Chị Tô Cô Rô Na (SN 1991, hiện sinh sống ở Gia Lai) là con gái thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Anh trai của chị Na tên Tô Yô Ta, em gái thứ ba tên Tô Kiều Mi và em út tên Tô Sô Ny. Gia đình 6 người nhưng có đến 3 cái tên độc lạ. Chị Na đã quá quen với việc ba anh em đi tới đâu cũng nhận được sự chú ý.
“Tên của tôi lấy ý tưởng từ dòng xe ô tô Toyota Corona. Ba tôi làm thợ sửa xe, biết tên một số hãng xe nên đã đặt tên các con như vậy để sau này được giỏi giang giống như các kỹ sư hãng xe đó”, chị Na chia sẻ.
Vốn dĩ ông Tô Kế (57 tuổi) định đặt tên con gái thứ 3 độc lạ giống như hai anh chị trước. Nhưng lúc con chào đời, ông bị bệnh nặng nên không thể đặt tên cho con. Vợ ông Kế là người đứng ra khai sinh, đặt tên con gái là Tô Diễm Mi. Nhưng ông Kế về sau lại đổi tên con thành Kiều Mi vì mong con sẽ mạnh mẽ, không để bị ai ức hiếp.
Chị Tô Cô Rô Na hiện đang sống ở Gia Lai
Còn chị Na, cái tên lạ khiến chị gặp nhiều chuyện rắc rối khi từ nhỏ. Ban đầu là nhầm giấy khai sinh, sau đó lớn lên bị làm nhầm căn cước, sổ bảo hiểm.
“Xưa cha tôi nhờ dượng trong họ đi khai sinh hộ. Dượng khai sai tên tôi thành Tô Cô Lô Na. Đến năm lớp 2, cha phải lên làm lại giấy khai sinh.
Tên tôi cũng hay bị nhầm lỗi viết liền vào nhau, chữ Cô dính vào chữ Rô, hoặc Tô dính liền chữ Cô. Chứng minh nhân dân, bảo hiểm tôi đều phải làm lại 2-3 lần. Ban đầu nghĩ chỉ sai dấu cách, chắc không sao đâu, nhưng khi nộp hồ sơ hay xét việc thì không được chấp nhận”, chị Na nói.
Chị Na phải làm lại giấy tờ 2-3 lần
Mặc dù cái tên gây ra nhiều phiền toái, nhưng chị Na không hề thấy giận hay ghét cái tên cha đặt cho mình. Nhờ cái tên lạ mà chị lại càng ý thức hơn trong việc học hành.
“Giờ chào cờ, hay đến đợt thi thử, khảo bài, tôi sợ lên bảng lắm luôn. Trong lớp các bạn vẫn hay hỏi: Ủa tên vậy thiệt hả?; Tên lạ lạ đó là ai vậy?
Nhưng sau các bạn quen rồi, riết mình cũng không thấy ngại nữa. Có lẽ vì được chú ý nên mấy anh em cũng bảo nhau cố gắng học, sợ người ta nghĩ, tên lạ tên hay vậy mà học dở, kỳ quá. Tính ra anh Hai và bé Út học giỏi nhất, còn tôi và bé Mi chỉ là học sinh khá trong lớp thôi”, chị Na tâm sự.
Ám ảnh mùa dịch Covd-19
Nếu như anh cả làm công việc liên quan đến xe ô tô thì chị Na kinh doanh về ngành thực phẩm. “Có một đợt tôi phỏng vấn vào nhà hàng, sếp cũng hỏi sao chị thấy cái tên em cũng lạ lạ. Nhưng khi tiếp xúc, sếp và đồng nghiệp cũng thấy mình bình thường như bao người khác, làm việc tích cực”, chị Na kể.
Kỷ niệm ám ảnh nhất với chị Na xảy ra vào thời điểm Covid-19 bùng phát. Đi đến đâu chị cũng thấy ngại khi được người ta đọc tên.
“Trước đây gặp người lạ người ta hay hỏi tôi: Chị là người nước nào, chị dân tộc gì, có biết nói tiếng Việt không? Sau khi có dịch Covid-19 mọi người đổi cách hỏi, họ bảo: Ủa ba chị tiên đoán trước dịch Covid hả?
Tôi làm mảng ẩm thực, khách nghe đến Corona cũng nhạy cảm. Tôi ngại phải giải thích, sợ họ có ấn tượng không tốt về mình. Nhiều người thấy sợ, nên tôi phải đổi luôn tên trên Zalo và mạng xã hội thành Anna. An là An Khê, Gia Lai - quê tôi và Na là tên tôi”, bà mẹ Gia Lai bộc bạch.
4 anh em nhà chị Na đều học khá, giỏi, ngoan ngoãn
Hiện chị An đã lập gia đình, sống bình yên, hạnh phúc bên chồng con. Thời gian qua, khi câu chuyện về cái tên của 3 anh em bỗng nổi tiếng trên mạng xã hội, chị Na nhìn thấy niềm vui và sự tự hào ánh lên trong đôi mắt của ba.
“Ba tôi là người cầu toàn, dạy dỗ các con rất nghiêm. Mẹ thì chiều các con hơn. Xưa ba sống khổ cực, đi đây đi đó nên ba luôn mong các con sẽ thành đạt. Tôi luôn trân trọng và biết ơn những gì ba mẹ đã dành cho mấy anh em”, chị Na bày tỏ.
Ảnh: NVCC