CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao

Thùy Dương - TK: Hà Mĩ |

2013, Hùng quen Trường từ khi chàng cầu thủ chưa phải là một ngôi sao của đội tuyển Quốc gia. 2019, Hùng cũng là người tiễn bố con Trường ra sân bay, sang Hàn Quốc điều trị chấn thương nghiêm trọng. 2021, hai chàng trai cùng nhau đạp xe từ Hà Nội về Tuyên Quang, rồi cùng sáng lập IRC. Họ không sát cánh bên nhau trên sân cỏ nhưng đang cùng tham gia vào một cuộc chơi mới, thú vị nhưng cũng thách thức không kém.

Chiều cuối tháng 9/2019, Xuân Trường cùng các đồng đội thuộc ĐTQG Việt Nam hào hứng ra sân tập để chuẩn bị cho hai trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022. Tiền vệ "mắt híp" bước vào buổi tập với tâm trạng thoải mái như thường lệ, trước khi mũi giày bất ngờ vướng vào cỏ làm anh vấp ngã. Cú ngã khiến cầu thủ sinh năm 1995 phải bỏ dở bài tập, cần đồng đội và bác sĩ dìu vào phòng thay đồ.

Trường bị đứt dây chằng chéo trước - chấn thương nặng nhất của anh tính đến thời điểm hiện tại. Chấn thương dây chằng, đầu gối vốn đã là cơn ác mộng của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh, hậu vệ Vũ Văn Thanh, thủ môn Lê Văn Trường,.... - những đồng đội của Xuân Trường ở CLB “phố núi”. Niềm hưng phấn trên gương mặt không còn, đổi lại là nỗi buồn và thất vọng.

Sau các đồng đội, Nguyễn Việt Hùng là người đầu tiên nhìn thấy đôi chân chườm đá và nỗi thất vọng của Xuân Trường. Hơn 2 năm sau, cũng chính Nguyễn Việt Hùng - với cương vị CEO, là người cùng Xuân Trường lên sóng Shark Tank, gọi vốn cho Trung tâm Phục hồi Thể thao Quốc tế IRC.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 1.

* Trước nay, hình ảnh trên truyền thông của IRC gắn liền với cầu thủ Xuân Trường. Vì thế mà không ít người bất ngờ và tò mò về anh khi anh cùng Xuân Trường xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam. Anh có mối quan hệ như thế nào với Xuân Trường?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Chúng tôi cùng quê Tuyên Quang. Từ thời Trường đi đá bóng lứa nhi đồng ở tỉnh, cậu ấy đã quá nổi tiếng rồi. Nhưng sau đó, Trường vào tập luyện ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai (Gia Lai), không xuất hiện ở các giải trẻ của tỉnh nên có một thời gian im ắng.

Chúng tôi bắt đầu chơi với nhau trước cả khi Trường ra mắt người hâm mộ và nổi tiếng ở Giải U19 Đông Nam Á (năm 2014). Năm 2013, tôi có một chuyến công tác ở Gia Lai và có cơ hội gặp Trường ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai. Hai anh em nói chuyện rất nhiều và giữ liên lạc với nhau. 

Khi Trường bắt đầu bước vào giải U19 Đông Nam Á rồi sau đó thi đấu chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ, trò chuyện. Cứ thế, tôi và Trường dần dần chơi với nhau nhiều hơn, đặc biệt là khi cậu ấy thi đấu ở nước ngoài. Trường tâm sự khá nhiều về những vấn đề cuộc sống, tâm lý. Bản thân tôi không học hành bài bản về lĩnh vực tâm lý nhưng có niềm yêu thích và tìm hiểu, nên cũng chia sẻ được với Trường.

Có lẽ vì sự tương đồng về sở thích, quan điểm sống nên hai anh em tìm thấy được sự kết nối. Ngay cả trước khi IRC được thành lập, hai anh em còn có chuyến đạp xe với nhau từ Hà Nội về Tuyên Quang.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 2.

