Tiếp nối câu chuyện về "Lao động là gì?", CEO Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Có người nói, lao động là để hạnh phúc. Và vì lao động là công việc của cả đời, do đó, đây có lẽ là câu trả lời mà tất cả chúng ta – những người lao động ở Viettel cần suy nghĩ và chiêm nghiệm.
Trong cuộc sống, chúng ta thường chúc nhau "hạnh phúc". Phải chăng, hạnh phúc là đích cao nhất trong cuộc sống mà mỗi chúng ta đều mong muốn? Nếu chúng ta chọn lao động để hạnh phúc thì chúng ta sẽ có cơ hội để được hạnh phúc mỗi ngày.
Nếu chúng ta lao động để hạnh phúc, thì chúng ta sẽ biến nơi làm việc của chúng ta thành điểm hẹn, thành nơi tạo nên và dung chứa hạnh phúc. Nếu chúng ta lao động để hạnh phúc, chúng ta sẽ biến công việc thành đam mê và là cách để chúng ta tạo ra giá trị sống của mình.
Tại đại hội của những người lao động, tôi xin chúc chúng ta đều thấy hạnh phúc khi lao động, khi làm việc. Bởi như vậy, cả cuộc đời này chúng ta sẽ hạnh phúc".
Theo CEO Nguyễn Mạnh Hùng, từ đầu năm 2018, hạnh phúc là từ nhắc đến rất nhiều ở Viettel. Tập đoàn khích lệ người Viettel, các đơn vị của Viettel ở khắp nơi tìm cho riêng mình một phiên bản hạnh phúc. Một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của cả Tập đoàn trong năm nay là xây dựng ngôi nhà Viettel hạnh phúc.
"Chúng ta không cố gắng làm tất cả mọi thứ ngay lập tức. Trên thực tế, chúng ta có nhiều câu hỏi hơn so với lời giải đáp. Thử nghiệm với một vài ý tưởng, học hỏi từ những thí nghiệm đó, sửa đổi và thử lại lần nữa. Cứ từng bước để chúng ta có một gia đình Viettel hạnh phúc.
Gia đình Viettel sẽ hạnh phúc hơn nữa nếu xây dựng được dựa trên những nguyên tắc sau:
- Khen ngợi và cảm ơn nhau nhiều hơn trước khi giám sát và xử phạt.
- Thay vì để xây dựng chính sách cho chính mình chỉ là việc của một vài cơ quan thì trở thành việc của tổ chức công đoàn và từ chính các đoàn viên công đoàn.
- Chúng ta không chỉ hỗ trợ nhau để làm việc tốt hơn mà còn cần tìm cách hỗ trợ nhau để sống tốt hơn.
Nhưng dù đó là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn thì mỗi người Viettel hãy luôn nhớ rằng, việc xây dựng một gia đình hạnh phúc không phải là một việc dễ dàng và không phải là việc của riêng ai hay của một đơn vị nào. Đó là công việc của tất cả chúng ta, của mỗi người chúng ta".
Người đứng đầu tập đoàn Viettel cho rằng, công đoàn Viettel cần phát hiện và giải quyết các vấn đề của từng người, cả trong công việc và trong cuộc sống, để từ đó giúp cho từng người hạnh phúc, để từ đó người Viettel càng thêm yêu Viettel, và từ đó xây dựng Gia đình Viettel hạnh phúc.
Tiếp nối những chia sẻ về "tổ chức đại diện cho mình" với các cán bộ công nhân viên Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, công đoàn tại đây "không giống như tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp tư bản, vốn có trách nhiệm là bảo vệ người lao động trước giới chủ doanh nghiệp".
"Chúng ta không có ông chủ và người làm thuê. Chúng ta là những người lao động trong chính ngôi nhà của mình, trên mảnh đất của mình. Chúng ta là những người làm chủ của Tập đoàn này. Bởi vậy, chúng ta là một. Ai cũng có trách nhiệm xây dựng tổ chức này. Và vì thế, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là chiếc cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo, chỉ huy từ đơn vị đến Tập đoàn".
Hơn nữa, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là chiếc cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo, chỉ huy từ đơn vị đến Tập đoàn. Không phải vì người lao động không thể trực tiếp trao đổi với người lãnh đạo, chỉ huy mà vì thông qua một tổ chức chính thống, sự kết nối sẽ có tính đại diện rộng lớn hơn, toàn diện hơn. Trách nhiệm của công đoàn còn là truyền đạt chính sách của tổ chức đến với người lao động. Không phải vì người lao động không biết đến những chính sách ấy mà vì chính sách sẽ luôn cần điều chỉnh cho tốt hơn.
Theo người đứng đầu Viettel, tổ chức công đoàn gần gũi với người lao động, cần giải thích để người lao động hiểu chính sách, ghi nhận những điều còn chưa phù hợp với cuộc sống và giám sát việc hoàn thiện chính sách. Trách nhiệm của công đoàn còn là cùng với các đoàn viên tham gia xây dựng một môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, để ngôi nhà Viettel có thể trở thành tổ ấm, để gia đình Viettel thực sự hạnh phúc. Không phải vì Viettel chưa làm được điều đó mà còn vì luôn có thể làm tốt hơn nữa.
"Đây không phải là nỗ lực chỉ cần một lần rồi thôi. Xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời ở đó có sự thông hiểu giữa các thành viên, có các chính sách cho người lao động liên tục được cải thiện, có những sự quan tâm và chăm lo cho nhau khi khó khăn đều cần có sự học hỏi và làm mới liên tục".
CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người Viettel có quyền tự hào về thành quả lao động của mình trong 5 năm qua. Ông cũng thay mặt cho lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ lời cảm ơn trân trọng nhất đến những nỗ lực của mỗi thành viên trong đại gia đình Viettel, để có được thành tựu ngày hôm nay. Tuy nhiên, CEO nhấn mạnh, người Viettel không thể dừng lại ở đó. Bởi sự vận động của thị trường, của dòng chảy công nghệ không cho Viettel dừng lại.
"Dừng lại, chúng ta có thể hưởng thụ thành quả mà ngày hôm qua đã tạo ra, nhưng thực chất là đang tự đào hố chôn chính mình. Dừng lại là thế hệ lãnh đạo Viettel hôm nay được nghỉ ngơi nhưng các thế hệ Viettel 8x, 9x mới bước chân vào Ngôi nhà này sẽ không còn tương lai".
Viettel có thể tiến về phía trước hay không là nhờ vào chính con người của tập đoàn.
Cùng nhau, người Viettel đang làm Tập đoàn mạnh lên từng ngày.