Anh Nguyễn Trung Tín, chàng trai sinh năm 1987, tác giả của mô hình không gian làm việc mở Dreamplex vẫn không giấu được niềm vui và tự hào.
Anh cho biết mình rất thần tượng Obama qua cách sống lẫn thái độ làm việc. Những bài nói chuyện của ông Obama rất sâu sắc.
Tuy nhiên, anh cũng mới chỉ thần tượng ông Obama qua internet chứ chưa bao giờ mơ và nghĩ rằng mình có ngày được gặp, nên từ sau khi nhận được lời thông báo từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cũng như Chính phủ Hoa Kỳ đến thời điểm hiện tại, anh vẫn như đang nằm mơ.
Ngay sau cuộc gặp gỡ của Tổng thống Mỹ Barrack Obama với cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam tại TP.HCM vào chiều tối 24/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi riêng với anh Nguyễn Trung Tín - CEO Tập đoàn BĐS Trung Thuỷ và là người sáng lập nên không gian sáng tạo Dreamplex.
"Thật sự giống như từ trên trời rơi xuống vậy! Đến giờ tôi vẫn như người đi trong mộng, vì những gì đang diễn ra vượt ra mọi sự tưởng tượng của mình.
Đây đúng là sự kiện ngàn năm có một với chúng tôi", anh Tín mở đầu câu chuyên.
Quà tặng của Tổng thống Barrack Obama gửi đến các bạn trẻ Dreamplex với thông điệp "hãy mơ những giấc mơ lớn".
Đươc biết, ngay sau cuộc nói chuyện với các doanh nghiệp trẻ, Tổng thống Obama đã có những phút ngắn ngủi trò chuyện cùng anh. Vậy thông điệp chính mà Tổng thống gửi đến anh là gì?
Thực tình mà nói cảm giác của tôi ngay sau khi Tổng thống Obama rời khỏi toà nhà Miss Saigon vẫn chưa lắng đọng lắm, nói đúng hơn là rất hoang mang!
Gia đình tôi có một cơ may đã được gặp trực tiếp Tổng thống, dù chỉ vài phút ngắn ngủi, nhưng do run quá nên không nói gì được nhiều mà chỉ giới thiệu tổng quan về mô hình hoạt động Dreamplex, về đời sống gia đình...
Đổi lại, ông Obama cũng tái khẳng định rằng những gì mà Dreamplex đang làm đã mang lại hiệu ứng tốt cho cộng đồng và xã hội.
Nhưng, vui nhất là Tổng thống cho tôi cơ hội nói những lời cuối trước khi từ biệt, lúc đấy tôi cũng trả lời rằng với một môi trường sáng tạo khởi nghiệp hiện nay, những mô hình hoạt động như Dreamplex rất quan trọng, vì đó là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội kết nối với nhau, tạo ra nền tảng ban đầu để các công ty start-ups phát triển.
Tín hiểu rằng thông điệp này của ông Obama muốn kêu gọi chúng ta rằng, những gì thật sự vĩ đại, thật sự có thể thay đổi được thế giới, đều bắt đầu từ những người có những giấc mơ lớn. John F Kennedy.
Nelson Mandela. Eleanor Roosevelt. Martin Luther King. Abraham Lincoln. Elon Musk...tất cả những vĩ nhân này đều có một giấc mơ lớn của riêng họ, giấc mơ thay đổi thế giới xung quanh họ.
Và chính điều đó, Tín tin rằng là động lực thúc đẩy để họ có thể chiến đấu và vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác để đi đến thành công.
Chúng ta cần có những chính sách, chiến lược gì để kết hợp giữa doanh nghiệp Nhà nước – Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Quan hệ 3 bên như thế nào để thực sự hỗ trợ cho các bạn trẻ, kể cả những bạn trẻ đang là sinh viên, học sinh cấp tiểu học có tư duy khởi nghiệp.
Theo anh, từ những thông điệp mạnh mẽ của Tổng thống Obama, anh có nghĩ rằng sẽ tạo ra những cú huých cho cộng đồng khởi nghiệp trong nước trong thời gian tới?
Theo tôi, thông điệp từ Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra với giới trẻ cũng rất rõ, đó là ông Obama tin tưởng vào thế hệ tiếp theo của đất nước sẽ mang lại những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Trước khi ra về, ông Obama còn ký tặng lên bức tranh bằng lời nhắn nhủ rất hay là "hãy mơ những giấc mơ lớn".
Điều này có thể hiểu rằng, một khi đã là start-up thì cần phải có những ý tưởng lớn, cho dù công ty chúng ta thành lập dưới hình thức nào thì đều có những khó khăn như nhau nhưng phải có chiến lược vượt qua.
Vậy thì tại sao chúng ta lại dành công sức, tiền bạc để làm những công ty ở quy mô nhỏ, mà hãy làm cho nó lớn hơn.
Nói đến khởi nghiệp chúng ta cần biết là có đến trên 90% là gặp thất bại!
Nhưng các bạn trẻ hãy cứ lao vào cuộc chơi, miễn sao thất bại đó chấp nhận được, tức là đừng tạo ra thất bại bằng việc phải bán nhà bán cửa, gia đình tan rã, nợ nần chồng chất...
Nếu như vậy có nghĩa là các start-ups chưa có sự chuẩn bị thật tốt cho mình, chưa vững về mặt tài chính.
Do vậy chúng ta đừng quá vội vàng lao vào con đường khởi nghiệp mà hãy chọn một công ty làm công ăn lương, đợi đến tầm 30 tuổi với bề dày kinh nghiệm, tích luỹ một số vốn nhất định thì hãy khởi nghiệp bằng chính nguồn lực của mình.
