Trong suốt buổi trò chuyện, Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) – chồng của Lê Diệp Kiều Trang ngồi lặng lẽ ở gần đó và cũng mặc một chiếc áo phông đỏ của GoViet. Cô gái nổi tiếng trả lời phỏng vấn rất tự nhiên và cười giòn tan mỗi khi kể những kỷ niệm thú vị mà cô trải nghiệm cùng với các tài xế của GoViet.
Sau khi rời Facebook (trước khi làm GoViet, Lê Diệp Kiều Trang là Giám đốc Facebook Việt Nam), vì sao chị lại chọn đầu quân cho GoViet?
Mình có một niềm đam mê đặc biệt đối với công nghệ, nên khi về Việt Nam, mình mong muốn sẽ tìm được một sản phẩm công nghệ nào đó thực sự giúp được nhiều nhất cho cộng đồng. Đó sẽ là thứ khiến mình quan tâm và tạo ra ý nghĩa trong công việc.
Khi nhìn vào mô hình của Gojek, startup siêu kỳ lân (decacorn) đang đứng đằng sau GoViet về công nghệ và nguồn lực, mìnhthấy nó rất thành công ở Indonesia. Đó là một nền tảng đa dịch vụ: không chỉ gọi xe công nghệ, Gojek còn giao đồ ăn, tìm người giúp việc, sửa chữa quần áo, làm móng, sửa điện, sửa nhà...
Nếu như trước đây công nghệ thường chỉ giúp được những người tri thức, thu nhập cao thì nay, nó đã "phủ sóng" đến đại đa số người dân, kết nối những người thu nhập thấp với những người thành thị đang cần dịch vụ. Đó là điều đẹp nhất, ý nghĩa nhiều nhất.
So với các công ty công nghệ trước đây mà mình từng tham gia, GoViet cung cấp những sản phẩm gắn liền với cuộc sống thường ngày của người Việt Nam. Đây cũng là điểm đặc biệt mà Misfit (startup do chồng của Trang là đồng sáng lập cùng cựu CEO Apple – John Sculley, và Trang từng làm CEO tại Việt Nam) và Facebook không có. Thực ra, Facebook có gắn nhiều với Việt Nam nhưng lại không có phần offline. Còn khi làm với GoViet, mình cảm thấy là một phần của đời sống xã hội Việt Nam nên tình cảm và động lực khác hẳn.
Từng khởi nghiệp rất thành công, nhưng giờ lại quay sang "làm thuê". Vì sao chị lại quyết định chuyển từ làm chủ sang "làm thuê"?
Mình không quan niệm công việc là làm chủ hay làm thuê. Quan trọng là công việc đó có cho mình học hỏi, phát triển hàng ngày và nó có tạo ra những tác động xã hội, có giúp cho mình mỗi sáng thức dậy đều thấy có ý nghĩa hay không?
Trong công việc hiện tại, mình cũng kêu gọi những bạn có cùng định hướng về giá trị giống mình gia nhập đội ngũ. Như vậy, mỗi ngày đi làm, mình được gặp các bạn đó, được sát cánh cùng họ.
Trong việc "làm chủ" hay "làm thuê", điều quan trọng nữa là làm sao có thể ứng dụng được những suy nghĩ, sáng tạo để làm ra sản phẩm hay, dịch vụ tốt và có thể học hỏi được từ chuyện đó.
Sau một thời gian gia nhập GoViet, điều gì khiến chị thích nhất?
Đội ngũ GoViet!
Là đội ngũ trước đó hay là đội mà chị xây dựng lên?
Cả hai! Trước khi mình vào thì cũng nghe rất nhiều về sự phát triển của GoViet cũng như những khó khăn mà các bạn ấy phải trải qua. Khi mình chưa vào, thiếu "tướng", họ vẫn tự phối hợp nhịp nhàng để cho ra mắt sản phẩm Go-Food ở Hà Nội. Điều đó khiến mình có sự nể trọng với đội ngũ vận hành GoViet. Họ phải có niềm tin gì đó mãnh liệt mới có thể tiếp tục đứng trong đội ngũ và đẩy công ty đi tới.
