CH-T4: Vũ khí mới để Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ?

QS |

CH-T4 có thể trở thành một công cụ hoàn hảo để Trung Quốc tạo ra mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc mới công bố bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, một lần nữa nêu bật những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ.

Cùng lúc này, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được bước tiến quan trọng trên một hệ thống vũ khí có tiềm năng trở thành thành tố chủ chốt trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).

Cụ thể, trong tuần này, truyền thông Trung Quốc đưa tin Caihong-T 4 (CH-T4) - máy bay không người lái cỡ lớn, sử dụng năng lượng mặt trời của Trung Quốc - đã lần đầu tiên bay ở độ cao 20.000m.

Đây là dấu mốc quan trọng bởi khi không bị mây che ở độ cao trên 20.000m, ánh nắng mặt trời có thể cung cấp năng lượng cho động cơ, giúp máy bay hoạt động với thời gian lâu hơn đáng kể so với bình thường.

Mức thời gian cụ thể không được công bố, nhưng theo tờ China Daily, "các cải tiến tương lai sẽ cho phép máy bay duy trì hoạt động trên cao trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm".

Jeffrey Lin và P.W. Singer, hai cây viết trên blog Eastern Arsenal, cho biết CH-T4 là sự kết hợp ấn tượng giữa kích cỡ lớn và khối lượng nhẹ.

CH-T4: Vũ khí mới để Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Caihong-T 4 (CH-T4).

CH-T4 có sải cánh dài khoảng 40m, dài hơn sải cánh của máy bay Boeing 737, nhưng nó chỉ nặng từ 400-500kg. Trong khi đó, khối lượng rỗng thấp nhất của Boeing 737 đã hơn 30 tấn và khối lượng cất cánh tối đa lên tới 77 tấn.

CH-T4 nhẹ như vậy một phần do được chế tạo từ sợi carbon và nhựa. Nó di chuyển với tốc độ 193km/h nhưng có thể hành trình ở độ cao 20.000m nên bao quát được một khu vực rộng lớn mà không cần di chuyển quá xa.

Theo Lin và Singer, CH-T4 có thể sử dụng trần bay cao để duy trì giám sát khu vực rộng hơn 1 triệu km2 trên bộ và trên mặt nước. Diện tích này bằng với diện tích của Ai Cập. Đối với lĩnh vực quân sự và công nghệ thì việc bao quát được diện tích lớn như vậy sẽ khiến mẫu máy bay này trở thành mắt xích chuyển tiếp dữ liệu và liên lạc tuyệt vời.

Công cụ đe dọa tàu sân bay Mỹ

Theo nhà phân tích Zachary Keck trên tạp chí National Interest, điều mà Lin và Singer không đề cập đến là những khả năng đó sẽ biến CH-T4 thành một công cụ hoàn hảo để Trung Quốc tạo ra mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Phần lớn sự chú ý hiện nay đang đổ dồn về tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc, mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Tuy nhiên, với việc Triều Tiên cũng phát triển tên lửa chống hạm mới thì DF-21D mới chỉ là một phần của bài toán mà thôi.

Quan trọng hơn cả là quy trình tiêu diệt mục tiêu tinh vi, gồm các hệ thống liên lạc, radar, trinh sát, cần phải theo dõi và cung cấp thông tin mới về mục tiêu tới tên lửa đạn đạo chống tàu khi nó đang bay.

Thử nghiệm máy bay không người lái Caihong-T 4 (CH-T4)

Các thông tin được công bố cho biết Mỹ đang tìm cách đánh bại chiến lược A2/AD của Trung Quốc bằng cách phá vỡ "quy trình tiêu diệt" này.

Chẳng hạn, vào năm 2013, Tham mưu trưởng Hải quân và Không quân Mỹ khi đó - tướng Jonathan Greenert và Mark Welsh - đã có một bài luận trên tờ Foreign Policy về vấn đề: Làm thế nào tác chiến không-biển có thể vượt qua mối đe dọa A2/AD?

Theo bài luận, tác chiến không-biển có thể đánh bại mối đe dọa bằng cách:

- Đầu tiên, phá vỡ hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR) của đối phương.

- Thứ hai, tiêu diệt các phương tiện mang vũ khí (như máy bay, tàu chiến, các trận địa tên lửa).

- Cuối cùng, phá hủy vũ khí mà đối phương bắn ra.

Theo hai vị tướng, phương thức này dựa trên cơ sở: khi tấn công lực lượng Mỹ, đối phương sẽ phải hoàn thành một chuỗi hành động, thường được gọi là 'quy trình tiêu diệt'.

Chẳng hạn, các hệ thống trinh sát của đối phương xác định vị trí của lực lượng Mỹ, tiếp đó, mạng lưới thông tin liên lạc sẽ chuyển tiếp dữ liệu về mục tiêu tới các phương tiện mang vũ khí. Những vũ khí này được phóng đi và chúng phải nhằm đúng vào lực lượng Mỹ.

Mỗi một mắt xích trong quy trình này đều có thể bị can thiệp hoặc làm gián đoạn. Quân đội Mỹ có thể tập trung vào những mắt xích yếu nhất trong chuỗi này, chứ không cần phá vỡ tất cả mắt xích.

Một khi đi vào hoạt động, CH-T4 sẽ gây khó khăn hơn cho nỗ lực chống A2/AD của Mỹ. Chẳng hạn, nếu Mỹ có thể làm tê liệt và hoặc phá hủy các vệ tinh Trung Quốc thì Bắc Kinh có thể dùng máy bay không người lái để theo dõi tàu chiến Mỹ.

CH-T4 sẽ có lợi thế đáng kể so với các hệ thống trinh sát khác. Chúng sẽ rẻ hơn và linh hoạt hơn vệ tinh, trong khi lại có thể bay ở tầm cao hơn và xa hơn các loại tàu/máy bay trinh sát khác.

Điều này khiến Washington gặp khó khăn hơn khi muốn phá vỡ mắt xích trinh sát trong quy trình tiêu diệt mục tiêu của đối phương, dù họ vẫn có thể tập trung phá vỡ các mắt xích khác như làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc.

Mặc dù không đề cập trực tiếp tới CH-T4 nhưng bản báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng "việc phát triển và đưa vào trang bị các máy bay không người lái với tầm hoạt động xa hơn sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng tiến hành các hoạt động tấn công và tình báo-giám sát-trinh sát (ISR).

May mắn là quân đội Mỹ vẫn còn thời gian để tìm ra cách đối phó, bởi theo tờ China Daily, các nhà thiết kế và kỹ sư Trung Quốc sẽ phải cải tiến và thử nghiệm mẫu máy bay này trong vài năm nữa trước khi chuyển giao cho phía vận hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại