"Câu lạc bộ lãi nghìn tỉ" sẽ đổ bộ sàn chứng khoán năm 2020

Thiên Bình |

Trong số 93 doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện cổ phần hoá đến hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp đang sở hữu khối tài sản hàng trăm nghìn tỉ, hứa hẹn sẽ mang một lượng cổ phiếu khổng lồ lên sàn chứng khoán sau khi tiến hành cổ phần hoá thành công.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15.8, đã ký Quyết định phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó có rất nhiều cái tên đang được mong chờ với tiềm lực “khủng”.

Trong nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là cái tên gây nhiều chú ý.

Câu lạc bộ lãi nghìn tỉ sẽ đổ bộ sàn chứng khoán năm 2020 - Ảnh 1.

Vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của Agribank liên tục tăng qua các năm.

Vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn hệ thống Agribank năm 2018 đạt 58.181 tỉ đồng, tăng 9.722 tỉ đồng (tương đương 20%) so với năm 2017. Vốn điều lệ năm 2018 đạt 30.473 tỉ đồng, tăng 119 tỉ đồng so với năm 2017.

Đến cuối năm 2018, Tổng tài sản hợp nhất của toàn hệ thống Agribank đạt 1.282.449 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017.

Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của Agribank liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt năm 2018, Agribank lãi 6.047 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm 2017 là 3.791 tỉ đồng.

Đứng trong nhóm câu lạc bộ lãi nghìn tỉ còn phải kể đến Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV (Vinacomin).

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tập đoàn đều đạt và vượt kế hoạch với sản lượng than thương phẩm đạt 35,96 triệu tấn, lượng than tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn. Sản lượng điện do TKV sản xuất đạt 9,4 tỷ kWh, chiếm khoảng 5% sản lượng điện cả nước.

Theo báo cáo, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 121.700 tỉ đồng, trong đó riêng doanh thu từ sản xuất than đạt 62.260 tỉ đồng. Lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 1.000 tỉ đồng so với năm 2017 và đạt gấp đôi kế hoạch.

Trong nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, 2 ông trùm viễn thông có tiềm lực khủng phải kể đến Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Không thường xuyên công bố các thông tin tài chính. Tuy nhiên, mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019, VNPT cho biết năm 2018 đạt mức lợi nhuận 6.445 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017 và vượt 9,4% kế hoạch năm. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của Mobifone đạt trên 30.400 tỉ đồng; trong khi vốn chủ sở hữu trên 19.400 tỉ đồng. Nếu hoàn thành xong cổ phần hoá, lượng cổ phiếu lớn của doanh nghiệp này sẽ đổ bộ lên sàn chứng khoán, hứa hẹn sẽ gây ra nhiều bất ngờ.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ dưới 50%, có hai cái tên đáng chú ý, sở hữu khối tài sản hàng trăm tỉ gồm Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2).

Tổng tài sản của Genco 1 tính đến cuối năm 2018 lên đến trên 112.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trên 23.200 tỉ đồng. Genco 2, tổng tài sản trên 31.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong danh sách này còn rất nhiều cái tên đáng chú ý khác với tài sản lên tới hàng nghìn tỉ như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC)...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại