách nhiệm tạo ra các mô hình học sâu và học sâu tăng cường.
Nếu bạn chưa biết thì OpenAI là một tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phi lợi nhuận với mục đích thúc đẩy và phát triển trí tuệ nhân tạo vì lợi ích của nhân loại. Sau khi thành lập, hệ thống OpenAI đã đánh bại DeepMind của Google, và sau đó đã tạo ra những thành tựu AI giật gân như GPT-3 - một mô hình ngôn ngữ được đào tạo dựa trên hàng nghìn tỷ từ trên Internet.
Gia nhập Tesla
Sau khi làm việc tại OpenAI được một năm rưỡi, Karpathy gia nhập Tesla và đảm nhận vị trí giám đốc trí tuệ nhân tạo, chuyên gia thị giác máy tính và học sâu của Tesla, đồng thời lãnh đạo nhóm thị giác máy tính của Tesla Autopilot.
Tại Tesla, AI là nền tảng cần thiết để hoàn thiện hệ thống lái xe hoàn toàn tự động FSD. Bộ hệ thống thị giác này có thể xử lý dữ liệu video được thu thập bởi 8 camera trên xe để tạo thành bản đồ ba chiều độ nét cao, có thể được sử dụng để phản ánh tốc độ và hướng lái xe của người và mọi vật xung quanh.
AI là nền tảng của hệ thống lái xe tự động do Tesla phát triển.
Đội của Karpathy tập trung vào thu thập dữ liệu và đào tạo mạng nơ-ron, sau đó tìm cách cho nó hoạt động, rồi sắp xếp việc sản xuất và triển khai chip. Anh cho biết: “Ngày nay, Autopilot đã giúp việc lái xe an toàn và thuận tiện hơn, nhưng mục tiêu của nhóm chúng tôi là đẩy nhanh sự phát triển các khả năng FSD và triển khai chúng cho hàng triệu phương tiện của chúng tôi”.
Nói tóm lại, Karpathy giống như cánh tay trái của Elon Musk, có ảnh hưởng đến việc lái xe tự hành của Tesla cũng như tương lai và hướng đi của các sản phẩm AI khác nhau.
Chưa kể, Musk cũng thông báo rằng họ có kế hoạch ra mắt robot hình người Tesla Bot vào năm 2023. Và đây cũng là một trong các lý do khiến việc đi nghỉ của vị giám đốc AI này lại được quan tâm đến vậy. Chủ yếu là vì thời điểm này vô cùng nhạy cảm, cũng như số lượng công việc mà anh cần hoàn thành quá lớn và quá quan trọng.
Lý do thực sự của việc xin nghỉ?
Karpathy cũng lên mạng nói đỡ cho ông chủ của mình.
Bản thân Karpathy đã chia sẻ lý do, anh cho biết mình xin nghỉ chủ yếu vì hai mục đích.
Một là nghỉ ngơi thật tốt và thư giãn, nhân tiện đi du lịch. Hai là dành thời gian để hoàn thiện bản thân.
Trên Twitter, anh viết: "Tôi đã làm việc tại Tesla được gần 5 năm, hiện tại tôi muốn nghỉ ngơi và nghỉ ngơi thật tốt, đi du lịch... Trong thời gian này, tôi có thể tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, chẳng hạn như trau dồi lại kỹ thuật và đào tạo một số mạng nơ ron. Mặc dù vậy tôi nhớ các robot của Tesla và cụm siêu máy tính Dojo, và rất nóng lòng được gặp chúng!".
Về hành trình du lịch, Karpathy ví nó như một "chuyến du mục kỹ thuật số", với hành lý gọn gàng và lộ trình qua châu Âu, châu Á và cuối cùng là trở lại khu vực Vịnh San Francisco.
Tóm lại, anh khẳng định: "Tôi sẽ quay lại Tesla."
Mục tiêu sau khi đi nghỉ
Karpathy cũng cho biết sau khi trở về từ kỳ nghỉ phép kéo dài 4 tháng, anh sẽ có hai dự án quan trọng cần hoàn thành.
Một là việc triển khai siêu máy tính Dojo, thứ sẽ hoạt động vào năm sau. Đây sẽ là thiết bị lập kỷ lục thế giới, thay thế "Fudake" của Nhật Bản trở thành siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Siêu máy tính này có thể lưu trữ một lượng lớn dữ liệu video, sau đó có thể được sử dụng để đào tạo mạng thần kinh cho việc lái xe tự động, nói chung tất cả đều nhằm tăng tốc Autopilot và FSD.
Dojo của Tesla có tham vọng trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Nhiệm vụ thứ hai là cập nhật phần cứng cho FSD và khởi chạy phiên bản 4.0, với sức mạnh tính toán có thể đạt gấp 4 lần so với phiên bản 3.0 gốc. Và nó có thể được cài đặt trên mẫu Cybertruck của Tesla trong tương lai.
Phiên bản 2.5 của hệ thống này ra mắt vào năm 2017 và phiên bản 3.0 đã được ra mắt vào năm 2019. Như vậy đã 3 năm kể từ lần cập nhật phiên bản cuối cùng.
Khi nói đến phiên bản 4.0 này, CEO Elon Musk cho biết ông hy vọng nó có thể giúp lái xe an toàn, và thậm chí còn tốt hơn cả con người. Nhưng nó sẽ vẫn tiếp tục được cải thiện và có thể hy vọng Tesla sẽ phát triển những máy tính mạnh hơn trong tương lai.
Tổng hợp