* Cầu thủ Xuân Trường đã đề nghị anh tham gia vào dự án IRC?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Bản thân Trường thi đấu nhiều và gặp phải không ít chấn thương nên đã từng nói đến việc mở một trung tâm phục hồi chấn thương. Tuy nhiên chấn thương nặng vào năm 2019 mới thực sự thúc đẩy cậu ấy bắt tay vào dự án này. Ngày đầu tiên Trường bị chấn thương, có lẽ tôi là người đầu tiên - sau các đồng đội, nhìn thấy đôi chân bị chườm đá và khuôn mặt thất vọng của Trường. Tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra một người có thể bị chấn thương nặng như thế. Để phục hồi, một cầu thủ có thể mất 7-9 tháng, thậm chí lâu hơn.

Mối quan hệ thân thiết giữa Nguyễn Việt Hùng và Xuân Trường

Với chấn thương dây chằng, Trường phải sang Hàn Quốc phẫu thuật và điều trị. Tôi là người tiễn Trường và bố của cậu ấy ra sân bay. Lúc ấy, Trường lại nói về mong muốn của mình, rằng vì sao không có một trung tâm phục hồi tại Việt Nam. Lúc đó tôi cũng chỉ nói bâng quơ để động viên: “Nếu mà chú muốn ở Việt Nam có thì nhất định sẽ có”. Khi sang Hàn Quốc, Trường kết nối với các chuyên gia và bắt đầu chuẩn bị một cách nghiêm túc cho dự án.

Nhưng sang Hàn Quốc được khoảng 4 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát tại đây, Trường quay về Việt Nam và sang Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF để điều trị với đội ngũ chuyên gia trong nước. Cứ cuối tuần, Trường lại về nhà tôi ăn cơm, chia sẻ rất nhiều về những gì đang diễn ra, rằng cậu đang làm việc với các chuyên gia như thế nào. Đó cũng là thời điểm Trường có lời đề nghị chính thức với tôi về việc thành lập IRC.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 4.

* Trước khi tham gia vào dự án IRC, anh Hùng đang làm công việc gì?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Thời điểm ấy tôi đang làm việc tại KPMG Việt Nam. Công việc của tôi là kiểm toán công nghệ thông tin và tư vấn hệ thống công nghệ thông tin. Bản thân tôi xuất thân là dân công nghệ. Mọi kiến thức, kinh nghiệm đều không liên quan gì đến công việc tại IRC. Vả lại, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một công ty riêng mà luôn nghĩ đi làm thuê ở các công ty lớn. Khi Trường ngỏ lời lần đầu tiên, tôi cũng chưa sẵn sàng và còn khá e dè. Nhưng có lẽ vì lời đề nghị của Trường như “mưa dầm thấm lâu”, cộng với việc chứng kiến chấn thương của cậu ấy, tôi đã quyết định tham gia dự án này.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 5.

* Anh và Xuân Trường mất bao lâu để biến ý tưởng thành IRC với hình hài hiện tại?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Để có IRC thì đội ngũ chuyên gia là yếu tố đầu tiên và tiên quyết. Chúng tôi phải mời và thuyết phục đội ngũ chuyên gia tham gia vào dự án này cùng mình. Sau đó mới bắt đầu chọn địa điểm, hướng về khu vực gần SVĐ Mỹ Đình và các trung tâm thể thao. Song song với đó là quá trình đào tạo đội ngũ. Chúng tôi bắt tay thực hiện dự án này vào tháng 5/2020 và chính thức ra mắt vào tháng 3/2021.

Nhưng ngay sau đó là các đợt bùng phát dịch Covid-19. Chính vì Covid mà IRC gặp “thất bại” đầu tiên khi các chuyên gia không thể sang Việt Nam làm việc. Chúng tôi đã phải lựa chọn phương án khác.

