Nga là nạn nhân một chiến lược thù địch của phương Tây?
Ngày 12.10, Georgia Today đưa tin, Hội nghị An ninh và Quốc phòng giữa Gruzia và các đối tác NATO lần thứ 11, đã được tổ chức tại Batumi, Gruzia. Tư lệnh NATO, đại diện NATO tại Caucasus, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Thổ Nhĩ Kỳ, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tham dự hội nghị này.
Ngay trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili đã chỉ trích "Nga vẫn áp dụng chính sách hung hãn, có nhiều hành động khiêu khích, mặc dù Gruzia cam kết tuân thủ thỏa thuận ngưng bắn năm 2008, thực hiện các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột".
Trước đó tại diễn đàn kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nữ Tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė cũng đã chỉ trích Nga, khi cho rằng "hiện nay các phương pháp đe dọa và gây hấn đang được Nga sử dụng ở Ukraine và dọc theo biên giới phía đông của NATO”.
Bà Grybauskaitė khẳng định: “Binh sĩ Nga tham gia cuộc tập trận Zapad-2017 là hành động có tính khiêu khích tại biên giới với các nước Baltic và Ba Lan, tạo ra vũ khí địa chính trị nhằm gây mất ổn định khu vực, diễn tập kịch bản chống lại các nước láng giềng, chuẩn bị phương thức tấn công phương Tây”.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây đang căng thẳng thì việc các quốc gia có khát vọng “Tây tiến” như Ukraine, Gruzia hay các nước vùng Baltic hiểu lầm về chiến lược, hiểu sai chiến thuật của Nga, từ đó tỏ thái độ thù địch với Nga là điều tất yếu và hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, khi lãnh đạo các quốc gia láng giềng mượn những diễn đàn quan trọng như phiên họp Đại hội đồng LHQ hay Hội nghị an ninh và quốc phòng của một cấu trúc tập thể để lên án Nga đe doạ và gây bất ổn cho các nước láng giềng thì không còn bình thường nữa, dù đó là các thực thể đối nghịch với nước Nga.
Nhiều nhìn nhận cho rằng, thực ra Nga chỉ là nạn nhân một chiến lược thù địch của phương Tây do thừa kế vai trò lịch sử của Liên Xô trước đây.
Nữ Tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė đã chỉ trích Nga ngay tại diễn đàn Đại Hội đồng LHQ. AnhẢnh: Georgia Today
Ngược dòng lịch sử thì ta thấy nguyên nhân của Chiến tranh Lạnh và căn nguyên việc hình thành thế giới lưỡng cực là xung đột về hệ tư tưởng. Do vậy, khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc thì mâu thuẫn giữa Nga - thực thể kế thừa Liên Xô - với các nước phương Tây tưởng chừng sẽ phải chấm đứt. Song thực tế lại không diễn ra như vậy.
Trong khi khối quân sự Warszawa giải tán thì khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tồn tại, đồng thời thực hiện "Chiến lược Đông tiến". Kết quả là chỉ trong vòng 10 năm (1999 - 2009), có tới 12 nước thuộc khối Warszawa và Liên Xô cũ đã gia nhập NATO.
Đứng trước nguy cơ xung đột quân sự với phương Tây, thậm chí chính Tổng thống Putin đã từng đề nghị với Tổng thống Mỹ Bill Clinton về việc Nga xin gia nhập NATO, một động thái được cho là Moscow đã chủ động chọn đối thoại thay vì đối đầu với Brussels.
Tuy nhiên, lời đề nghị của nhà lãnh đạo Nga đã không được đối phương xem trọng và đó được xem là lời cảnh báo cho nước Nga trước hiểm hoạ không thể hóa giải bằng các biện pháp phi vũ lực từ phía Tây. Từ đó, Tổng thống Putin đã chọn hồi phục sức mạnh Nga và đối trọng Nga - phương Tây đã tái sinh.
Thực tế đó đã chứng minh nước Nga thời hậu Xô Viết là thực thể kế thừa mọi di sản của Liên Xô thì phải kế thừa luôn sự thù địch của phương Tây từng hướng về Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thế giới lưỡng cực Xô - Mỹ.
Chính ông Paul Pillar, một cựu sĩ quan cao cấp của Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) hay ông John Sawers, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI5) cũng từng nhìn nhận rằng phương Tây vẫn xem Nga là trung tâm của sự mất lòng tin, theo CNN.
Khi phương Tây không "chào đón nước Nga vào cộng đồng các quốc gia mới", như lời ông Paul Pillar, thì đương nhiên các quốc gia có khát vọng "Tây tiến" cũng không thể xem Nga là đối tác.Do vậy, mọi hành động của Moscow đều bị xem là hành động thù địch xuất phát từ tư tưởng thù địch đối với họ,
Chính sách đối ngoại của Nga cần phải có những hiệu chỉnh để hoá giải nguy hại từ chiến lược thù địch?