Mình rất vui khi được thừa hưởng tinh thần đó. Các bạn rất trẻ, nhiều người chỉ vừa mới ra trường, nhưng các bạn đều rất gắn bó, rất mong mỏi một tương lai cho công ty, tương lai cho thương hiệu GoViet.
Với vai trò là người "đứng mũi chịu sào" thì trước một quy mô như thế này, mình phải nghĩ xem sẽ xây dựng lực lượng như thế nào, cần nguồn lực gì, nhân tài ra sao... nghĩa là phải chuẩn bị nhiều thứ hơn. Vì vậy, mình mới đứng ra kêu gọi các bạn trẻ và các anh em có cùng mục tiêu về với GoViet.
May mắn cũng chỉ cần một thời gian ngắn là người mới, người cũ tìm được tiếng nói chung. Người ngoài khi chứng kiến chúng tôi làm việc khó có thể đoán được ai là người mới, ai là người cũ.
Vào thời điểm chị về GoViet thì cũng có nhiều tin không tích cực liên quan đến hai nhân sự cao nhất (cùng tuyên bố rời đi và còn có tin đồn đòi bồi thường 800.000 USD). Lúc đó, chị nghĩ gì?
Mình nghĩ rằng không nên nhìn vào một cá nhân, nhìn vào quyết định của họ rồi phỏng đoán từ bên ngoài. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, mục tiêu riêng.
Điều quan trọng nhất mình nhìn thấy ở GoViet là vẫn là tinh thần đồng đội. Thế giới công nghệ giờ rất phát triển và có rất nhiều cơ hội, nhưng các bạn ở đây trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn gắn bó, nắm tay nhau để đẩy đi tiếp thì team đó phải có điều gì đó rất đặc biệt.
Nếu mọi người đơn giản là làm công ăn lương, kiếm tiền rồi về thì đó chỉ là mục tiêu cá nhân. Còn nếu tất cả cùng hướng đến công ty, đến những sản phẩm rất là hay vì người tiêu dùng, giải quyết được một nhu cầu cho xã hội, còn tạo ra cơ hội thu nhập cho đối tác... thì rất dễ để đi cùng nhau. Nói cách khác, mọi biên giới sẽ được xoá nhoà đi khi người ta có chung mục tiêu!
Trong thế giới các dịch vụ công nghệ như GoViet, sản phẩm có thể lên rất nhanh nhưng đi xuống, thậm chí biến mất cũng với tốc độ như vậy. Khi nhận vị trí Tổng Giám đốc GoViet, chị có cảm nhận tương lai với công ty của mình là bao lâu?
(Cười) Đối với mình, đội ngũ những người đồng hành luôn là thứ đem lại nguồn năng lượng cho mình mỗi ngày. Khi mục tiêu chung là tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai nữa, mọi người đều hiểu đây phải là một đường đi dài.
Mình không muốn phỏng đoán tương lai. Mình cứ làm tốt nhất công việc hiện tại và mỗi ngày mình gắn bó, sát cánh với các anh em. Đó là một cam kết cá nhân của mình với tất cả anh em trong công ty.
Một sếp công nghệ từng bảo không biết tương lai ra sao nên cứ nhìn 6 tháng sống được rồi tính tiếp. Vậy khoảng thời gian của chị thì sao, bao lâu thì chị sẽ "tính tiếp"?
Nhận định này cũng có cơ sở của nó. Trong thị trường công nghệ, tốc độ thay đổi sẽ rất nhanh. Nói là 6 tháng thôi, nhưng quãng thời gian đó là có rất nhiều bước đi, thông tin mới, quyết định về mặt kinh doanh, thói quen người dùng thay đổi, đối tác cũng thay đổi... ngay cả sự sáng tạo trong nội bộ kinh doanh cũng không ngừng mở rộng. Có những ý tưởng chưa từng thấy bao giờ nhanh chóng trở thành hiện thực. Vì vậy, trong thế giới này thì chuyện mỗi 6 tháng phải nhìn lại là rất bình thường. Thậm chí mỗi ba tháng đã phải nhìn lại.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có một tầm nhìn lâu dài. Đó là tầm nhìn về mặt chiến lược. Còn 6 tháng là tầm nhìn chiến thuật. Những công ty thị trường phát triển đều đều thì tầm nhìn chiến thuật có thể kéo dài hơn. Còn như với GoViet, 6 tháng là còn lâu đấy, cứ 3 tháng là đã phải xem xét để điều chỉnh rồi.
