Hoà Phát khởi nghiệp với ngành nghề khác, vậy cơ duyên nào lại đến với sản xuất thép?
Trước năm 1996, Hoà Phát vẫn là công ty thiết bị phụ tùng. Lúc đó tôi đi mua ống thép để làm giàn giáo xây dựng ở một công ty liên doanh tại Hải Phòng. Đó là công ty duy nhất ở miền Bắc làm ống thép với sản lượng chỉ 2.000 tấn/tháng, rất ít.
Đi mua ống thép khó khăn quá, còn phải “lót tay” mới mua được nên chúng tôi bực mình đi tìm hiểu xem làm thế nào và sang Đài Loan mua máy về, và thành lập công ty sản xuất ống thép năm 1996. Từ 1-2 cái máy ban đầu, giờ Hoà Phát có 76 máy uốn ống và trở thành công ty sản xuất ống thép lớn nhất Việt Nam.
Công ty thép ra đời vì lý do cũng lãng xẹt thế thôi à.
Năm 2009, khi hoàn thành đầu tư lò cao đầu tiên ở Hải Dương, Hòa Phát quyết định đầu tư thêm lò cao thứ 2 vào đúng lúc bất động sản đi xuống, thị trường thép gặp khó khăn lớn. Lúc đó ông đã thuyết phục cổ đông thế nào mà vẫn triển khai được dự án?
Đúng là lúc đưa ra đại hội cổ đông thì bị chất vấn rất nhiều. Lúc đó, có cổ đông nước ngoài là thành viên HĐQT Hoà Phát hỏi nhiều nhất. Họ cho rằng làm một lò cao thì bán hết hàng, nhưng thêm lò nữa còn to hơn thì làm sao mà bán hết được và yêu cầu giải thích: thị trường thép đang xấu, bất động sản tụt dốc và đang có vấn đề thì thép làm ra bán cho ai?
Tôi cũng trình bày phương án, nhưng nói thế nào họ cũng không nghe. Trình bày các kiểu mà họ vẫn không đồng ý thì tôi nói: Các ông buộc phải tin thôi! Quan điểm của Hoà Phát là khi làm ra được thép chất lượng tốt và giá thành tốt nhất ở Việt Nam thì không có lý do gì mà không bán được. Kiểu gì khách hàng cũng sẽ mua của mình trước.
Cuối cùng họ vẫn đồng ý theo chúng tôi dù không thoải mái lắm. Đến lò cao thứ 3, tình trạng của cổ đông nước ngoài cũng vậy dù với lò thứ 2 hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, đến lò thứ 3 ở Hải Dương, cũng là lò lớn nhất thì gần như không ai hỏi “bán cho ai” nữa. Và đến khi làm dự án Dung Quất trị giá tới 3 tỷ USD thì cổ đông chỉ hỏi là “lấy tiền ở đâu để làm?”, mà cái chứng minh tài chính này thì dễ….
Lúc nói “Các ông phải tin thôi!”, ông tin thật hay có chút liều?
Tin thật chứ! Mình làm ra được sản phẩm tốt hơn người khác với giá thành tốt hơn, đó là quan trọng nhất, từ cái đó rồi mới tin là bán được toàn bộ sản lượng mình sản xuất. Rẻ hơn và tốt hơn thì đương nhiên là bán được, bất chấp thị trường, kể cả cung nhiều hơn cầu.
Nhưng với dự án Dung Quất trị giá 3 tỷ USD và sản lượng lên tới 4 triệu tấn thì câu chuyện “bán cho ai” sẽ hoàn toàn khác?
Chúng tôi vẫn theo quy luật của Hoà Phát thôi. Chỉ cần nhìn đơn giản là một dự án tương tự ở Việt Nam với sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn nhưng phải đầu tư trên 12 tỷ USD và làm trong 4-5 năm. Trong khi đó, dự án Dung Quất có sản lượng 4 triệu (có thể đạt 5 triệu tấn) tức là bằng khoảng 80% nhưng tổng đầu tư bằng ¼ và chỉ xây dựng trong 2 năm. Nhìn về suất đầu tư như vậy thì sức cạnh tranh của Dung Quất có câu trả lời luôn.