Liên Xô trước kia và Liên bang Nga ngày nay được dư luận quốc tế nhìn nhận là luôn có chính sách đối ngoại thân thiện. Trong mối quan hệ với các đối tác, nước Nga - nhất là dưới thời Tổng thống Putin - luôn không phải là hai bên cùng có lợi, mà thậm chí nhiều trường hợp đối tác có lợi, Nga không có lợi.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc chính phủ Nga thực hiện xóa nợ cho rất nhiều quốc gia trên thế giới với số tiền khổng lồ, trong bối cảnh kinh tế của nước Nga mới còn đang trong quá trình hồi phục sau thời gian hỗn loạn của giai đoạn đầu thời hậu Xô Viết.
Vậy nhưng nước Nga lại đón nhận một thực tế rất nghiệt ngã là dường như “thêm thù nhiều hơn thêm bạn”. Trong số những quốc gia "chuyển từ bạn thành thù", có những quốc gia vốn là "anh em cũ" của Nga, có những quốc gia từng chịu ơn rất nhiều của cả Liên Xô và Liên bang Nga.
Có nhận định rằng, vì Liên Xô đã xây dựng một ý thức hệ đối nghịch với hệ tư tưởng các quốc gia đồng minh, đối tác, nên các đối tác, đồng minh chỉ "bằng mặt không bằng lòng" khi bị Liên Xô chi phối và khi Liên Xô tan rã thì họ trở mặt với nước Nga.
Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Putin nắm giữ quyền lực và khôi phục sức mạnh Nga, không thấy ông làm tái sinh ý thức của chế độ Xô Viết. Vậy mà những đồng minh cũ, đối tác cũ vẫn tỏ ra không thân thiện với Moscow.
Những chuyển động lệch chuẩn Nga của các đồng minh là sự không thành công trong chính sách đối ngoại của Moscow. Ảnh: Reuters
Theo giới phân tích, Moscow cần có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình để có thể hóa giải được nguy hại từ chiến lược thù địch hướng vào nước Nga, từ đó biến những thực thể đối nghịch thành những đối tác, đồng minh "cũ mà mới" - cả thực tế lẫn tiềm tàng.
Khi Armenia, được xem là đồng minh chiến lược của Nga tại sân sau Nam Caucasus, sẵn sàng tham gia cuộc tập trận "Noble Partner 2017 - Đối tác cao quý 2017" với Mỹ, Anh và Gruzia, toàn là những "kẻ thù chiến lược" của Nga, đây được xem là lời nhắc nhở cho Moscow cần phải làm sao để đồng minh không quá nghiêng về đối thủ.
Hay việc Kazakhstan, một đồng minh chiến lược của Nga trong Liên minh Kinh tế Á - Âu, lại chủ động gia nhập Hội đồng Thổ Nhĩ Kỳ, bắt tay cùng với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - những đối tác không thể là đồng minh của Nga - đó được xem là cảnh báo đối với mầm họa tại khu vực chiến lược Nam Caucasus, nếu Moscow lơ là.
Hoặc Belarus, một thành phần trong Nhà nước Liên bang Nga - Belarus, đã đưa ra chế độ miễn thị thực cho công dân của 80 quốc gia, trong đó có 39 nước châu Âu, Mỹ và một số nước không thân thiện với Nga, đây là "thông điệp dữ" mà Moscow cần phải có chính sách hoá giải kịp thời đề đồng minh vẫn xem lợi ích ích với Nga là cốt lõi trong chiến lược của họ.
Giới phân tích cho rằng thái độ hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ hay Azerbaijan đối với Nga - dù hai bên liên tục mở rộng và nâng tâm quan hệ - là những bài học mà Moscow không thể lãng quên và đó cũng là động lực khiến Nga phải có những hiệu chỉnh kịp thời trong quan hệ với Armenia, Kazakhstan và Belarus - những đồng minh chiến lược của Nga.
Khi đồng minh, đối tác tự nguyện xích lại Nga, thì các thực thể chính trị có khát vọng "Tây tiến" có xem Nga là mối đe doạ thì cũng không thể làm ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng sân khấu chính trị mà Nga đang dần chiếm lĩnh và chiếm giữ.
Theo ông Shota Gvineria, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Gruzia: “Chiến lược đối ngoại của Nga không chỉ dựa trên việc cưỡng bức mà còn có các phương pháp quyền lực mềm mà Moscow đã sử dụng, nhằm xoá bỏ trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh”, Georgia Today tường thuật. Đây được cho sự phản chiếu tốt nhất cho việc điều chỉnh chiến lược của Nga
Có thể thấy rằng, dù đạt được nhiều thành quả tích cực trong quan hệ đối ngoại, song Moscow cũng còn rất nhiều việc phải làm để hoá giải chiến lược thù địch hướng về nước Nga, từ đó có thể xác lập vững chắc niềm tin chiến lược với đồng minh, đối tác, xây dựng và giữ vững được hình ảnh một nước Nga thân thiện với bạn bè quốc tế.