Thời gian này, anh và Luxstay được nhắc tới nhiều sau thông tin mua cùng lúc 36 xe của Vinfast. Quyết định này được đưa ra như thế nào?
Đây là một quyết định cá nhân, được đưa ra và triển khai trong thời gian rất ngắn. Tôi có giải thích vui ở trên trang Facebook cá nhân về việc này.
Thứ nhất, ở thời điểm hiện tại, đang có ưu đãi rất lớn nên mua nhiều trước khi xe tăng giá. Thứ hai, tôi là người kinh doanh nên không quá lo lắng về việc là sẽ làm gì với những chiếc xe đó.
Có thể vẫn chưa chính thức nhưng trong một tương lai không xa, dự án Luxstay sẽ có thêm những dịch vụ, không chỉ là chỗ ở mà còn liên quan tới thuê xe hoặc đưa đón. Số xe đã đặt mua biết đâu sẽ trở thành những đối tác của chính dự án của tôi trong tương lai.
Và sẽ khá là tuyệt vời khi bản thân dịch vụ của mình ra đời mà được bắt đầu bằng một dòng xe của Việt Nam.
Số tiền mua xe dự kiến lên tới 40 tỷ có phải được trích ra từ lợi nhuận sau gần 3 năm Luxstay hoạt động không?
Luxstay vẫn đang ở giai đoạn startup, phải đầu tư rất nhiều. Việc mua sắm các tài sản chắc chắn chưa liên quan đến lợi nhuận kinh doanh.
Điều này có chứng tỏ tiềm lực kinh tế của anh rất mạnh?
Cá nhân tôi thường làm những việc quá sức mình một chút. Cứ hành động đã, còn giải quyết nó như thế nào thì tôi tự tin là mình sẽ làm được. Thực tế, tôi cũng chưa tính chính xác con số phải thanh toán là bao nhiêu. Nhà sản xuất cũng chưa đưa ra các công thức để tính toán cuối cùng cho những chiếc xe đó.
Nhưng cũng nhiều người nói rằng anh đang đánh bóng bản thân và PR cho Vinfast?
Nếu có thể làm việc gì mà đạt được nhiều mục đích thì cũng rất tốt. Tuy nhiên, trong câu chuyện ở đây thì tôi không có dự tính PR cho bản thân khi triển khai đơn hàng này.
Về PR cho Vinfast, thực tế thì tôi không có thỏa thuận nào với họ. Cá nhân tôi vẫn nghĩ đơn hàng của mình rất nhỏ so với quy mô của Vinfast. Nhưng nếu có cơ hội giúp ích, góp phần thúc đẩy được cho thương hiệu ô tô của Việt Nam ở một khía cạnh nào đó thì tôi rất sẵn lòng.
Nói về Luxstay, nền tảng home-sharing này được anh ấp ủ và cho ra đời thế nào?
Câu chuyện của Luxstay bắt đầu vào khoảng hơn 2 năm trước. Phải nói thêm rằng, tôi đã khởi nghiệp được 13 năm và các dự án đều đến ngưỡng có lãi. Nhưng nhiều anh em, bạn bè khuyên nên chơi một cuộc chơi lớn hơn, điều này khiến cho tôi suy nghĩ rất nhiều.
Lúc đó, tôi thấy những người giàu nhất ở Việt Nam thường liên quan đến bất động sản nhưng đó không phải nghề của mình. Thêm nữa, ngành có tiềm năng nhất và nhà nước cũng đang chú trọng phát triển nhất là du lịch.
Mục tiêu đặt ra là bây giờ làm gì cũng phải đảm bảo hai điều: Quy mô phải đủ lớn và phải có cơ hội để mình trở thành số một. Cuối cùng, tôi đã kết hợp giữa bất động sản, du lịch và nghĩ tới ý tưởng về "sharing economy". Đó chính là xuất phát điểm của Luxstay trước khi ra đời.
Anh định hướng đối tượng người sử dụng dịch vụ của mình như thế nào?
Ngành này ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới. Đối tượng tôi nghĩ tới đầu tiên là giới trẻ và dân công sở.
Bởi ngay tại nơi mình xuất phát là Hà Nội, trào lưu đi nghỉ dưỡng cuối tuần hay team building ở những biệt thự nghỉ dưỡng đang bùng nổ và phát triển rất nhanh.
Lúc đó, tôi đã có một vài nghiên cứu liên quan tới văn hóa. Vì trên thế giới, mô hình home-sharing đã bùng nổ và rất phát triển.