Nếu nhìn tầm nhìn chiến lược thì với thị trường như Việt Nam, bao giờ GoViet có lãi?
(Cười) Thế giới công nghệ thì có những điểm giống và khác so với đầu tư thông thường. Với công nghệ, giai đoạn đầu, các nhà đầu tư phải đổ vào đó rất nhiều tiền thì sau đó mới có lợi nhuận. Ví dụ như Amazon, lượng tiền đổ vào trong thời gian đầu là rất nhiều và cho tới rất gần đây mới có nét tích cực.
Thực ra cũng không chỉ trong ngành công nghệ đâu, nhiều ngành khác cũng thế, nhưng ngành công nghệ hướng tới người tiêu dùng nên người tiêu dùng hay đặt ra câu hỏi này hơn. Những ngành công nghệ không gần gũi với người tiêu dùng như công nghệ vật liệu mới, năng lượng tái tạo, hóa sinh, dược... thì lượng tiền đổ vào trong giai đoạn đầu rất lớn và mất một thời gian dài mới đưa ra được những điểm ngoặt, có thể là một phát minh khoa học hay là mô hình trưởng thành.
Tại sao nhà đầu tư sẵn lòng đổ tiền như vậy? Đó là vì những lợi ích nó mang lại về lâu dài mới nhìn thấy được. Khi nói về đầu tư cho công nghệ, mình nghĩ mọi người cần có tầm nhìn dài hơn để thấy nó hợp lý hay không.
Còn câu hỏi chừng nào mới có kết quả thì nó còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ và mô hình kinh doanh. Chứ không thể nào so sánh được mô hình kinh doanh công nghệ với một công ty bình thường, ví dụ như doanh nghiệp trà sữa chẳng hạn.
Nhưng kỳ vọng cá nhân của chị là bao lâu?
Đây là "bí mật kinh doanh" nên mình xin phép không chia sẻ. Tuy nhiên, như trên đã nói, mình cũng muốn chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về việc tại sao người ta đầu tư như vậy, tránh gây hoang mang. Khi mọi người không hiểu, chỉ nhìn vào một góc của sự việc thì không tốt, làm giảm đi sự ủng hộ cho đầu tư lâu dài của ngành, mà như thế là "giết chết" công nghệ.
Grab, Uber, hay GoViet đều phải trải qua những khủng hoảng do thay đổi chính sách với tài xế. Chị xử lý việc này như thế nào?
Sau mỗi sự việc mình lại rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Quan trọng nhất vẫn là thông tin, truyền thông: làm sao thông báo, giải thích với đối tác sớm hơn và thường xuyên có đối thoại với đối tác tài xế, để hiểu được góc nhìn của tài xế, giúp mình đáp ứng được nhu cầu bình thường của họ. Khi hai bên hiểu nhau rõ hơn thì cũng tránh bớt được những con đường gập ghềnh.
Và để hiểu hơn được các đối tác tài xế, trong tháng 8, GoViet tổ chức hoạt động nội bộ có tên "On the road challenge" (Thử thách trải nghiệm trên đường). Toàn bộ ban lãnh đạo công ty cùng với các nhân viên, sẽ mặc áo GoViet và mở ứng dụng, trải nghiệm như một tài xế thực sự.
Thử thách này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, nhân viên trong công ty khi phục vụ khách hàng cần thực sự nhìn thấy họ cần trân trọng các đối tác tài xế như thế nào, và cái gì mình làm còn thiếu sót. Thứ hai, khi chính mình chạy những cuốc xe đó thì mình mới hiểu và đồng cảm cũng như trân trọng hơn giá trị mà những đối tác tài xế đem lại.