Về xây dựng, hiện tại trên công trường dự án Dung Quất có khoảng 12.000 người đang làm việc ngày đêm, với hơn 200 nhà thầu. Với số lượng lớn nhà thầu và nhân sự làm việc như vậy mà chúng tôi kiểm soát tiến độ và chất lượng của dự án rất tốt.
Nhưng còn giá thành sản xuất thép của Dung Quất thì sao?
Để làm 1 tấn thép thì cần khoảng 3 tấn nguyên liệu đầu vào (khoảng 1,7 tấn quặng, gần 1 tấn than, nửa tấn đá vôi...), và sau khi làm thành phẩm thì lại phải chuyển 1 tấn thép đó đi.
Do đó, để có một nhà máy 5 triệu tấn thép/năm thì phải vận chuyển ít nhất 20 triệu tấn hàng hoá ra hoặc vào nhà máy. Bạn cứ tưởng tượng 20 triệu tấn một năm mà giá thành chỉ thêm khoảng 3-4 USD/ tấn thôi thì chi phí sẽ đội lên 60-80 triệu USD rồi.
Với dự án Dung Quất, Hoà Phát đã có khu cảng liên hợp với công suất lên tới 30 triệu tấn/năm và đón được tàu 200.000 tấn (cảng Hải Phòng chỉ đón được tàu 30.000 tấn). Chỉ riêng việc vận chuyển nguyên liệu từ Úc, Brasil về qua cảng lớn ở Dung Quất đã tiết kiệm chi phí được khoảng 2 USD/tấn so với cảng nhỏ rồi.
Mà làm thép ở Dung Quất lại có nhà máy ở luôn đó nên không phải vận chuyển nguyên liệu đi nên chi phí lại tiết kiệm thêm vài USD/tấn nữa. Đây cũng là lý do mà tất cả các nhà máy thép lớn nhất trên thế giới đều đặt ở ven biển, với hệ thống cảng chuyên dụng.
Về sản xuất, làm thép ở Dung Quất cũng rất khác so với nhà máy hiện đại nhất của Hoà Phát trước đây. Ví dụ, ở Hải Dương, khi tàu chở quặng cập cảng thì sẽ có xe xúc nguyên liệu chở vào bãi, đến lúc cần nguyên liệu, xe lại ra bãi, xúc vào băng chuyền để đưa vào hệ thống sản xuất.
Nhưng Dung Quất khác hẳn. Ngay từ khi cập cảng, quặng từ tàu chở hàng được đưa luôn vào hệ thống băng chuyền trộn sẵn các nguyên liệu cần thiết và mọi việc đều được tự động hóa. Mọi người thậm chí không nhìn thấy quặng vì nó chạy kín hết trong băng tải…
Vậy vấn đề bảo vệ môi trường của dự án Dung Quất được thực hiện ra sao?
Hoà Phát chi tới 30% tổng giá trị đầu tư của dự án cho việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật và Hàn Quốc để có thép “xanh”. Đây là những quốc gia có yêu cầu về bảo vệ môi trường rất khắt khe.
Chúng tôi làm nhà máy tiêu chuẩn cao như vậy để sau này yêu cầu về môi trường của Việt Nam được nâng lên thì nhà máy của mình đã đáp ứng được rồi.
Yếu tố “xanh” trong thép của Hoà Phát được cụ thể ra sao?
Một là chất lượng không khí, nước phải được xử lý bằng các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại nhất. Chúng tôi chi hàng trăm triệu USD cho các thiết bị này. Hai là cùng sản xuất ra một tấn thép nhưng chúng tôi dùng ít than và điện hơn cũng tạo thêm yếu tố “xanh” trong sản phẩm.
Làm thế nào để thép của Dung Quất sản xuất được với ít than và điện hơn các công ty khác?
Khi sản xuất hàng triệu tấn thép ở Dung Quất, quy trình này sẽ làm sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Hoà Phát dùng công nghệ của Đức, chuyển hoá lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện với nhà máy có công suất lên tới 200MW. Với quy trình đó, Hoà Phát tự chủ được 65% lượng điện cần thiết cho sản xuất thép, và chỉ cần mua 35% của EVN.