Đặc biệt là ở Mỹ hay châu Âu hiện nay, mô hình này gần như 50-50 so với ngành khách sạn truyền thống. Kết quả là văn hóa, quan điểm và thói quen chọn chỗ ở giữa những người đi du lịch, công tác ở châu Âu và châu Á có sự khác biệt.
Cụ thể là như thế nào?
Mô hình home-sharing xuất phát từ thứ gọi là "bed and breakfast", tức là bất cứ chỗ nào có thể ở hoặc lưu lại được là có thể đưa ra kinh doanh. Tuy nhiên, ở Châu Á có thể sẽ khác biệt.
Tôi có nghiên cứu ở những nước như Trung Quốc hay Nhật Bản thuộc văn hóa phương Đông. Tại đây, những người khách thường không muốn ở chung nhà với chủ nhà. Những người chủ nhà cũng không chào đón những người lạ ở trong căn nhà của mình.
Do đó, Luxstay đã hướng tới phân khúc cao cấp hơn chứ không chỉ giá rẻ. Chúng tôi cũng thường hướng tới những chỗ ở nguyên căn để phù hợp hơn với văn hóa của người phương Đông, mang tới trải nghiệm cao cấp, sang chảnh với mức giá ưu đãi.
Trên thực tế, chi phí sử dụng sản phẩm của Luxstay luôn thấp hơn từ 30 – 70% so với các khách sạn hoặc resort ở cùng phân cấp.
Đó có phải là những con số ấn tượng nhất của Luxstay trong giai đoạn đang phát triển này không?
Thực ra, con số làm tôi cảm thấy nhớ nhất và ấn tượng nhất là trong hai năm triển khai là mức độ tăng trưởng của số lượng chủ nhà. Đó là những người mà chúng tôi gọi là host, đối tác kinh doanh tham gia thị trường. Con số này tăng trưởng chóng mặt.
Khi tôi bắt đầu họp triển khai, những đơn vị khảo sát thị trường chỉ đưa ra con số khoảng 6.000 chỗ ở trên khắp cả nước tham gia thị trường lưu trú. Nhưng chỉ sau hai năm, hiện tại con số đó đã tăng lên 45.000 chỗ, tức là gấp gần 8 lần.
Những ngày đầu tiên, anh gom vốn thành lập Luxstay thế nào?
Startup thường bắt đầu với những gì rất nhỏ, vốn lúc này không phải là vấn đề hàng đầu. Luxstay có khoảng 3 cổ đông ban đầu, số vốn rơi vào khoảng 100.000 USD. Sau khi thành lập về mặt xây dựng và kỹ càng hơn về ý tưởng cũng như chiến lược kinh doanh, tôi bắt đầu luôn công việc gọi vốn.
Khi kêu gọi vốn nước ngoài, anh đã thuyết phục nhà đầu tư thế nào về ý tưởng kinh doanh của mình?
Tất nhiên là chúng tôi phải thuyết phục nhưng sự thuyết phục này sẽ diễn ra cả hai chiều. Tức là nhà đầu tư thuyết phục startup và startup cũng thuyết phục nhà đầu tư có lòng tin rằng mô hình này sẽ phát triển.
Việc đầu tiên là đội ngũ sáng lập phải có và thể hiện một lòng tin rất lớn vào mô hình kinh doanh của mình. Cùng với một sự quyết tâm gần như là hết sức. Đó chính là sự thuyết phục lớn nhất, thậm chí là vượt qua cả phần ý tưởng.
Nhiều nhà đầu tư nói với tôi rằng nếu con người, đội ngũ hoạt động và triển khai một cách tốt nhất thì ý tưởng hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Cách làm và con người mới là cái mà họ lựa chọn. May mắn của Luxstay là sau khi thành lập khoảng 3 tháng đã kêu gọi được vòng đầu tư đầu tiên từ Quỹ của Nhật Bản.
Anh từng chia sẻ, startup thì sẽ sống bằng niềm tin nhưng dường như các nhà đầu tư thì không xuống tiền dựa trên cảm xúc. Anh nghĩ sao về việc này?
Tôi không phải là họ nên không thể biết chắc, giữa cảm xúc và lý trí thì phần nào lớn hơn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi tin là với những quỹ đầu tư mạo hiểm, họ luôn phải có những căn cứ và nhìn vào nền tảng để đưa ra quyết định. Ở đây, cảm xúc phần lớn là họ có đặt niềm tin vào thị trường và con người hay không.