Ở thử thách này, mình xung phong làm đầu tiên. Lúc đầu thì mọi người cũng ngạc nhiên lắm, các bạn trong công ty còn đòi đi theo hỗ trợ mình, nhưng mà mình chở rất ngon, chạy rất ổn (cười lớn). Sau đó, mình có nói với các anh em là khi vượt ra khỏi vùng an toàn của mình vì một điều gì đó, thì mình phải yêu nhiều đến mức như thế nào. Và khi bước ra rồi thì mình cũng sẽ yêu công ty, công việc, sản phẩm mà mình đang làm hơn.
Nhưng chị không đi xe máy trong thời gian dài, làm sao để có thể chạy xe ổn được để phục vụ khách hàng?
Ba mình cũng đã bắt mình chở đi lòng vòng, thử tay lái trước khi làm tài xế thật cho GoViet.
Sau khi được con gái chở, ông nói gì?
"Chuẩn, cho chạy!" (Cười thoải mái)
Vậy cuốc xe đầu tiên của chị như thế nào?
Hôm đó là sáng Chủ nhật, thường là vắng hơn. Mình cũng dại, ra Bitexco chờ mà ở đó thì không có người đi. Lúc đó mình cứ nghĩ ở trung tâm sẽ nhiều người đi nhưng phải đi lòng vòng mãi đến quận 4 thì mới có"cuốc". Nhận khách thì trúng ngay một anh cao cỡ 1m8, đô con, chắc mới đi tập gym về. Ảnh cũng thấy lạ vì gặp xế nữ.
Thực tình lúc đó mình sợ anh ấy bảo: "Thôi, em ra sau đi, anh chở em đi cho nhanh thì đúng là xấu hổ" (cười giòn tan). Nhưng may là anh ấy cho mình chở. Cuốc đó mình chạy từ quận 4 sang quận 7 được 11 ngàn, khách bo luôn thành 20 ngàn. Sau khi chở khách về quận 7, mình được thêm 1 cuốc Go-Food nữa. Hôm đó cũng chạy được mấy cuốc.
Sau khi trải nghiệm làm tài xế, chị có cảm nhận gì?
Thứ nhất, có rất nhiều chi tiết trong sản phẩm cung cấp cho tài xế có thể cải thiện được. Ví dụ như áo của tài xế.
Thứ hai, mình cũng hiểu được phần nào tâm lý của tài xế, như lúc chờ lâu không có cuốc chẳng hạn. Tâm lý và kinh nghiệm là điều rất quan trọng để họ quyết định đi đến những khu vực nào, chọn lựa những dòng sản phẩm nào.
Thứ ba, khi mình chạy xe thì mới cảm nhận được sự gắn kết trong màu cờ sắc áo là cái vô cùng quan trọng. Khi không biết đường, mình mặc áo đỏ mà hỏi anh áo đỏ GoViet là họ giúp. Thậm chí có những anh áo đỏ nhường đường khi họ thấy mình là tài xế nữ.
Mình tự hỏi làm sao phải tạo được tình cảm cộng đồng trong màu cờ sắc áo, để các anh em tự hào về GoViet và thấy mình là một phần của cộng đồng. Như vậy các anh em sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn, vì đại diện diện cho màu cờ sắc áo đó.
Facebook là thế giới ảo, GoViet là đời sống thật. Chuyển công việc từ Facebook sang GoViet có thể coi như chuyển từ thế giới ảo sang thế giới thực không?
Thực ra, mình không cho thế giới online là thế giới ảo. Nó rất thật bởi những suy nghĩ, thông tin, tương tác của con người trên đó là thật, chẳng qua là phương tiện tương tác bằng công nghệ, thông qua Internet mà thôi.
Từ online qua offline rất khác nhau. Thế giới online rủi ro cao hơn rất nhiều, tất cả mọi thứ không có biên giới. Còn thế giới offline thì rủi ro kiểu khác, nhưng quản lý phức tạp hơn, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm cũng như am hiểu về mô hình logistics, và gắn với đời sống truyền thống.
GoViet là sự kết nối nhuần nhuyễn giữa thế giới online và offline. Ví dụ, thông thường các nhà hàng bình thường cần có mặt bằng, thường là mặt tiền tốt thì khách mới tới. Nhưng khi lên GoFood trên app GoViet thì một chị nhà trong hẻm nhưng nấu ngon, giỏi, đồ ăn sạch… vẫn có thể tìm được người mua.