Vậy theo anh các start-ups của chúng ta đang đối mặt với những trở ngại lớn nào?
Đối với các công ty khởi nghiệp, trở ngại lớn nhất vẫn là quá trình tiếp cận nguồn vốn đầu tư mà chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có cả từ phía Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu một start-up có một ý tưởng, am hiểu thị trường, chứng minh được tính khả thi của dụ án chiến lược với các nhà đầu tư... thì việc kêu gọi vốn sẽ không khó như các bạn từng lo sợ.
Ngược lại, nếu cái gì khởi đầu cũng quá dễ dàng thì nó sẽ trỡ thành một vấn đề chứ không còn là cơ hội.
Một thực tế nữa mà tôi muốn đề cập đến là các start-ups của chúng ta hiện nay thuộc thế hệ còn quá trẻ, trong độ tuổi từ 20-30, hoặc thậm chí còn nhỏ hơn.
Ở độ tuổi này các bạn chưa có nhiều trải nghiệm trên thị trường, nên dễ vấp phải sự thất bại.
Trong khi đó, các nhà khởi nghiệp của Mỹ đều có độ tuổi trên 37, khi mà họ đã tích luỹ được cho mình những kinh nghiệm suốt một quá trình làm việc trên cương vị giám sát, quản lý... ở một mảng nào đó.
Do vậy, khi thành lập công ty, các nhà khởi nghiệp này có đủ bản lĩnh để xây dựng chiến lược kinh doanh, cạnh tranh, quản lý con người... nên dễ dàng thành công hơn.
Một vấn đề khác, Tập đoàn Trung Thuỷ từ lâu đã sở hữu một quỹ đất khá lớn tại những vị trí đắc địa như quận 1, 4 và 7.
Tuy nhiên, hiện nay người ta biết đến Trung Thuỷ qua Dreamplex nhiều hơn là qua hoạt động đầu tư BĐS vốn có. Ông có thể tiết lộ chiến lược khai thác quỹ đất này khi thị trường BĐS đang "nóng"?
Xin nói lại rằng mô hình hoạt động của Dreamplex cũng là liên quan đến hoạt động kinh doanh và khai thác BĐS.
Do vậy, việc đầu tư vào Dreamplex nhằm tạo ra những giá trị cộng thêm cho một loạt dự án mà tập đoàn đang chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.
Mỗi toà nhà mà Trung Thuỷ sắp triển khai sẽ dành một không gian lớn, khoảng 3 tầng lầu để mở rộng hoạt động mô hình này.
Dự kiến trong năm 2016, công ty sẽ giới thiệu ra thị trường 4 dự án cao cấp với khoảng 1.200 căn, trong đó dự án tại quận 4 sẽ được chào bán vào tháng 6 tới.
Dự án này nằm tại mặt tiền Nguyễn Tất Thành, nơi có vị trí không thua kém Quận 1 với tầm nhìn toàn cảnh sông Sài Gòn và bán đảo Thủ Thiêm.
Dự án Lancaster Lincoln có khuôn viên đất rộng 7.202 m2, quy mô xây dựng bao gồm 2 hầm và 35 tầng cao, gồm 510 căn hộ, và một toà cao ốc văn phòng.
Dự án thứ 2 chúng tôi rất tâm đắc nhưng chưa phải lúc tiết lộ thông tin nhưng cũng thuộc dòng sản phẩm cao cấp mang thương hiệu Lancaster toạ lạc tại quận 1.
Chúng tôi đã thuê một đội ngũ thiết kế nước ngoài khá nổi tiếng, dự kiến đây sẽ là một dự án cực kỳ sáng tạo và mang những dấu ấn độc nhất trên thị trường BĐS hiện nay.
Dự án thứ 3 là khu biệt thự ở quận 2. Dự án này sẽ được khởi công trong quý 3 năm nay và kỳ vọng sẽ được tiêu thụ 100% vào cuối năm vì số lượng chỉ có 12 căn biệt thự cao cấp.
Dự án cuối cùng là một văn phòng thương mại tại trung tâm quận 1, được ví như một không gian khoa học sáng tạo với sự quy tụ của các công ty công nghệ hàng đầu về hoạt động.
Đa số những dự án trên tập đoàn Trung Thuỷ đều sử dụng nguồn vốn tự có để đầu tư. Trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tìm kiếm một số đối tác có tiềm lực để cùng phát triển các dự án khác trên quỹ đất sẵn có của Trung Thuỷ.
Thị trường BĐS thời gian qua phát triển khá nóng nhưng chúng tôi đang đi quá chậm chứ không ồ ạt ra dự án căn hộ như nhiều doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, những dự án của chúng tôi đều có sự khác biệt nên không lo khó cạnh tranh.
Nói gì thì nói, chiến lược kinh doanh và đầu tư BĐS của Trung Thuỷ vẫn chiếm 85% cơ cấu vốn đầu tư, còn lại là dành cho hoạt động cộng đồng như mô hình Dreamplex.
Anh Tín còn tiết lộ thêm, trong dự án Dreamplex 2, đặt tại 3 tầng trong một toà nhà nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, sẽ có mô hình phòng thí nghiệm với sự đầu tư mạnh về các loại máy móc, công cụ liên quan tới phần cứng như máy cắt, máy in, máy tạo khuông, máy scan, máy làm vi mạch.
Sắp tới Dreamplex sẽ tìm kiếm kênh hỗ trợ về mặt chính sách và nguồn vốn từ các chương trình khởi nghiệp của Chính phủ để tiếp tục "nhân bản" mô hình này rộng rãi hơn.