Bởi các startup mới đầu chưa có nhiều số liệu để căn cứ. Nhà đầu tư sẽ phải nhìn vào lịch sử hoạt động của những con người sáng lập dự án đó và tiềm năng của thị trường có hấp dẫn hay không.
Rất nhiều start-up gọi vốn nước ngoài, sau đó "đánh mất mình", anh đã chuẩn bị cho dự án của mình những gì để phòng trừ rủi ro, hạn chế việc "bị nuốt chửng"?
Ở thời điểm này, tôi không nghĩ quá nhiều về việc đó.
Việc Luxstay ra đời ảnh hưởng như thế nào tới việc quản lý các startup trước đây của anh?
Khi triển khai Luxstay, tôi thấy một trong những điều quan trọng để thu hút được lòng tin là sự tập trung. Các nhà đầu tư và bản thân những anh em cùng chiến đấu rất quan tâm tới sự tập trung của người lãnh đạo.
Từ đó, tôi quyết định là sẽ rời khỏi những vị trí điều hành của các công ty trước đây để tập trung vào Luxstay. Tôi suy nghĩ nhiều nhưng nhanh và không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn.
Có câu "không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", còn anh dường như đang làm điều ngược lại. Vì sao vậy?
Trước đây, tôi là một người nhiều ý tưởng, thích làm nhiều thứ và cũng đã làm rất nhiều dự án. Kết quả là các dự án có thể phát triển tốt nhưng khó để một dự án có thể đủ lớn.
Khi quyết định là sẽ ra khỏi những cái cũ để tập trung vào làm một dự án to lớn thì việc đầu tiên tôi suy nghĩ đến là sự tập trung. Chắc chắn một trong những thứ để đảm bảo cho dự án có thể đi xa được là tôi phải có một quyết tâm duy nhất.
Nói ví von giống như bỏ trứng vào một giỏ thì cũng không sai bởi đã quyết định làm lớn thì cũng đã nghĩ đến một thành công rất lớn.
Các nhà đầu tư hoặc cố vấn của tôi nhiều khi cũng nói đùa "một là hero, hai là zero", tức là phải sẵn sàng một là rất lớn, hai là không được gì cả. Mình phải chấp nhận và có một quyết tâm duy nhất khi đã xác định bước vào cuộc chơi lớn.
Đó có phải lý do khiến 14 năm trước, anh đưa ra quyết định táo bạo là không thi đại học để khởi nghiệp?
Thời điểm thi đại học, tôi gặp sức ép rất lớn từ phía gia đình. Nhưng khi đã đam mê rồi thì không muốn chờ đợi. Tôi cũng tin là mình sẽ làm được nên mình quyết tâm triển khai ngay. Lúc đó, tôi rất đam mê Internet và có thể tạo ra những sản phẩm, trang web. Điều mà ở thời điểm đó, rất ít những công ty hoặc cá nhân có thể tạo ra được.
Nhiều doanh nghiệp cũng như bạn bè muốn tạo trang web riêng ở trên Internet đã ngỏ ý muốn thuê tôi làm. Từ đam mê, tôi trở thành người kinh doanh bất đắc dĩ. Sau đó, tôi gặp một người bạn nữa và quyết định thành lập công ty đầu tiên khi còn đang học lớp 10.
Ở thời điểm hiện tại khi nhìn lại quyết định đó, anh có thấy hối tiếc không?
Nếu nói về quyết định về mặt kinh doanh, tôi không có gì phải hối tiếc. Tuy nhiên, cũng có một chút nuối tiếc là chưa được đi học đại học giống như bạn bè. Dẫu vậy, học là việc diễn ra thường xuyên và hàng ngày. Người ta hay nói rằng nếu không học ở trường lớp thì sẽ học ở trường đời. Tôi học từ những người xung quanh và từ những vấp ngã của chính bản thân mình.
Đương nhiên, tôi cũng tham gia nhiều khóa đào tạo khác về kinh doanh để phục vụ cho công việc.
Anh có vẻ là người lạc quan và rất nhiều niềm tin?
Đó là tính cách của tôi. Tôi luôn muốn làm việc hoặc chơi với những bạn bè có suy nghĩ tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Trên thực tế, tôi thấy những người thành công có mức độ suy nghĩ tích cực cũng cao hơn nhiều so với người khác.