Đến hiện tại, để có thể duy trì, mở rộng IRC đến với Tp.HCM, đội ngũ chuyên gia vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

* Anh còn nhớ vị khách đầu tiên đến với IRC chứ?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Đó là Phương Hồng - vận động viên cầu lông. Bạn ấy đến với IRC khi chúng tôi còn chưa ra mắt chính thức. Nhiều vận động viên chuyên nghiệp bị chấn thương nhưng không biết điều trị ở đâu. Phương Hồng được điều trị tại IRC và sau đó quay trở lại thi đấu, giành được huy chương bạc tại một giải quốc gia. Vào ngày khai trương, tôi vẫn còn nhớ chia sẻ của bạn ấy: “Nếu như em được đến và điều trị sớm hơn, có lẽ em đã có thể đạt huy chương vàng”. Đó là động lực đầu tiên giúp IRC tin tưởng vào con đường của mình.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 6.

* Xuân Trường hiện vẫn là một trong những cầu thủ quan trọng của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Vậy anh ấy tham gia vào việc điều hành IRC như thế nào, thưa anh?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Bản thân Trường là cầu thủ và công việc quan trọng nhất của cậu ấy vẫn là đá bóng. Tất cả thời gian của Trường hiện vẫn dành cho bóng đá. Điều này đã được chúng tôi chia sẻ và thống nhất với nhau ngay từ khi thành lập IRC. Đương nhiên là cổ đông và là 'cha đẻ' của dự án này, Trường vẫn phải biết được tình hình của IRC. Mỗi tuần, cậu ấy sẽ dành 1-2 tiếng để cập nhật tình hình đó. Công việc mà Trường tham gia nhiều nhất là ý tưởng và hỗ trợ việc kết nối chuyên gia.

Xuân Trường tham gia vào việc điều hành IRC như thế nào?

* Đầu tư vào giáo dục hay y tế luôn đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn, và ngay cả các Tập đoàn cũng không dễ dàng kiếm được lợi nhuận. Các anh nhìn nhận thế nào về việc này?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Đầu tư vào mảng y tế đúng là một sự đầu tư dài hạn, không thể thu lại lợi nhuận hay nguồn thu khổng lồ trong một sớm một chiều. Và tôi đã chia sẻ thẳng thắn với các Shark: “Chắc chắn các Shark biết một điều rằng dự án này sẽ không phải khoản đầu tư hời về lợi ích kinh tế, nhưng đây nhất định là khoản đầu tư có giá trị và đầy tính nhân văn”. Tôi nghĩ đó là khoản lãi không thể đo đếm bằng tiền. Đương nhiên với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có tiền mới sống được. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu ở thời điểm hiện tại.

Trước tiên, IRC muốn tập trung vào đội ngũ chuyên môn, con người để mang lại những giá trị tốt cho khách hàng. Việc được khách hàng tin tưởng là thành công bước đầu của IRC, trước khi nghĩ đến việc kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi chưa thể nghĩ đến lợi nhuận, đó cũng không phải mục tiêu lớn nhất khi anh em làm dự án này.

Vì thế mà ngay khi thành lập nên IRC, mấy anh em đã nói chuyện với nhau và xác định rõ, rằng đây là câu chuyện đường dài, cần vài năm, 5-7 năm. Đây không phải mô hình có thể nhanh chóng tăng trưởng và tạo nguồn thu như các doanh nghiệp công nghệ.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 8.
CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 9.

* Hiện tại các bệnh viện cũng có không ít trung tâm phục hồi chấn thương, họ còn có nguồn lực về tài chính rất lớn. Vậy ngoài đội ngũ chuyên gia, còn điều gì khiến IRC khác biệt với phần còn lại của thị trường?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Theo những quan sát và nghiên cứu thị trường của tôi, hiện rất ít trung tâm phục hồi tại Việt Nam có trang thiết bị và huấn luyện viên hỗ trợ tập luyện. Bởi vì tại nhiều nơi, mục tiêu chính của việc phục hồi chức năng là đưa khách hàng trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường, cho họ hết đau. Còn việc phục hồi chức năng cho một người chơi thể thao thì cần giúp họ trở lại với tốc độ, sức mạnh, sức bền, cần các thiết bị và huấn luyện viên có chuyên môn. Khi gặp chấn thương, phẫu thuật là giải pháp đầu tiên, nhưng giai đoạn phục hồi cũng đặc biệt quan trọng để tạo nên sự thành công cho quá trình điều trị. Đó là mô hình mà IRC đang có.

