Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Ugur Sahin cho rằng khi thời gian trôi qua, các chủng virus đột biến mới của Covid-19 sẽ xuất hiện và có thể có khả năng né tránh lớp phòng vệ miễn dịch của cơ thể con người.
"Năm nay, việc phát triển một loại vaccine khác là hoàn toàn không cần thiết. Nhưng đến giữa năm sau, nó có thể sẽ là một tình huống khác", ông dự đoán.
Ông Sahin cho biết, các mũi tiêm tăng cường vẫn có thể đối phó với các biến thể Covid-19 hiện nay, kể cả với chủng Delta. Mặc dù các chủng virus này dễ lây lan hơn nhưng không đủ khác biệt để làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện tại.
Tuy nhiên, virus sẽ tiếp tục phát triển các đột biến để có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch của vaccine. Do đó, ông cho rằng, vaccine sẽ cần phải thay đổi để có thể đối phó với các chủng virus mới.
"Virus Covid-19 sẽ vấn tiếp tục tồn tại và biến đổi để thích nghi hơn nữa. Đây là một quá trình tiến hóa liên tục, và sự tiến hóa đó chỉ mới bắt đầu", ông nhấn mạnh.
Theo dự đoán của Sahin, các chương trình tiêm chủng sẽ có hai xu hướng hoạt động vào năm 2022. Cụ thể, những người đã được tiêm vaccine sẽ được cung cấp mũi tiêm nhắc lại; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy độ phủ vaccine cho những quốc gia có tỷ lệ tiếp cận vaccine thấp.
Công ty BioNTech là một công ty nghiên cứu sinh học có trụ sở ở Đức. Đây là công ty đã hợp tác với tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer Inc. của Mỹ để phát triển vaccine Covid-19, được biết đến là vaccine Pfizer. Vaccine Pfizer là loại vaccine đầu tiên dựa trên công nghệ mRNA giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và là loại thuốc bán chạy nhất thế giới trong năm nay.
Tháng trước, công ty đã đệ trình dữ liệu ban đầu cho các cơ quan quản lý Hoa Kỳ về việc sử dụng vaccine ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, một bước gần hơn với việc tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi đi học.
Tham khảo: Financial Times