CEO Nguyễn Mạnh Hùng nói tại lễ kỷ niệm 10 năm đầu tư nước ngoài của Viettel.
Quyết đi để đánh thức tiềm năng người Viettel
Trong phần chia sẻ về những chặng đường đã qua, Tổng giám đốc Viettel nhắc lại thời khởi đầu đi ra nước ngoài năm 2006 khi công ty mới có 2 triệu khách hàng, đứng thứ 4 trong các nhà mạng di động tại Việt Nam. Thế nhưng, ban giám đốc vẫn quyết đi bởi chỉ như vậy mới giỏi hơn, cạnh tranh hơn và để đánh thức tiềm năng cũng như sự tài giỏi trong mỗi người Viettel.
Và hành trình 10 năm vươn ra thế giới, Viettel đã mang kiến thức, kinh nghiệm của mình, mang những điều tốt đẹp nhất từng làm được ở Việt Nam tới những quốc gia láng giềng và những quốc gia cách Việt Nam tới nửa vòng trái đất.
Năm 2006, Viettel mới có 2 triệu khách hàng; còn giờ đây là 100 triệu khách hàng trên toàn cầu, với lợi nhuận dự kiến trên 2 tỷ USD cho năm 2016.
“Viettel cũng đã thay đổi rất nhiều, nhưng có một điều đã và sẽ không hề thay đổi. Đó là khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng. 10 năm tới đây, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Toàn cầu, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao. Từ một Công ty dịch vụ thành một Công ty công nghệ”, ông Hùng công bố.
Người đứng đầu Viettel cũng chia sẻ niềm tự hào khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng sự ủng hộ của Thủ tướng Campuchia, Lào, đã giao cho tập đoàn này trách nhiệm hiện đại hoá mạng viễn thông bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho cả ba quốc gia.
Đặc biệt, Viettel sẽ triển khai mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại 3 nước như trong nước (không còn cước roaming quốc tế). “Đây là câu chuyện thế giới phẳng về viễn thông đầu tiên trên thế giới”, ông Hùng khẳng định.
Động lực là khát vọng
Sau khi bày tỏ niềm tự hào vì được giao trọng trách, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ về nguyên nhân giúp tập đoàn này đạt được những kết quả phi thường:
“Nếu không có khát vọng phải vươn lên làm chủ, bằng cách xin cho được giấy phép kinh doanh viễn thông ngay từ khi còn đi xây lắp thuê thì đã không có một doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam là Viettel hôm nay, với doanh thu năm 2016 là trên 10 tỷ đôla, lợi nhuận trên 2 tỷ đôla.
Nếu không có khát vọng phải tự mình dựng lên một mạng viễn thông của người Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế, lắp đặt, vận hành và khai thác ngay từ khi Viettel còn là một Công ty rất nhỏ với hơn trăm người thì đã không có một Viettel có đủ tri thức để đi ra nước ngoài.
Nếu không có khát vọng mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc máy điện thoại di động ngay từ khi bắt đầu dựng những trạm phát sóng đầu tiên thì Việt Nam không thể có một cuộc bùng nổ viễn thông, được thế giới nhắc đến như là một hiện tượng như vậy.
Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, thì mật độ điện thoại di động tại Vietnam tăng từ 4% lên 100%. Trong khi 10 năm trước đó, mật độ điện thoại di động chỉ tăng được tới 4%.
Nếu không có khát vọng và chủ động bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam ngay từ khi còn là một doanh nghiệp viễn thông nhỏ bé thì Viettel đã không có một thị trường toàn cầu với 320 triệu dân và 100 triệu khách hàng như hôm nay”.
Và đặc biệt, ông Hùng nói về động lực từ những người tiền nhiệm với sự biết ơn: “Nếu không có những khát vọng được nuôi dưỡng một cách đầy quả cảm của các thế hệ đi trước, sẽ không có một Viettel ngày hôm nay.
Các chú, các anh và nhiều thế hệ Viettel đã chứng minh rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã có thể làm những việc lớn, đã chứng minh rằng những người bình thường dám ước mơ thì có thể làm được những điều phi thường”.