Việc có phòng tập để các bạn tập luyện cũng là điểm khá mới so với các đơn vị khác trong ngành, mặc dù những mô hình này đã xuất hiện rất nhiều ở nước ngoài. IRC muốn mang những chuẩn mực, công nghệ, cách vận hành của các quốc gia phát triển về Việt Nam. Đương nhiên mô hình của IRC hiện tại vẫn còn mới, chắc chắn là phải cải tiến nhiều để hoàn thiện dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị. IRC vẫn xem mình là một đơn vị rất mới và non trẻ, cần thời gian để hoàn thiện.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 10.

* Vì sao các anh quyết định lên Shark Tank gọi vốn?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc gọi vốn khi Trung tâm IRC ở Hà Nội đã vận hành khá ổn và muốn mở rộng ở TP. HCM. Đây là thị trường rất lớn, rất tiềm năng nhưng cạnh tranh cũng rất cao nên chúng tôi cần có vốn và người đồng hành dẫn dắt mình trong hành trình sắp tới.

Và thời điểm mang tính quyết định là khi IRC thuyết phục thành công một đội ngũ chuyên gia đồng hành với mình. Đây là đội ngũ chuyên gia nước ngoài đã làm việc ở Việt Nam 3 năm, có kinh nghiệm vận hành đội ngũ chuyên môn, đào tạo như phục vụ khách hàng. Bởi như tôi đã nói ở trước, đội ngũ chuyên gia là cốt lõi của IRC, khi chắc chắn có đội ngũ thì chúng tôi mới nghĩ đến việc mở rộng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu về Shark Tank và nhận thấy rằng Shark Liên và Shark Việt có hệ sinh thái phù hợp. Tuy nhiên, Shark Việt không tham gia vào mùa này. Như vậy chỉ có Shark Liên - người có thể đảm bảo cho IRC một hệ sinh thái để mà phát triển tốt nhất.

Quyết định lên Shark Tank của 2 nhà sáng lập IRC

* Quá trình làm việc với Shark Liên hiện đã tiến triển đến đâu rồi, thưa anh?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Theo đúng nguyên tắc của chương trình Shark Tank Việt Nam, sau khi chương trình lên sóng thì startup mới được quyền làm việc với Shark để tiến tới các bước tiếp theo. Đến thời điểm phỏng vấn thì thương vụ mới chiếu được 1 tuần, Shark Liên đã đến thăm IRC và chúng tôi cũng có cơ hội đến thăm nhà Shark Liên. Cô đã tư vấn cho anh em rất nhiều về con đường sắp tới.

Hiện tại đội ngũ của IRC vẫn đang làm việc để chuẩn bị hồ sơ thẩm định gửi tới Shark Liên nhanh nhất có thể.

* Các anh có kế hoạch dự phòng cho việc thương vụ với Shark Liên sẽ không thành?

CEO Nguyễn Việt Hùng: Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ thẩm định tốt nhất có thể để chắc chắn phải mở được chi nhánh ở Tp.HCM.

* Cảm ơn anh. Chúc cho các dự định của IRC sẽ trở thành hiện thực.

CEO Nguyễn Việt Hùng - tri kỷ giúp Xuân Trường gây dựng IRC: Từ cú ngã chấn thương dây chằng của bạn thân tới startup trung tâm phục hồi thể thao - Ảnh 12.

Nhà báo Lưu Minh Vũ - gương mặt kỳ cựu của VTV: Vốn "kinh sợ đám đông", lần đầu làm MC bị cắt hình gần hết, hình ảnh hiện tại cực kỳ khác biệt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại