Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran – Thiếu tướng Mohammed Bagheri – đã thề sẽ "trả thù tàn khốc" bất cứ kẻ nào đứng sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran - Mohsen Fakhrizadeh. Trước đó, Tehran cáo buộc Israel là bên phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi đang bỏ ngỏ, đó là Iran sẽ trả đũa vụ việc như thế nào và vào khi nào?
Iran sẽ tấn công tên lửa...
"Sự vụ lần này có thể không hoàn toàn nằm trong, nhưng vẫn sát với phạm trù vụ sát hại tướng Qasem Soleimani. Iran có thể sẽ cảm thấy họ buộc phải trả đũa theo một cách nào đó" - Kenneth Katzman, chuyên gia về Iran tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ nói với tờ The National (nhật báo tiếng Anh được xuất bản tại Abu Dhabi, UAE).
"Với tư cách là kiến trúc sư dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong chương trình hạt nhân Iran, ông Fakhrizadeh có danh tiếng lớn và chắc chắn là một nhân vật được tôn kính ở Tehran. Do đó, chắc chắn sẽ có luồng ủng hộ cốt lõi trong chính quyền Iran để họ hướng tới một số hình thức trả đũa, nhưng lựa chọn này có thể không diễn ra ngay mà bị trì hoãn" – Ông Katzman nhận định.
Phản ứng mới đây của Iran có thể làm liên tưởng tới các cuộc tấn công ủy nhiệm của họ nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq sau khi Tướng Qasem Soleimani – chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – bị ám sát hồi tháng 1 năm nay.
Tên lửa Iran giội xuống căn cứ Al-Asad của Mỹ ở Iraq để trả đũa vụ Tướng Qasem Soleimani bị ám sát. Ảnh: FARS
Tờ New York Times cho biết, có ít nhất một quan chức tình báo Mỹ cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm cho vụ ám sát ông Fakhrizadeh, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nêu đích danh ông Fakhrizadeh trong một buổi thuyết trình vào năm 2018 về chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, ông Katzman cho rằng, Iran có lẽ sẽ không phân định rạch ròi trách nhiệm của Mỹ và Israel đối với vụ tấn công.
"Rõ ràng là, dù theo cách này hay cách khác, Iran vẫn sẽ quy tội chung cho Mỹ và các đồng minh của Washington", ông Katzman nói, "Có khả năng ý định trả đũa sẽ được thực hiện tại tất cả những nơi mà Iran có liên quan hiện nay".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng phủ nhận mạnh mẽ bất cứ sự liên quan nào của Mỹ trong vụ ám sát một nhà khoa học hạt nhân khác của Iran trong năm 2012. Trong vụ việc này, Iran cũng quy tội cho Mỹ và Israel.
Thế nhưng, hiện Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đều chưa đưa ra bình luận nào liên quan tới vụ ám sát ông Fakhrizadeh.
Hiện trường vụ sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: FARS
"Có khả năng Tehran sẽ tấn công nhiều hơn những nhân vật chống đối Iran tại châu Âu hoặc thậm chí là các mục tiêu tiềm năng của phương Tây tại châu Âu", ông Katzman nêu quan điểm, "Có thể Iran sẽ kích hoạt nhiều lực lượng ủy nhiệm khác nhau để tăng cường hoạt động ở vùng Vịnh. Đó cũng là những phạm vi mà chúng ta đã thảo luận khi Tướng Soleimani bị sát hại. Phạm vi này rất rộng".
Sau vụ ám sát tướng Soleimani, Iran đã bắn một loạt tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq, khiến 110 lính Mỹ "chấn động não". Tehran còn sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để tiến hành các cuộc tấn công.
"Đối với trường hợp của Tướng Soleimani, Iran đã trả đũa với quy mô vừa phải" – Chuyên gia Robert Einhorn tại Viện Brookings nói với The National.
Ông Einhorn cũng lưu ý rằng, cho đến nay Iran vẫn chưa công khai quy trách nhiệm vụ phá hoại cơ sở hạt nhân Natanz của họ hồi tháng 8 cho phía nào, và cũng chưa có bất cứ dấu hiệu trả đũa nào.
Theo New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã yêu cầu Lầu Năm Góc vạch kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân Natanz của Iran hồi đầu tháng này, nhưng cuối cùng đã đổi ý sau khi các cố vấn can ngăn.
Đầu tuần này, Mỹ cũng đã điều động các máy bay ném bom B-52H, với khả năng triển khai vũ khí hạt nhân, đến Trung Đông. Chúng đã bay qua không phận Israel.
... hay trả đũa trên bàn đàm phán?
Cũng theo các chuyên gia, ngoài vũ lực, Iran có thể lựa chọn trả đũa trên bàn đàm phán bằng cách làm phức tạp thêm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA – điều vẫn luôn nhận được sự ủng hộ sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
"Nếu Mỹ quyết định tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân, gần như chắc chắn họ sẽ phải đàm phán về các biện pháp trừng phạt tăng cường đã được áp đặt và các cơ sở hạt nhân được Iran xây dựng từ năm 2016", ông Katzman nhận định, "Lúc này Iran có thể sẽ đòi hỏi cao hơn với suy nghĩ ‘Chà, chúng ta phải lấy lại được thứ gì đó để trả đũa việc ông Fakhrizadeh bị sát hại’".
Hiện vẫn chưa rõ tác động tức thời [nếu có] của vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh đối với chương trình hạt nhân Iran.