Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước đồng minh. Ảnh: New York Times
Cái giá của xung đột ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành thách thức kinh tế lớn nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái và có thể gia tăng rủi ro cho sự khôi phục kinh tế của Mỹ.
Sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt của phương Tây và đòn đáp trả của Nga đã khiến giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng, làm trầm trọng hóa tình trạng lạm phát và gây sụt giảm tăng trưởng toàn cầu. Cú sốc dầu mỏ do cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy giá xăng dầu trung bình ở Mỹ lên hơn 5 USD/gallon vào tháng 6, trước khi giảm dần vào tháng 7 và tháng 8.
Tuần này, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ sửa đổi lần cuối kế hoạch nhằm hạn chế những tổn thất kinh tế của việc áp giá trần dầu mỏ Nga. Ý tưởng trên, được đề xuất bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, có mục tiêu duy trì dòng chảy dầu mỏ Nga ra thị trường thế giới, thậm chí cả khi châu Âu tiếp tục các biện pháp mới nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ dầu mỏ.
Trong năm tới, việc áp giá trần dầu mỏ Nga và những nỗ lực khác nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu sẽ là trọng tâm kinh tế chính của Tổng thống Biden. Với những lựa chọn hạn chế sau khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden sẽ cần tìm kiếm những cách thức mới để bảo vệ thị trường khỏi những ảnh hưởng của xung đột, trong đó có những sáng kiến quốc tế mới nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực và ngăn cản nguy cơ khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển.
Tổng thống Biden và các cố vấn kinh tế đã dành nhiều thời gian ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong tháng này tại Bali, Indonesia để xây dựng nền tảng cho những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trên thực tế, những quyết định lớn nhất của Tổng thống Biden về kinh tế trong những tháng tới sẽ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine: Đó là làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho Ukraine và làm thế nào để thúc đẩy cuộc xung đột nhanh chóng đi đến hồi kết.
Cuộc xung đột hiện nay là một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với Ukraine nhưng cũng khiến "thế giới phải trả giá đắt", Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất, Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) cho hay. Ông nhận định: "Chúng ta đang ở trong tình thế khó khăn thậm chí cả khi xung đột ở Ukraine không leo thang nghiêm trọng".
Ông cũng đánh giá: "Một nhận định chung mà mọi người đều rút ra là cuộc xung đột này cần kết thúc bởi những hậu quả với nền kinh tế sẽ rất lớn".
Áp giá trần dầu mỏ Nga là câu trả lời của chính quyền ông Biden
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden nhất trí rằng cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những tháng tới là thúc đẩy cuộc xung đột đi đến hồi kết - điều mà Tổng thống Biden nhiều lần cho rằng phải dựa trên những điều khoản của Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, trọng tâm của nỗ lực hạn chế tối đa tổn thất về kinh tế là kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga. Tổng thống Biden đã thúc đẩy ý tưởng trên nhiều tháng nay qua các cuộc đàm phán xuyên lục địa với mục tiêu là hàng triệu thùng dầu Nga vẫn được xuất ra thị trường toàn cầu nhưng sẽ bị giảm giá nhằm làm giảm doanh thu của Moscow.
Các tàu chở dầu ở ngoài khơi Nakhodka, một thành phố cảng của Nga. Ảnh: Reuters
Ngày 28/11, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nhận định với báo giới rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có "tác động rất nghiêm trọng và to lớn đến nền kinh tế", đồng thời nhận định, "đó là lý do tại sao chúng ta cần áp giá trần dầu mỏ Nga".
"Chúng tôi lạc quan cho rằng việc áp thành công giá trần dầu mỏ Nga sẽ tránh được cú sốc tăng giá năng lượng. Đây là một kế hoạch tiến bộ để tránh khủng hoảng", Ben Harris, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chính sách kinh tế nhận định.
Tổng thống Biden hầu như có rất ít lựa chọn nếu những kế hoạch trên thất bại. Với việc đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden gần như chắc chắn sẽ bị hạn chế trong việc thúc đẩy các biện pháp kinh tế mới tại Quốc hội trong 2 năm tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới khi dẫn ra những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố của các nước sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia cũng khẳng định, cuộc xung đột ở Ukraine đang "gây ra những thương vong to lớn, làm trầm trọng tình trạng bất ổn hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, hạn chế tăng trưởng, làm tăng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng sự mất an ninh về lương thực và năng lượng cũng như gây ra những rủi to với sự ổn định tài chính".