Hiện giờ, với phần lớn các bạn trẻ, cuộc sống bao gồm cả offline vào online, đặc biệt là nếu nhìn vào thời gian sử dụng điện thoại di động. Vì thế, kinh doanh dựa vào sự hiểu biết cả về đời sống online lẫn offline là trào lưu hiệu quả bây giờ.
Vậy với chị, từ làm việc chủ yếu là online, nay được làm cả online và offline với GoViet, đâu là điều thú vị nhất?
Mình có cảm giác được tham gia vào nhiều việc. Hồi trước, khi chỉ làm online, mình có thể ngồi sau máy tính và tự tin là có thể hiểu mọi thứ nếu nhìn vào con số.
Với offline, có nhiều việc nếu không ra đường thì sẽ không hiểu được. Và khi trải nghiệm, thì mình cũng có những sáng tạo trở lại cho online để cải tiến sản phẩm tốt hơn nữa. Từ online tới offline phức tạp hơn nhưng cũng thú vị hơn.
Ví dụ như hôm mình đặt xe GoViet, tài xế là một bạn sinh viên. Khi mình đề nghị chụp ảnh selfie thì bạn ấy mắc cỡ: "Nếu chị post facebook thì để em đeo khẩu trang, còn không post thì em xin chụp với chị một tấm đẹp để làm kỷ niệm". Dễ thương lắm (cười giòn tan).
Thế còn điểm yếu của chị khi chuyển từ Facebook sang GoViet?
Đó là những bỡ ngỡ khi nền tảng của mình vươn rất rộng ra nhiều lĩnh vực. Nó không chỉ là tài xế, quán ăn mà còn là người dùng. Nếu chỉ nhìn online và tự tin nói rằng mình hiểu khách hàng, đối tác thì sẽ sai.
Thêm nữa là cách người ta sử dụng, tương tác cũng thay đổi. Ngày hôm nay họ tương tác như thế này, ngày hôm sau họ lại nghĩ ra cách dùng sản phẩm của mình kiểu khác. Nên trong cái thế giới online đan xen offline này, sự sáng tạo không chỉ đến từ người cung cấp sản phẩm mà còn đến từ cộng đồng người dùng, đối tác…. và mình phải theo kịp họ.
Một ngày bình thường của chị trước và sau khi gia nhập GoViet có gì thay đổi?
Khác nhiều hơn đấy. Lúc trước mình ngồi sau máy tính nhiều hơn, làm việc ở đâu cũng được. Còn với GoViet, mình phải xuống đường nhiều hơn, rồi phải đến văn phòng để kết nối với đội ngũ nhiều hơn.
Tự nhận mình là người sống đơn giản nhưng việc được nhiều người quan tâm, hay nói cách khác là trở thành người của công chúng có đem lại phiền phức cho chị?
Nếu được lựa chọn thì không ai muốn phiền phức đâu. Nhưng mình nghĩ cái gì cũng có cái hay cái dở. Như vậy làm sao hạn chế cái dở và tận dụng cái hay. Khi có được sự ưu ái của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ theo dõi mình trên Facebook, nó đồng thời là cơ hội và cũng là trách nhiệm trong suy nghĩ và tiếng nói của mình.
Suy nghĩ của mình cũng có thể có ích cho các bạn trẻ vì các bạn ấy tò mò và muốn học hỏi, nhưng điều này cũng là gánh nặng vì mình vẫn còn trong quá trình học hỏi. Thực ra, ai cũng phải có trách nhiệm với những người xung quanh mình. Với mình thì nhiều người quan tâm hơn nên trách nhiệm cũng sẽ nhiều hơn.
Mình có may mắn hơn là đi nhiều, thấy nhiều, có nhiều cơ hội học hỏi, trải qua nhiều thứ, nên cũng mong muốn được chia sẻ với các bạn khác. Thế nhưng, mình cũng nói thật là việc chia sẻ là với mức độ hiểu biết trong thời điểm đó của mình.
Ngày hôm nay mình biết tới đó thì mình nói tới đó. Ngày mai chưa chắc quan điểm của mình còn như vậy. Trong công việc mình học được rất nhiều, như vậy cuộc sống mới tích cực, mới thích thú.