Thiết kế cầu Thượng Cát do đơn vị tư vấn thực hiện. Nguồn: Ban quản lý dự án công trình giao thông
HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, trong đó có Dự án cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu.
Cầu Thượng Cát được xếp vào dự án nhóm A với tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2027. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.
Tổng chiều dài cầu Thượng Cát là 5,22 km. Trong đó, chiều dài cầu chính là 820 m, bề rộng cầu 33 m, đảm bảo 8 làn xe. Đường hai đầu cầu rộng 50-60 m. Công trình bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Phương án thiết kế cầu có mái vòm sắt, gồm hai đơn nguyên cầu ghép với nhau. Thiết kế cầu có trụ dây văng và có đường dành riêng cho phương tiện vận tải hành khách công cộng, như: xe buýt, buýt nhanh BRT hoặc tàu điện...
Hình ảnh thiết kế cầu Thượng Cát nối Bắc Từ Liêm với Đông Anh. Ảnh: TPO
Cùng với cầu Thượng Cát, Hà Nội triển khai dự án Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có tổng mức đầu tư là 1.495 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.
Tổng chiều dài của dự án là khoảng 3,5 km với quy mô mặt cắt ngang 60 m. Địa điểm xây dựng là quận Bắc Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Trên tuyến đầu tư một cầu bê tông cốt thép.
Việc đầu tư xây dựng dự án giao thông nêu trên được Hà Nội đánh giá là góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt và nối thông toàn tuyến Vành đai 3,5 từ phía Nam sang phía Bắc sông Hồng.
Dự án được kỳ vọng liên thông với các tuyến đường khung quan trọng của Thủ đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho đường 70, vành đai 3 và quốc lộ 32, đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực...
Cầu Thượng Cát là một trong 8 cây cầu vượt sông Hồng sẽ được Hà Nội xây mới theo quy hoạch phân khu sông Hồng, 7 cầu còn lại gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Trần Hưng Đạo, Thăng Long Mới, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi và Mễ Sở.