Lượng điện do Hoà Phát tự chủ chính là điện xanh vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác và cũng giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Đây cũng thêm một lý do giúp cho thép của Dung Quất sẽ có sức cạnh tranh rất mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Thực tế, khi hoàn thành dự án Dung Quất, Hoà Phát sẽ vào danh sách 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Thời kỳ đang triển khai dự án Dung Quất, giá cổ phiếu Hoà Phát tăng một thời gian dài. Nhưng khi Dung Quất đã sắp thành hình và cho sản phẩm thì giá cổ phiếu của công ty lại không khởi sắc trên sàn chứng khoán mà giảm rất nhiều. Là CEO, ông có buồn về điều này không?
Hoàn toàn không, vì giá cổ phiếu phụ thuộc kỳ vọng của nhà đầu tư. Giá trị của Hoà Phát được định giá bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có tới 7-8 cách để định giá một công ty, một cổ phiếu. Nhưng với chúng tôi thì chỉ có một giá trị thôi, đấy là giá trị nội tại của Hoà Phát.
Năm 2018, tính trung bình, mỗi một ngày, Hoà Phát có lợi nhuận đúng 1 triệu đô, ngày nào cũng đều đặn tăng lên như vậy. Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên thị trường có ngày tăng 300 tỷ đồng có ngày giảm 400 tỷ đồng… Thị trường chứng khoán bản chất là như vậy, giá dao động giữa người kỳ vọng ít và người kỳ vọng nhiều.
Báo chí cứ nói ông Long (ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát) một ngày có thêm hoặc giảm tài sản mấy trăm tỷ, hay tôi một ngày thêm hay bớt mấy chục tỷ nhưng thực ra có phải thế đâu.
Cái thực chất nhất là mỗi ngày Hoà Phát có thêm 1 triệu đô lợi nhuận, và giá trị nội tại của Hoà Phát năm sau lớn hơn năm trước. Và như vậy, nhà đầu tư dài hạn chắc chắn có lợi ích còn nhà đầu tư ngắn hạn thì không biết được.
Tôi nói như vậy không có nghĩa là mình không có trách nhiệm với giá cổ phiếu công ty, nhưng đó là thứ không phải chúng tôi muốn là có thể làm gì được. Giá cổ phiếu phản ánh cung cầu trên thị trường chứng khoán thôi.
Vậy khi giá cổ phiếu Hoà Phát tăng hoặc giảm liên tục, ông có bị áp lực gì không?
Gần như là không. Nhiều lần họp đại hội cổ đông, có người cũng nói với tôi về điều này, tôi cũng trả lời họ tương tự như nói với bạn. Chúng tôi là những người điều hành công ty, đồng thời là cổ đông lớn. Là người điều hành, tôi có trách nhiệm quản lý công ty sao cho tốt nhất, hoạt động bền vững nhất và kiếm được lợi ích tối đa. Đấy là tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Còn giá cổ phiếu là do thị trường, do chính các cổ đông mua bán tạo nên chứ không phải tôi. Các bạn mua bán và làm nên giá cổ phiếu, còn chúng tôi chỉ làm nên giá trị công ty thôi. Giá trị công ty và giá trên thị trường chứng khoán là 2 khái niệm khác nhau, và có thể biến thiên cách nhau rất xa. Tuy nhiên, về dài hạn, 2 loại giá này sẽ dao động xung quanh nhau.
Từ một công ty nhỏ giờ Hòa Phát đã trở thành một tập đoàn lớn, việc quản trị có gì khác so với trước đây?
Hòa Phát như một sinh vật sống vậy, các giai đoạn khác nhau thì việc quản trị cũng rất khác nhau, kiểu như trong triết học người ta nói: lượng đổi thì chất đổi. Khi quy mô doanh nghiệp là 10 người, lãnh đạo biết mặt và trao đổi với từng người, tăng lên 100 rồi 1.000 người thì lãnh đạo bằng các quy tắc.