Theo nhà quan sát Jim Tankersley bình luận trên New York Times, Tổng thống Biden không thể kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine nhưng có thể hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ cuộc xung đột này.
Điều đó sẽ bắt đầu bằng việc áp giá trần dầu mỏ Nga . Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của EU sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Những biện pháp trừng phạt này có thể ngăn hàng triệu thùng dầu Nga xuất ra thị trường toàn cầu cũng như đẩy giá dầu thô tăng vọt.
Nỗ lực áp giá trần dầu mỏ tức là dầu mỏ Nga vẫn được tiếp tục bán ra thị trường toàn cầu nhưng sẽ bị giảm giá. Mỹ cho rằng kế hoạch này sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ mà Nga đang sử dụng để tài trợ cho cuộc xung đột, song vẫn giữ giá dầu ổn định và tránh được những dự đoán cho rằng giá xăng dầu ở Mỹ sẽ lên tới 7 USD/gallon. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá, kế hoạch trên sẽ làm giảm sức ép lên nền kinh tế các nước đang phát triển và cho phép họ mua dầu được giảm giá từ Nga so với giá thị trường.
Phản ứng của Nga và nguy cơ xung đột leo thang
Dù vậy, Nga sẽ không dễ dàng để kế hoạch trên được thực hiện. Moscow có thể đáp trả bằng cách rút dầu mỏ khỏi thị trường nhằm khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, nếu làm vậy, Nga cũng sẽ tổn thất về doanh thu.
Ngoài ra, các nhà quan sát phương Tây cho rằng, nếu kế hoạch áp giá trần được thực hiện, Moscow sẽ leo thang xung đột ở Ukraine, dẫn đến rủi ro gia tăng cho nền kinh tế thế giới.
Moscow gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Vụ tên lửa Ukraine rơi ở Ba Lan cũng nhắc nhở thế giới về rủi ro leo thang xung đột có thể vượt khỏi biên giới Ukraine và lan ra các nước châu Âu. Đến nay, chính quyền Tổng thống Biden đã thành công trong việc ngăn cản căng thẳng leo thang bằng cách ngăn cản xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến các nước NATO. Tuy nhiên, nếu như ngày càng có nhiều vụ tên lửa "đi lạc" hoặc tình hình chiến trường Ukraine thay đổi, những tính toán trên có thể cũng sẽ thay đổi.
Tổng thống Biden khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang ở vị trí thuận lợi để chống chọi trước bất kỳ bước lùi nào của nền kinh tế toàn cầu. Các cố vấn của ông dẫn ra rằng, là một nhà sản xuất năng lượng lớn, Mỹ sẽ không phải chịu những khó khăn như châu Âu khi không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ và khí tự nhiên Nga.
Cho tới nay, Tổng thống Biden cũng đối mặt với hầu như rất ít sức ép trong nước liên quan đến những quyết định trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ukraine thậm chí còn không phải một vấn đề ưu tiên của các cử tri Mỹ mà bằng chứng là cuộc xung đột này không nằm trong tốp 60 chủ đề trong các chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Biden tìm kiếm nhiệm kỳ tiếp theo, kinh tế Mỹ - vốn chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine - sẽ chiếm vị trí không nhỏ. Nếu xung đột ở Ukraine khiến giá khí đốt tăng cao, điều đó có thể ảnh hưởng đến lập trường của dư luận với Tổng thống. Tỷ lệ lạm phát lương thực và năng lượng ở mức cao cũng có thể thúc đẩy Quỹ Dự trữ Liên bang tăng tỷ lệ lãi suất nhanh hơn và lâu hơn so với các quan chức dự báo. Điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng và làm tăng rủi ro suy thoái.
Dù vậy, Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định những mối đe dọa trên sẽ không ngăn cản ông làm những điều mà ông cho là đúng đắn ở Ukraine./.