Còn lên đến hơn 2 vạn người như Hòa Phát bây giờ thì phải quản trị bằng quy tắc đi kèm với văn hóa của doanh nghiệp. Lúc này phải có văn hóa doanh nghiệp để mọi người làm theo chứ chỉ các điều luật không thể bao phủ hay giám sát hết các hành vi cá nhân trong công ty được.
Nhiều doanh nghiệp rất tốt nhưng rồi không lớn lên được vì không thay đổi hệ thống quản trị. Họ vẫn là kiểu công ty gia đình, ông chú bảo ông cháu, ông bố bảo ông con, tiện thì làm, không tiện thì cũng chẳng sao, sai chỉ trách mắng mấy câu rồi bỏ qua… Muốn làm công ty thật lớn thì không thể như thế được.
Văn hóa của Hòa Phát là…?
Hòa Phát có nghĩa là hòa hợp cùng phát triển. Anh Long (ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT- PV) nói ý nghĩa này từ khi thành lập công ty và nó đã trở thành văn hóa của chúng tôi, đến giờ vẫn đúng. Sự hòa hợp về lợi ích không phải chỉ là giữa các thành viên trong Hòa Phát, mà phải hòa hợp với lợi ích của khách hàng, đối tác, xã hội… thì mới phát triển tốt được.
Và dự án Dung Quất cũng là một điển hình của việc hòa hợp với xã hội khi chúng tôi đầu tư rất lớn cho các biện pháp bảo vệ môi trường (chiếm tới 30% tổng chi phí đầu tư) để tạo ra thép “xanh”.
Ý nghĩa “hòa hợp cùng phát triển” nghe có vẻ ôn hòa và dường như không đúng lắm với các mục tiêu, chiến lược phát triển rất quyết liệt của Hòa Phát, đặc biệt là dự án Dung Quất. Có gì mâu thuẫn ở đây không?
Không có gì mâu thuẫn cả. Trong cuộc sống, mọi người hòa hợp với nhau sẽ phát triển tốt hơn nhưng nó không đồng nghĩa với việc không quyết liệt khi thực hiện công việc. Thị trường là chiến trường, không ai đùa với tiền cả.
Khi quản lý công ty, một người dù khôn ngoan đến bao nhiêu nhưng không có đủ sự quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo thì doanh nghiệp cũng không lớn được. Mọi người ở Hòa Phát luôn kiên định và kiên quyết với con đường mà mình đã chọn và vì thế chúng tôi mới có ngày hôm nay. Quan trọng là phải làm đúng và làm quyết liệt.
Tại Hòa Phát, nhiều lãnh đạo cấp cao đều tốt nghiệp từ Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bản thân ông và Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cũng học cùng khóa. Cùng học một trường nên có sự hòa hợp chăng?
Trong nhóm lãnh đạo Hòa Phát, ngoài tôi học cùng anh Long thì còn mấy người cùng học nữa. Tôi chơi với anh Long tương đối thân từ ngày còn đại học và sau đó làm ăn cùng nhau trước khi thành lập Hòa Phát. Còn một số lãnh đạo, cổ đông khác là học phổ thông với anh Long.
Bắt đầu làm thép “từ một lý do lãng xẹt”, còn khi Dung Quất hoàn thành, Hòa Phát sẽ vào Top 50 thế giới về sản xuất thép. Ước mong của ông bây giờ là gì?
Khi khởi nghiệp cách đây 27 năm, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là để kiếm sống thôi, không có mong muốn to lớn gì bởi nói thế là bốc phét. Nhưng giờ khi mình không còn lo về cuộc sống nữa thì muốn Tập đoàn mà anh Long và mình với nhiều anh em ở Hòa Phát cùng xây dựng sẽ trở thành một cái gì đó có ý nghĩa, có sức cạnh tranh trên thế giới và đóng góp cho đất nước.
Tôi mong Hòa Phát còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sẽ tồn tại hàng trăm năm và thế hệ kế cận có thể làm nhiều thứ khác hay ho hơn chứ không chỉ riêng thép.